A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên: Không thể trì hoãn

04:10 | 20/07/2013

Trước diễn biến phức tạp của hạn hán do ảnh hưởng biến đổi khí hậu trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên gây bất thuận cho cây lúa, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở khu vực này là tối cần thiết, cần phải thực hiện ngay.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại Hội nghị diễn ra ở Bình Định ngày 18/7.

Chuyển đổi gấp hàng vạn ha đất lúa

Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), toàn vùng Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) và Tây Nguyên có diện tích canh tác lúa hàng năm là hơn 613.000 ha, chỉ chiếm khoảng 7,9% diện tích trồng lúa trên cả nước. Tuy nhiên, đây là vùng có điều kiện khí hậu, thời tiết diễn biến khá phức tạp gây bất lợi cho SXNN. Trong mấy năm gần đây, tình hình hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt trên toàn vùng đã khiến các nhà chức trách trong ngành nông nghiệp lo lắng. Mới đây nhất, đợt hạn kéo dài từ tháng 11/2012 đến tháng 6/2013 đã gây thiệt hại lớn cho SX. Vụ ĐX 2012-2013, toàn vùng có trên 12.000 ha lúa, hoa màu bị thiếu nước tưới; tiếp đến vụ HT, vùng DHNTB giảm 10% diện tích lúa so kế hoạch do thiếu nước, trong đó có 2,5% diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CCCT) từ làm lúa sang SX các loại cây trồng cạn như: ngô, lạc, rau đậu…


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thăm mô hình chuyển đổi CCCT tại huyện Phù Mỹ (Bình Định)

Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi đã mở ra cho nông dân trong vùng DHNTB và Tây Nguyên hướng “chung sống” với hạn hán mà hiệu quả kinh tế trong SX đạt cao hơn. Ví như ở Bình Định, tại huyện Phù Cát đã thực hiện chuyển đổi 340 ha từ SX 1 vụ lúa bấp bênh/năm sang làm 1 vụ lạc, 2 vụ hành/năm, doanh thu đạt trên 180 triệu đồng/ha/năm tại xã Cát Hải; xã Cát Tài chuyển trên 874 ha đất SX 3 vụ lúa/năm sang luân canh ngô, lạc, dưa, hành, vừng, các loại rau… đạt doanh thu trên 150 triệu đồng/ha/năm. Hoặc như ở Đăk Nông chuyển sang trồng khoai lang Nhật và lúa HT tại xã Nâm Dnia, huyện Krông Nô đạt hiệu quả cao. Còn ở Gia Lai, nhiều diện tích trồng lúa 1 vụ/năm trông vào nước trời ở xã Ia Pior (huyện Chư Prông) được chuyển sang làm đậu xanh trà sớm rất hiệu quả.

Trong những năm qua, việc thực hiện chuyển đổi CCCT ở khu vực DHNTB và Tây Nguyên diễn ra đều khắp. Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết: “Những hạn chế trong công cuộc chuyển đổi CCCT ở khu vực DHNTB và Tây Nguyên là chậm tiếp cận với những tiến bộ KHKT; một số loại cây trồng chưa cho thấy ưu thế hơn so cây lúa; nhiều mặt hàng có nhu cầu cao như ngô, đậu tương, lạc… nhưng quy mô SX còn nhỏ; lưu thông hàng hóa trên thị trường phát triển không đồng đều giữa các địa phương”.

Ưu tiên ngô lai

Theo các nhà khoa học, đồng đất của các tỉnh trong vùng DHNTB và Tây Nguyên rất phù hợp cho phát triển cây ngô lai. Đây là loại cây hứa hẹn lớn về đầu ra và là cây có bộ rễ tốt chống chịu được khắc nghiệt của thời tiết hơn các loại cây họ đậu. Trong điều kiện thâm canh trung bình, cây ngô lai có thể cho năng suất đạt 6-7 tấn/ha. Với giá ngô hạt hiện cao hơn lúa từ 1.000-1.500đ/kg, làm ngô nông dân có lãi hơn lúa từ 6-10 triệu đồng/ha. Tiếp đến là lạc và đậu tương. Lạc là cây trồng có hiệu quả cao trên chân đất cát, đất xám bạc màu, những chân đất mà vùng DHNTB rất phổ biến. Trong vụ ĐX vừa qua, Bình Định thực hiện chuyển đổi lạc trên đất lúa đạt hiệu quả cao gấp 2 lần so trồng lúa. Còn trên đất phù sa bồi có độ phì khá thì phù hợp chuyển làm cây đậu tương ĐX, lạc vụ hè hoặc lúa ĐX - đậu tương hè và lúa mùa. Còn ở Tây Nguyên, vùng đất đai mầu mỡ và có lợi thế về thời tiết thì cây ngô là lựa chọn số một.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị

Tuy nhiên, boăn khoăn lớn nhất của các địa phương trong vùng là sau khi thực hiện chuyển đổi, đầu ra của sản phẩm sẽ được giải quyết như thế nào? Ông Lê Muộn, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam, bộc bạch: “Trong đề án xây dựng NTM ở các địa phương đều có đề ra hướng phát triển SX, nhưng khi tiếp xúc với nông dân, chúng tôi luôn nợ họ câu hỏi: Cây gì có hiệu quả là chúng tôi chuyển ngay, nhưng đầu ra ở mô?”. Giải đáp khúc mắc này, ông Lương Văn Vàng, Viện phó Viện Nghiên cứu Ngô, cho biết: “Nếu thực hiện chuyển đổi từ đất lúa sang làm ngô thì chỉ khoảng từ 150.000-170.000 ha, chừng ấy diện tích trồng ngô cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc trong vòng 10-15 năm tới. Do vậy, cây ngô đang có đầu ra rất rộng”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết thêm: “Theo số liệu thống kê của ngành chăn nuôi, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng hơn 1,7 triệu tấn ngô hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu tương, hơn 1,2 triệu tấn hạt đậu tương và nhiều nguyên liệu khác để chế biến thức ăn gia súc. Do đó, không chỉ có cây ngô, những loại cây khác nằm trong định hướng chuyển đổi ở khu vực DHNTB và Tây Nguyên cũng sẽ có đầu ra ổn định không kém”.

“Ngoài yếu tố đầu ra, việc chuyển đổi CCCT cần phải được tính toán kỹ nhiều yếu tố khác như về công tác quy hoạch thành vùng nguyên liệu lớn, về kỹ thuật và tổ chức SX. Việc chuyển đổi CCCT phải đạt được 2 mục tiêu: Giảm áp lực về nước tưới và làm tăng thu nhập cho nông dân”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh.

 

    Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ