A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giảm nghèo theo quyết định 59: Cần có giải pháp căn bản

10:54 | 14/11/2016

Từ ngày 5-1-2016, Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Chính phủ, ngày 19-11-2015 (gọi tắt là Quyết định 59) về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 bắt đầu có hiệu lực.

... Đây là cơ hội giúp cho việc đánh giá hộ nghèo một cách toàn diện hơn, nhưng đồng thời cũng là thách thức mới khi số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tăng vọt.

Tỷ lệ hộ nghèo tăng cao

Những năm qua, công tác giảm nghèo của Đắk Lắk đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2011, toàn tỉnh có 81.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,8%, đến cuối năm 2015 giảm xuống còn 25.322 hộ (6%), bình quân mỗi năm giảm 3%. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo mới theo Quyết định 59 được xem xét đa chiều, cả góc độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thì số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã thay đổi theo chiều hướng tăng cao. Theo kết quả điều tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn tỉnh hiện có 81.592 hộ nghèo theo chuẩn mới, chiếm tỷ lệ 19,3% (tăng 13,3% so với số hộ nghèo chuẩn cũ năm 2015).

Phụ nữ dân tộc Êđê ở buôn Tơng Jú tham gia Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ea Kar cho biết, huyện Ea Kar hiện có 8.220 hộ nghèo theo chuẩn mới, chiếm tỷ lệ 22,8% dân số, tăng 6.644 hộ, tương đương 18,3% so với chuẩn nghèo cũ. Theo ông Thanh, sở dĩ số hộ nghèo (chuẩn mới) trên địa bàn huyện tăng cao như vậy là do nhiều nguyên nhân. Khách quan là từ việc sản xuất của người dân bị ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn, mất mùa xảy ra liên tiếp; nhiều hộ thiếu vốn, đất sản xuất; giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp… Yếu tố chủ quan là công tác giảm nghèo hằng năm thiếu bền vững, việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả còn thấp; việc đầu tư nguồn lực để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh hạn chế…

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Pắc, mặc dù công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện những năm qua luôn đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao, song khi rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo đã tăng thêm 3.463 hộ, tương đương khoảng 7,4%. Thực tế cho thấy, nếu xét riêng về mức thu nhập theo chuẩn nghèo mới thì số hộ nghèo tăng không đáng kể (từ 1-2%), nhưng đo lường đa chiều thêm 5 dịch vụ xã hội cơ bản khác thì số hộ nghèo tăng mạnh, lý do là các yếu tố này trên địa bàn huyện còn thiếu và yếu. Điều này thấy rõ nhất ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Vụ Bổn, Ea Yiêng, Ea Uy...

Cần những giải pháp căn cơ

Công tác giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, địa bàn. Thực hiện Quyết định 59 là xác định hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều sẽ khắc phục được những hạn chế của cách làm cũ, xây dựng mức sống tối thiểu để từng bước bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân. Điều này cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có phương pháp, nhận thức mới để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Một buổi học tại Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH cho biết, để góp phần giảm nghèo bền vững, từ đầu năm đến nay, Sở cùng với các địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, cách làm hay trong sản xuất và nêu gương các gia đình vượt khó thoát nghèo; đẩy mạnh triển khai nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tăng thu nhập và nhóm chính sách hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ tiền điện… cho hộ nghèo. Chỉ trong 9 tháng năm 2016, Sở đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ 12.924 hộ nghèo vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 326,8 tỷ đồng; triển khai hỗ trợ kinh phí trên 8,8 tỷ đồng cho công tác dạy nghề nông thôn để tổ chức 81 lớp, với 2.831 lượt người tham gia học… Bên cạnh đó, các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số cũng được hỗ trợ trực tiếp mua sắm nguyên vật liệu, vật tư phục vụ đời sống và sản xuất.

Quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều ở Đắk Lắk được dự báo sẽ còn bộn bề những khó khăn, thách thức. Vì vậy, để bảo đảm được yếu tố bền vững trong công tác giảm nghèo, thiết nghĩ các sở, ngành liên quan cần xây dựng, ban hành chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm y tế ở các xã, huyện nghèo; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng các mô hình đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các vùng khó khăn, góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.

Theo Quyết định số 59, ngoài tiêu chí về thu nhập (700.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng trở xuống ở khu vực thành thị), hộ nghèo còn được đo lường ở mức độ thiếu hụt 5 dịch vụ xã hội cơ bản gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Lê Thành

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ