A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sức dân trên những con đường nông thôn mới

07:18 | 04/02/2017

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2016 nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trong tỉnh đã hoàn thành, góp phần thay đổi diện mạo những vùng quê.

Đầu tháng 2-2016, con đường nối thôn 10 và thôn 13, xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) hoàn thành đã mang lại niềm vui lớn đối với bà con nơi đây. Con đường này trước đây chỉ là lối mòn, luôn trong tình trạng nắng bụi, mưa lầy, khiến việc đi lại của bà con rất vất vả. Nhận thấy đó là trở ngại lớn hạn chế việc phát triển kinh tế của bà con, cuối năm 2015, Chi bộ và Ban tự quản thôn đã họp, bàn kế hoạch bê tông đường liên thôn này. Trên cơ sở nguồn xi măng do Nhà nước hỗ trợ, việc giải phóng mặt bằng và các nguồn vật liệu khác cũng như ngày công lao động đều phải huy động sự tham gia của người dân. Xác định đây không phải là việc làm dễ dàng, bởi đa số người dân trong thôn kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nhưng với tinh thần quyết tâm, Ban tự quản thôn đã tiến hành họp dân, lấy ý kiến để đưa ra các phương án đóng góp hợp lý, hợp tình. Qua các lần vận động, đa số người dân đều nhận thức được việc mở rộng, bê tông đường giao thông là để phục vụ cho mình trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản thuận tiện hơn nên bà con hưởng ứng nhiệt tình. Thực hiện việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường, nhiều hộ dân dọc tuyến đã không ngần ngại hiến đất, tự nguyện tháo dỡ công trình kiên cố, chặt bỏ cây trồng trên đất. Điển hình có các hộ như Đinh Công Hồ chặt khoảng 100 cây cà phê, Nguyễn Văn Thu khoảng 50 cây, Trần Thị Bình khoảng 10 trụ tiêu trong thời kỳ kinh doanh. 

Người dân xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) tham gia làm đường giao thông.

Người dân xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) tham gia làm đường giao thông.

Đến thôn Buôn Triết, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) vào thời điểm khi con đường nội thôn Đội 3 vừa mới hoàn thành, thấy rõ được niềm vui của bà con khi được đi lại trên đường bê tông phẳng lỳ. Thôn Buôn Triết là một trong những nơi có thế mạnh về cây lúa nước với 500 ha, mấy năm lại đây, do khó khăn về nguồn nước tưới, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, trong đó, đáng chú ý là cây khoai lang (khoảng 100 ha) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, giao thông khó khăn đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản của địa phương. Tranh thủ sự hỗ trợ xi măng từ ngân sách huyện, thôn đã họp bàn về cách thức đóng góp và tổ chức họp dân. Bước đầu việc vận động cũng gặp không ít khó khăn, một số ý kiến trái chiều cho rằng đường giao thông để Nhà nước làm. Song qua giải thích, bà con đã hiểu hơn về phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và đã đồng thuận cao. Trên cơ sở đó, phương án huy động đóng góp được thống nhất chia theo nhân khẩu, với mức đóng hơn 3,5 triệu đồng/khẩu. Đáng chú ý, để tạo sự công bằng trong việc đóng góp, Ban tự quản và người dân đã thống nhất, hộ nào có máy cày hoặc các loại xe lớn thì tính thêm một khẩu. Kết quả, qua 2 lần vận động đã thu được 425 triệu đồng tiền mặt, con đường Đội 3 dài hơn 1 km, bề rộng 3 mét theo tiêu chuẩn đường nội thôn trong chường trình xây dựng nông thôn mới được khởi công và hoàn thành trong tháng 8-2016.
Trên cơ sở mặt bằng “sạch”, thôn đưa ra phương án huy động người dân đóng góp tiền mặt và tham gia ngày công làm đường. Theo đó, việc đóng góp được chia thành 2 đợt để không trở thành gánh nặng đối với người dân, đợt 1 đóng theo hộ, với mức 500.000 đồng/hộ, sau đó chia theo nhân khẩu, với mức 330.000 đồng/khẩu. Trong đó, các đối tượng như người già không còn khả năng lao động sẽ được miễn đóng góp, hộ nghèo đóng 50%. Việc thi công làm đường được giao khoán cho từng nhóm, công lao động tính theo số nhân khẩu, do đó, từ ngày khởi công đến lúc hoàn thành tất cả các hộ dân đều tự nguyện tham gia nhiệt tình. Không lâu sau đó, con đường đã hoàn thành, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Theo anh Nguyễn Ngọc Thắng, trưởng thôn 10, từ ngày đường làm xong, không còn tình trạng xe chở nông sản, phân bón của người dân bị lật đổ, mỗi ngày đến trường của các em học sinh cũng dễ dàng hơn trước nhiều.

Không chỉ ở hai địa phương nói trên, phong trào làm đường giao thông nông thôn với sự đóng góp của người dân đã và đang lan tỏa mạnh mẽ khắp các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ nông thôn mới ở mỗi địa phương.

Hoàng Tuyết

    Nguồn: Báo điện tử Đắk Lắk

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ