A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giải quyết việc làm cho người khuyết tật: Vẫn còn nhiều khó khăn

09:36 | 02/06/2017

Một cuộc hội thảo giàu tính nhân văn vừa được Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh tổ chức với sự tham gia của một số cơ sở, doanh nghiệp,...

...cơ quan chuyên môn về giáo dục, việc làm và thanh niên khuyết tật để cùng nói lên tâm tư, nguyện vọng về công tác giải quyết việc làm cho người khuyết tật.

Tạo điều kiện cho người khuyết tật

Theo Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, toàn tỉnh có 13 cơ sở, doanh nghiệp đã tiếp nhận 37 lao động khuyết tật vào học nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định. Con số này còn khá khiêm tốn nhưng là sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên Trung tâm cũng như một số chủ cơ sở, doanh nghiệp. Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh chia sẻ tại Hội thảo:“Rất nhiều học sinh khuyết tật mong muốn mình là người “tàn” mà không “phế”, lại càng không muốn trở thành gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội. Song để thực hiện được điều đó không phải là vấn đề đơn giản”.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ Đăng Đạo (số 55 đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột) có 7 lao động đang làm việc thì có đến 5 người khuyết tật. Anh Trần Đăng Đạo, chủ cơ sở cho biết, nhận lao động khuyết tật vào làm việc hiệu suất công việc không cao, chưa kể việc đi lại, giao tiếp khó khăn, trình độ tay nghề chưa  cao nên không thể đảm nhiệm những phần việc khó. Biết rõ khó khăn, nhưng nhìn người khuyết tật loay hoay gõ cửa nhiều cơ sở để xin việc làm, từ năm 2011 anh Đạo quyết định nhận một số người khuyết tật vào đào tạo nghề, tạo việc làm với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có người thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng. Không chỉ tạo việc làm cho chồng, anh Đạo còn nhận vợ của lao động khuyết tật vào dạy nghề, tạo việc làm.

Anh Trần Văn Đạo đang hướng dẫn lao động khuyết tật hoàn thiện sản phẩm.

Nhiều năm nay cơ sở gỗ mỹ nghệ Huy Phát (khối 12, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) là “mái ấm” của nhiều lao động khuyết tật. Có thời điểm cơ sở tiếp nhận 12 lao động khuyết tật. Anh Đào Ngọc Tú, chủ cơ sở chia sẻ: “Đa số người khuyết tật luôn cố gắng, chăm chỉ làm việc. Tuy nhiên vẫn có một số ít lao động do tâm lý mặc cảm, thiếu động lực lao động, tự ý xin nghỉ việc”. Để hiểu lao động khuyết tật hơn, anh Tú tự học ngôn ngữ ký hiệu và đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh nhờ giáo viên tư vấn tâm sinh lý của trẻ khuyết tật. Nhờ giao tiếp được với nhau, anh Tú đã chia sẻ với lao động khuyết tật những khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống, từ đó nhiều người gắn bó hơn với cơ sở.

Chưa tiếp cận chính sách ưu đãi

Chia sẻ tại Hội thảo, các chủ cơ sở, doanh nghiệp cho biết họ sẵn sàng nhận lao động khuyết tật vào đào tạo nghề, tạo việc làm. Tuy nhiên theo phản ánh của các chủ cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động khuyết tật, một số chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc tuy đã được luật quy định nhưng vẫn chưa tiếp cận được.

Anh Nguyễn Văn Mừng, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Văn Mừng (TP. Buôn Ma Thuột) bức xúc: “Tôi được biết, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và có số lao động bình quân trong năm từ 20 người trở lên thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc; vay vốn ưu đãi; ưu tiên thuê đất; miễn tiền thuê đất… Thế nhưng, khi tôi liên hệ với chính quyền địa phương để đề nghị được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì chỉ nhận được câu trả lời là không biết chính sách này”.

Tương tự, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Đăng Đạo cũng cho hay vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Do đó rất mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho đơn vị tham gia trưng bày, quảng bá các sản phẩm tại các sự kiện lớn của tỉnh nhằm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. “Cơ sở, doanh nghiệp phát triển thì lao động khuyết tật cũng có việc làm, thu nhập ổn định”, anh Trần Văn Đạo bày tỏ.

Theo ông Trần Kim Tiến, Phó trưởng Phòng Bảo trợ (Sở LĐ-TBXH), những năm gần đây công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người khuyết tật được đặc biệt quan tâm. Sở LĐ-TBXH sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động khuyết tật hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục để được thụ hưởng chính sách nếu đủ điều kiện theo quy định.     

Nguyên Hoa

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ