A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Giảm giá thuốc

10:06 | 25/09/2017

Mới đây, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia- Bộ Y tế lần đầu tiên mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự 5 gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia.

 Việc đấu thầu thuốc tập trung đang được kỳ vọng sẽ giúp lựa chọn ra các sản phẩm thuốc có chất lượng tốt, tiết kiệm chi ngân sách, giảm giá mua, giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu, đem lại sự minh bạch và đảm bảo tính khách quan trong quá trình đấu thầu…Quan trọng hơn cả là, quá trình thực hiện đấu thầu tập trung sẽ giúp cho việc quản giá thuốc, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Lâu nay phần lớn các địa phương tổ chức đấu thầu thuốc tập trung tại các sở y tế. Mỗi địa phương lập một hội đồng đấu thầu nên chất lượng, giá cả của thuốc chênh lệch giữa các địa phương, các bệnh viện; quá trình đánh giá hồ sơ, chấm thầu mất nhiều thời gian; các nhà thầu tốn thời gian đi lại, mất chi phí mua hồ sơ mời thầu, bảo lãnh dự thầu. Sở y tế cũng vừa là cơ quan quản lý, thẩm định kết quả đấu thầu, vừa là một bên trong quan hệ mua - bán thuốc dễ nảy sinh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”… 

Theo ước tính, gói thầu mua sắm tập trung quốc gia đầu tiên nói trên với giá trị thầu 2.600 tỉ đồng, kết quả trúng thầu thấp hơn giá trúng trung bình năm 2016 tới trên 590 tỉ đồng (gói thầu này thực hiện mua sắm với hơn 22 loại thuốc thuộc 5 hoạt chất điều trị ung thư). Đáng chú ý 3 loại biệt dược gốc trước đây chưa bao giờ giảm giá thì lần này giảm 12%, tương đương gần 80 tỉ đồng so với năm 2016.

Theo Bộ Y tế, trong số mặt hàng được chấm ở vị trí số 1 (trúng thầu), mức giảm giá nhiều nhất tới 70% so với giá trung bình mua năm 2016. Rất nhiều mặt hàng giá chỉ bằng 50% so với giá năm 2016. Trong khi chi phí khám chữa bệnh do Quỹ BHYT chi trả lên tới trên 90.000 tỉ đồng, 50-60% trong số này là tiền thuốc. Vì vậy, việc đấu thầu tập trung có thể tiết kiệm số tiền rất lớn, có thể cả ngàn tỉ đồng.

Dù thuốc giá cao nhưng để bảo đảm cho mạng sống của mình, người bệnh vẫn phải chấp nhận mua. Như đã nói, chi phí tiền thuốc chiếm đến 60% chi phí điều trị, do đó kiểm soát chi phí thuốc có ý nghĩa quan trọng trong giảm chi phí điều trị. Việc loạn giá thuốc đang là một vấn đề nan giải  nhiều năm nay, khiến người bệnh chịu nhiều thiệt hại. Đơn cử như thuốc Simulect dùng trong điều trị dự phòng thải ghép do Novartis sản xuất, kê khai giá tại Bộ Y tế là gần 29.700.000 đồng/lọ, nhưng giá bán bên ngoài là 31.500.000đ/lọ, chênh nhau gần 2 triệu đồng; Thuốc bột pha tiêm Herceptin lọ 440mg được chỉ định trong điều trị ung thư vú di căn có giá là gần 45.600.000 đồng. Tuy nhiên, khi đến với đại lý phân phối lại được rao bán công khai trên website với mức giá là 49.000.000 đồng. Như vậy, từ giá kê khai, qua đại lý phân phối đến tay người bệnh đã có sự chênh lệch tới gần 4 triệu đồng/lọ.

Theo phân tích từ các chuyên gia, có tình trạng trục lợi từ một số đối tượng với một số mặt hàng thuốc điều trị đặc biệt nhằm tăng giá thuốc khi nguồn cung bị khan hiếm. Còn trong một cuộc thanh kiểm tra gần đây nhất do Sở Y tế Hà Nội thực hiện tại Trung tâm bán buôn dược phẩm Halpulico và Bệnh viện Xanh Pôn, một nghịch lý xảy ra là giá thuốc bán buôn lại đắt hơn giá bán lẻ. Ví dụ như cùng là thuốc Augmentin 500 mg nhưng giá bán buôn của Công ty THNH Bông Sen Vàng tại Trung tâm Dược phẩm Hapulico cao hơn giá bán lẻ của Bệnh viện Xanh Pôn 3.000 đồng/viên…Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ chi tiêu từ tiền túi của người Việt Nam cho chữa bệnh là 43% - chiếm tỷ lệ khá cao trên thế giới. 

Trước đó, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về dược; phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu cần tăng cường quản lý giá thuốc theo mục tiêu giảm từ 10-15% giá thuốc trong năm 2017, nhất là thuốc biệt dược; khẩn trương phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đấu thầu tập trung quốc gia với thuốc bảo hiểm y tế từ 1/1/2018.

Theo Bộ Y tế, Trung tâm Mua sắm thuốc quốc gia cũng sẽ có vai trò điều phối. Thông thường bệnh viện thiếu thuốc sẽ phải gửi đề nghị lên bộ hoặc sở y tế,  nhiều trường hợp phải chờ hàng tháng để cơ quan chức năng xem xét. Hiện đã có trung tâm mua sắm giữ vai trò điều phối thì bệnh viện không cần phải chờ đợi, nơi nào thừa thì bù đắp sang nơi thiếu và ngược lại.

Ông Nguyễn Trí Dũng- giám đốc Trung tâm cho biết, trong quá trình triển khai Bộ Y tế sẽ theo dõi sát sao, chỉ đạo trực tiếp, điều chuyển hài hòa giữa các đơn vị cung ứng và sử dụng. Đồng thời Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng danh mục thuốc, tập trung vào các nhóm thuốc trị bệnh không lây nhiễm, tần suất cơ sở y tế sử dụng nhiều, có chi phí cao. Việc mở rộng danh mục này sẽ theo lộ trình để đảm bảo ổn định trong cung ứng và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Cung ứng thuốc cho bệnh viện thông qua những hình thức đấu thầu tập trung quốc gia đang mở ra khả năng về việc giảm giá thuốc, hóa giải nỗi lo thiếu thuốc. Việc người bệnh có giảm được chi phí tiền thuốc hay không đang phụ thuộc lớn vào giá thuốc mà Nhà nước đóng vai trò điều tiết. Dẫu thế, hình thức đấu thầu nào cũng sẽ có những bất cập phát sinh, cần được kiểm soát cũng như điều chỉnh kịp thời cho phù hợp từ đơn vị tổ chức đấu thầu và sự giám sát thực hiện từ phía cơ quan BHXH.    

Vi Cầm

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ