A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cộng đồng tự phát hiện thực phẩm bẩn

15:48 | 02/11/2017

LTS: Trong Chương trình phối hợp số 90 vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 - 2020 được ký kết giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2017,...

... vận động được ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 100% số HTX, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Ngoài ra tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.

Để góp phần vào cuộc tuyên truyền, vận động và giám sát an toàn thực phẩm, kể từ số báo này, Tinh hoa Việt mở chuyên trang “Giám sát an toàn thực phẩm”. Trang báo đồng hành cùng các cấp Mặt trận trong cả nước, đặc biệt là các khu dân cư, để tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn; đồng thời đăng tải những ý kiến phản biện, phản ánh những hoạt động giám sát và phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Trang báo này cũng là nơi phản ánh, cổ vũ cho những mô hình hay những cách làm tốt về an toàn thực phẩm...


Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới tại Đà Lạt. (Ảnh minh họa: Thạch Thảo).

1. Năm 2016 được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chọn để bắt đầu chương trình giám sát việc thực hiện an toàn thực phẩm theo tinh thần: “Người Việt không thể đầu độc người Việt”, coi đó là một trong những tiêu chí nhằm góp phần xây dựng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Phải nhớ rằng thời điểm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chọn giám sát an toàn thực phẩm và ký Chương trình phối hợp số 90 vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 – 2020, là lúc xã hội đang cực kỳ nóng về vấn đề an toàn thực phẩm. Có rất nhiều vụ việc sản xuất và phân phối thực phẩm bẩn được phát hiện, có nhiều ca ngộ độc tập thể do ăn uống, có những đám cưới mà cỗ cưới làm chết người… Cùng với một thực tế nhức nhối là tỉ lệ mắc bệnh ung thư tăng cao… Đặc biệt là sau sự cố môi trường biển miền Trung, cả xã hội hoảng hốt về thực phẩm bẩn. Trong đó, khủng hoảng lớn nhất là mất niềm tin về thực phẩm và về con người.

Cho nên, có thể nói, thời điểm ấy, chọn vấn đề ấy là Mặt trận đã đi trúng vào vấn đề nóng nhất, đáng quan tâm nhất của xã hội. Mà để làm việc ấy, Mặt trận sẽ thể hiện đúng vai trò của mình, giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân, đặc biệt là giám sát ở cơ sở. Theo đó mà ở mỗi khu dân cư, mỗi tổ chức đoàn thể, mỗi nhà, mỗi người… nêu cao ý thức trách nhiệm không sản xuất những thực phẩm không an toàn và giám sát những người xung quanh mình, khi phát hiện sản xuất thực phẩm không an toàn thì báo cho chính quyền hoặc Mặt trận cơ sở.

Một yêu cầu đặt ra khi ấy là để giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận đạt hiệu quả, chính quyền cơ sở phải có ý thức nghiêm túc tiếp thu kết quả giám sát của nhân dân, kịp thời đề nghị các cơ quan chức năng xử lý. Hơn 100 ngàn khu dân cư trong cả nước, là tiền đề quan trọng để đảm nhận và đảm bảo việc vận động và giám sát các hộ gia đình cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.

Như vậy là trong suốt cả năm 2016 và nửa chặng đường đầu tiên của năm 2017, giám sát an toàn thực phẩm đã được Mặt trận các cấp triển khai quyết liệt ở từng khu dân cư trong cả nước. Đã có nhiều mô hình làm tốt công việc này. Ví dụ, MTTQ tỉnh Thừa Thiên – Huế có kinh nghiệm ngoài tuyên truyền, vận động người sản xuất, người tiêu dùng về an toàn thực phẩm thì quan trọng là phải tăng cường giám sát quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. MTTQ tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã tổ chức một hội nghị liên tịch để có sự gắn kết giữa cơ quan đi tuyên truyền và cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, người dân kể cả người sản xuất và người tiêu thụ. MTTQ tỉnh vận động xây dựng chuỗi cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn...

Ở Bắc Ninh, UBMTTQ tỉnh đã thành lập đoàn giám sát thực hiện giám sát an toàn thực phẩm ở nhiều huyện; trực tiếp giám sát tại các hợp tác xã nông nghiệp, các chợ truyền thống, các điểm bán hàng, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm... Được biết rằng tại Bắc Ninh, hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đã có những chuyển biến mặc dù vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ nông sản, thực phẩm bị ô nhiễm… 

2. Như chúng tôi đã nói ở trên, khủng hoảng lớn nhất không phải chỉ là việc thực phẩm bẩn vẫn đang lưu hành trong các kênh phân phối tiêu dùng, mà đặc biệt nghiêm trọng là xã hội lâm vào khủng hoảng niềm tin trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Không còn biết tin ai và tin vào đâu để có thực phẩm sạch, thậm chí ở thành phố người ta còn trồng rau, nuôi gà trên sân thượng hoặc tìm nguồn thực phẩm từ quê. Nghĩa là mỗi người tìm cách có một kênh riêng để đảm bảo bữa cơm gia đình an toàn. Đồng nghĩa với việc cộng đồng không cùng nhau gây dựng lại niềm tin, mà mỗi người tự lo cho riêng mình. Không quá lời để nói rằng cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm chính là khủng hoảng về đạo đức xã hội.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan từng nói rằng, nông thôn vẫn là cái “hầm trú ẩn” của thành phố, mỗi khi gặp khủng hoảng, chẳng hạn như khi lạm phát, khu vực nông thôn giúp cho nền kinh tế bớt khó khăn. Và với cơn khủng hoảng thực phẩm bẩn này cũng thế, người ta lại tìm nguồn cung cấp rau thịt cá từ người thân ở quê. Nhưng khi oán thán về thực phẩm bẩn, thì người ta nhất loạt chỉ trích nông dân, như là thủ phạm chính tạo ra thực phẩm bẩn. Trong khi các chất cấm không được dùng trong trồng trọt và chăn nuôi ấy ở đâu ra? Có thể lý giải việc dùng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt là do người nông dân cố ý độc ác với đồng loại không? Chất cấm là cái gì? được phép dùng hay không được phép họ dùng? phải là trách nhiệm của các nhà quản lý!

Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc không thể tuyên truyền về an toàn thực phẩm giống như những người vô can, dành hết mọi xấu xa, độc ác cho những người nông dân chân lấm tay bùn. Vấn đề thực phẩm an toàn phải được giải quyết bằng các biện pháp quản lý; bằng tuyên truyền và đưa vào lưu thông các sản phẩm phân bón, thực phẩm chăn nuôi khoa học, an toàn; bằng việc tạo ra thị trường tiêu thụ lành mạnh…

Nông dân sẽ trồng được rau sạch, nuôi được lợn, gà, trâu bò, cá tôm… sạch. Miễn là từ góc độ chính sách và quản lý, phải giải quyết được hàng loạt vấn đề mà người nông dân không tự giải quyết được. Như họ không tự giải quyết được vì sao hoá chất cấm sử dụng mà vẫn có thể mua được dễ dàng. Hoặc quy trình trồng trọt và chăn nuôi khép kín và an toàn, hay đầu ra tiêu thụ nông sản sạch - những việc ấy tự họ không làm được.

3. Sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua để vận động và giám sát an toàn thực phẩm cho đến thời điểm này có thể nói là đã có nhiều hiệu quả nhất định. Trong đó, quá trình tuyên truyền vận động đã tạo ra sự chuyển biến ở các gia đình, cơ sở sản xuất thực phẩm… Ý thức về an toàn thực phẩm ở người tiêu dùng tăng lên rõ rệt biểu hiện cụ thể ở thái độ thể hiện đối với thực phẩm bẩn. 

Không ai muốn làm ra thực phẩm không an toàn. Đứng ở góc độ con người có thể nói như vậy. Cho nên nếu có sự quyết liệt từ góc độ quản lý, nếu có sự giám sát chặt chẽ của cả cộng đồng, nếu có những biện pháp đảm bảo đầu ra cho thực phẩm an toàn… thì nhất định chúng ta sẽ thiết lập được một nền sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, đảm bảo cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. 

Mất an toàn thực phẩm là vấn đề quá lớn, có thể làm suy giảm nguồn nhân lực của xã hội và sẽ còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi. Đây là lúc người Việt Nam cần chung tay vì một xã hội khoẻ mạnh và văn minh thay vì mỗi cá nhân chỉ biết lo cho sự an toàn của riêng mình. Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm mới có thể đạt tới những mục tiêu đề ra. Chặng đường tới cần sự quyết liệt triển khai hơn nữa ở các cấp Mặt trận. Ở các cơ quan có trách nhiệm về vấn đề này, cần sự chịu trách nhiệm với những biện pháp đủ mạnh, đủ nghiêm minh, cần cơ chế hợp lý để huy động xã hội tham gia vào việc tạo ra một nền sản xuất sạch, một thị trường tiêu thụ công bằng cho nông sản Việt.  

Cẩm Anh

 

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ