A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Không để phụ nữ lùi lại phía sau

10:33 | 10/11/2017

Đó là lời hứa của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, diễn ra ngày 9/11.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi thảo luận Ảnh: Quang Vinh.
 
Nhức nhối bạo lực gia đình
 
Theo báo cáo của Chính phủ, số liệu tổng hợp của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình bạo lực gia đình năm 2016 cho thấy có 14.790 vụ bạo lực gia đình với tổng số nạn nhân là 13.524 người, tổng số người gây bạo lực là 14.177 người. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoài phạm vi gia đình đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhiều chị em vì các lý do khác nhau đã cam chịu, không tố cáo nhất là khi người gây bạo lực là người thân; tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay xâm hại tình dục đối với trẻ em gái có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn. 
 
Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trên toàn quốc đã xét xử 1.880 vụ xâm hại trẻ em với 1.976 bị cáo. ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chỉ rõ, hiện Việt Nam đứng 69/114 nước về bình đẳng giới, giảm 27 bậc so với năm 2015, cho thấy chỉ số này không ổn định và có xu hướng giảm. Phụ nữ chủ yếu làm trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Trong khi lĩnh vực cơ khí, chế tạo lại ít tham gia. Do vậy, cần có chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia vào mọi khu vực để tăng thu nhập và cơ hội công việc.
 
Đưa ra dẫn chứng bạo lực gia đình vẫn là vấn đề cần được quan tâm, ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề nghị, cần tăng cường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp với vấn đề bình đẳng giới. Đặc biệt là thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đằng giới. Phân công trách nhiệm cụ thể, phân bổ nguồn lực bổ sung về bình đẳng giới. 
 
Mất cân bằng giới tính khi sinh
 
Theo ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ), Việt Nam đang có sự mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng này đang gia tăng và không đồng đều giữa các cùng miền. Năm 2006 tỷ lệ này là 106 nam/100 nữ, tới năm 2013 thì tỷ lệ là 113,8 nam/100 nữ và ước thực hiện năm 2017 là 113 nam/100 nữ. Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của tâm lý xã hội về việc muốn có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ. 
 
“Tình trạng dư thừa nam giới là do mong muốn có con trai hiện nay lại dễ thực hiện hơn do khoa học phát triển, biết được giới tính trước khi sinh. Tới giữa thế kỷ này Việt Nam sẽ thừa 2,3-4 triệu nam giới trong độ tuổi trưởng thành. Tình trạng này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội”- bà Yến nói, đồng thời kiến nghị, cần tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức và vai trò của nam giới. Xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi, đưa nội dung bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của cộng đồng, các dòng họ, đảm bảo sự bình đẳng của con gái với con trai trong việc thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, bảo đảm sự công bằng về vai trò của nam và nữ trong hoạt động xã hội, kinh tế và chính trị. 
 
Dẫn chứng qua thanh tra 152 doanh nghiệp dệt may có tới 55 doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định liên quan tới lao động nữ,  trong 12 địa phương được thanh tra thì có 6 địa phương vi phạm về bình đẳng giới, ĐB Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) nhìn nhận, vi phạm chính sách pháp luật với lao động nữ là khá phổ biến nhưng biện pháp xử lý chưa được nêu ra, nhất là tình trạng hạn chế sự dụng lao động nữ trên 35 tuổi đang nổi lên trong thời gian qua, bà Hạnh cho rằng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đảm bảo quyền lợi của lao động nữ. Đào tạo cho lao động nữ, chính sách khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ, để tạo ra bình đẳng.
 
Cần có chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia vào mọi khu vực để tăng thu nhập và cơ hội công việc. Ảnh: TL.
 
Xử phạt doanh nghiệp sa thải  lao động nữ trên 35 tuổi
 
Giải trình về những vấn đề được các ĐB đặt ra, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, định kiến về giới còn dai dẳng do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, phong kiến. Đề cập đến giải pháp đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ, theo Bộ trưởng Dung, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quan tâm tới vấn đề tạo công ăn việc làm cho phụ nữ. Ở nông thôn, phụ nữ sẽ cùng tham gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, có các chương trình về nói không với bạo lực, xâm hại và không để phụ nữ lùi lại phía sau. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, phụ nữ đơn thân, có chương trình về chống bạo lực gia đình, buôn bán, xâm hại phụ nữ. 
 
Liên quan đến vấn đề sa thải phụ nữ sau 35 tuổi, Bộ trưởng Dung cho biết, Chính phủ đã lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, trực tiếp kiểm tra, đánh giá thực trạng. “Vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã gặp gỡ Chính phủ và có nhiều đổi mới trong việc chăm lo cho người lao động. Do vậy, trong thời gian tới doanh nghiệp nào sai phạm sẽ bị xử phạt. Về xử lý chênh lệch mức lương hưu của phụ nữ, Chính phủ đã sớm phát hiện và báo cáo Quốc hội. Chính phủ sẽ đề xuất xử lý theo hướng đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đảm bảo bình đẳng giới và không gây bức xúc xã hội” - Bộ trưởng Dung thông tin.
 
H.Vũ

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ