A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyện kể về người anh hùng Lê Xuân Bá

09:26 | 27/04/2018

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng cựu chiến binh – Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, trú tại tổ dân phố 8, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk...

...nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12) vẫn canh cánh trong lòng về những đồng đội đã hi sinh trên tuyến Đường Trường Sơn

.

Đại tá-Anh hùng Lê Xuân Bá (thứ 2 từ phải qua) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa.

Ông đã đứng ra tổ chức, vận động xây dựng Bia Di tích Đường Trường Sơn, tưởng niệm 57 liệt sĩ đã ngã xuống bên bờ sông Sêrêpốk, vào thời điểm đầu năm 1973. Vận động hỗ trợ giúp đỡ các đồng đội vươn lên trong cuộc sống.

Từ “nhờ cậy” để được đi bộ đội lập công

Năm 1953, khi sang tuổi 18, Lê Xuân Bá xung phong đi bộ đội. Nhưng, vì tuổi thơ đói ăn, thiếu mặc, khiến Lê Xuân Bá còi cọc, trọng lượng cơ thể không đủ 40kg. Bá có thể không được đi bộ đội, nếu không “nhờ cậy” sự can thiệp của người bác ruột, khi ấy làm cán bộ xã Hà Tân. 

Nhập ngũ, chưa kịp tham gia khóa huấn luyện nào, Lê Xuân Bá được biên chế ngay về Đại đội 34 công binh, Tiểu đoàn 18, Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên phong. Trở thành chiến sĩ đơn vị công binh, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; ban đêm Lê Xuân Bá ra trận địa đào chiến hào, giao thông hào; ban ngày  đào hầm chỉ huy cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch.

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đơn vị của Lê Xuân Bá làm nhiệm vụ bắt tù binh đi tháo gỡ mìn do địch cài trên chiến trường, để chuẩn bị bãi tập hợp mừng chiến thắng. Sau lễ mừng chiến thắng, Đại đoàn 308 trở lại An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên). Về Thái Nguyên, làm công tác chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội. 

Sáng 10/10/1954, Lê Xuân Bá vinh dự được đứng trong hàng ngũ người lính Đại đoàn Quân Tiên phong, do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng, kiêm Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội, thi hành nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố trong sự hân hoan chào đón của 20 vạn nhân dân Thủ đô. 

Những năm sau đó, Lê Xuân Bá thực hiện nhiệm vụ nuôi quân, huấn luyện, công tác tại Đại đoàn 308. Từ năm 1964 đến đầu năm 1970, Lê Xuân Bá kinh qua các cương vị Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng các đơn vị thuộc Trung đoàn 98, sau đó làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Binh trạm 37 (Đoàn 559).

Ngày 15/4/1970, tại khu rừng Nậm Pa, thuộc tỉnh Atô-pơ, Nam Lào, Sư đoàn 470 (Đoàn 559) thành lập, Lê Xuân Bá được cấp trên điều động về Trung đoàn 4 Công binh. Trong đội hình của Sư đoàn 470, từ năm 1970 đến tháng 4/1975, Trung đoàn 4 Công binh dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Lê Xuân Bá đã lập nhiều chiến công trong mở đường Trường Sơn.

Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, tranh thủ thời gian địch giảm đánh phá, trên tuyến đường Trường Sơn, bộ đội ta khẩn trương mở rộng và nâng cấp đường.Một trong những chiến công của Trung đoàn 4 Công binh, đó là trong hơn 20 ngày đêm thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1973, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Lê Xuân Bá, đơn vị đã hoàn thành xây dựng 1 gầm và 1 cầu phà dài 100m, vượt sông Sêrêpốk.

Đây là một trong những phần việc khó nhất trên tuyến đường Trường Sơn từ Nam Tây Nguyên đến chiến trường B2 tại Lộc Ninh (Bình Phước). Để có được chiến công ấy, 57 chiến sĩ của Trung đoàn 4 Công binh và Tiểu đoàn bộ binh 21 thuộc Sư đoàn 470, đã anh dũng hi sinh. Với thành tích đặc biệt trong chiến đấu, ngày 3-/6/1976, Sư đoàn 470 và Trung đoàn 4 Công binh được phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT.

Đến Anh hùng trên công trường và nghĩa tình đồng đội

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn 4 Công binh, trong đội hình Sư đoàn 470 bám trụ, làm nhiệm vụ khôi phục hệ thống cầu, đường ở Tây Nguyên, trong đó trọng tâm là sửa chữa Quốc lộ 14, từ Kon Tum đi Chơn Thành (Đồng Nai); và tham gia truy quét tàn quân Phun-rô. Lê Xuân Bá cùng đồng đội tiếp tục những năm tháng chiến đấu, lao động, đầy gian khổ, hi sinh vì sự bình yên, phát triển của Tây Nguyên. 

Thời điểm sau giải phóng, nhu cầu điện năng của tỉnh Đắk Lắk rất lớn. Nhưng cả tỉnh có duy nhất một Nhà máy phát điện chạy dầu Diezen, công suất 6.000KW, nên chỉ phục vụ cho sinh hoạt tại các phường trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột.

Năm 1984, trong hoàn cảnh ấy, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định đầu tư xây dựng Thủy điện Đray H’linh, trên sông Sêrêpốk. Sau khi công trình được Bộ Năng lượng hoàn chỉnh thiết kế, tỉnh Đắk Lắk lại không tìm được đơn vị thi công. Bởi điều kiện, hoàn cảnh lúc bấy giờ thi công Thủy điện Đray H’linh gặp nhiều trở ngại. 

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk thời điểm đó là ông Y Ngông Niê Kđăm đã tin tưởng và mạnh dạn giao cho Sư đoàn 470. Mặc dù Sư đoàn 470 là đơn vị Công binh chỉ quen làm cầu đường, chưa có kinh nghiệm trong xây dựng công trình thủy điện. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã gặp trực tiếp Sư đoàn trưởng Lê Xuân Bá giao nhiệm vụ.

Sau buổi gặp với Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, và được sự chấp thuận của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 470 đã xây dựng quyết tâm đảm nhận Tổng thầu xây dựng thủy điện Đray H’linh. Công trình được khởi công ngày 30-4-1985, và khánh thành, phát điện vào 6 năm sau đó. Trong thời gian 6 năm thi công Thủy điện Đray H’linh, những người lính Sư đoàn 470 vượt qua muôn vàn gian khổ và cả hi sinh xương máu, với 13 chiến sĩ ngã xuống trên công trường.

Thi công trong điều kiện bọn phản động Phun-rô phá hoại, bộ đội vừa lao động cực nhọc, vừa canh phòng bảo vệ từ các vòng ngoài. Cuộc sống sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn, hằng ngày bộ đội chỉ ăn bo bo, ngô với cá khô, muối trắng. Công cụ, phương tiện thi công chủ yếu là thô sơ với xẻng, cuốc, xà beng, búa, khoan tay, và thuốc nổ.

Nhưng cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, chiến sĩ Sư đoàn 470 đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ. Với chiến công này, ngày 29/11/1990, Sư đoàn 470 và cá nhân Sư đoàn trưởng Lê Xuân Bá được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Là người trực tiếp chỉ huy bộ đội trong mở đường, bắc cầu, xây ngầm phục vụ kháng chiến; đến thi công các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông sau này, Anh hùng Lê Xuân Bá thấu hiểu sự hi sinh, mất mát to lớn của đồng chí, đồng đội. Cũng vì thế, mà trong ông luôn trăn trở, nghĩ suy phải làm gì đây để tri ân những hi sinh xương máu của đồng đội.

Năm 1990, trước khi Thủy điện Đray H’linh khánh thành, ông Lê Xuân Bá quyết định xây dựng trên công trường Miếu thờ, ghi danh 13 chiến sĩ đã ngã xuống cho dòng điện tỏa sáng. Và để tưởng nhớ sự hi sinh của đồng đội trong xây dựng cầu phà, gầm vượt sông Sêrêpốk trên tuyến đường Trường Sơn, năm 2017 nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, CCB Lê Xuân Bá cùng hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Đắk Lắk khảo sát, tìm lại dấu mốc lịch sử năm xưa; đồng thời đứng ra vận động kinh phí, xây dựng Bia di tích Trường Sơn, ghi công 57 liệt sĩ. 

Năm 2018 này, đã sang tuổi 83, có 57 năm tuổi Đảng, nhưng Anh hùng Lê Xuân Bá vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội. Trên cương vị Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Lào tỉnh Đắk Lắk; Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Đắk Lắk; Trưởng Ban liên lạc sĩ quan Sư đoàn 470, CCB Lê Xuân Bá luôn nhiệt tình với những công việc chan chứa nghĩa tình đồng đội.

Tuấn Anh-Nguyên Bình

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ