A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngày Quốc tế Lao động 1-5: Quyền của người lao động

09:57 | 01/05/2018

Thời gian gần đây chất lượng cuộc sống người lao động đã được cải thiện đáng kế, nhất là lực lượng lao động làm ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đi xuất khẩu lao động.

 Tuy nhiên vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực sự coi người lao động là nhân tố trong kinh doanh, phát triển.

Quyền lợi người lao động chỉ thực sự đảm bảo khi trách nhiệm xã hội được các doanh nghiệp tuân thủ.

Hệ lụy là không ít người lao động làm trong khu vực FDI thất nghiệp khi mới ở ngưỡng cửa 35 vì chính sách đào thải để giảm chi phí phúc lợi, bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Tương tự nhiều lao động đi xuất khẩu lao động cũng bị trắng tay, nợ nần chồng chất vì gặp phải những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chụp giật”. Chính vì vậy việc tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là việc vô cùng cần thiết. 

Thất nghiệp và trắng tay

Thống kê ngành chức năng cho thấy hiện nay FDI đã có mặt ở cả 63 tỉnh thành trong cả nước và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ khai khoáng, nông - lâm nghiệp đến công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ như bất động sản, y tế, giáo dục, khách sạn,... công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (53,8%), tiếp theo là dịch vụ bất động sản (20,9%), còn lại các ngành khác có tỷ trọng dưới 5%.

Tổng cộng có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực thì  thu hút FDI trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước có hàng trăm doanh nghiệp (DN) FDI thua lỗ, phá sản và bỏ trốn, để lại những khoản nợ thuế, nợ ngân hàng, bảo hiểm và lương công nhân lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Hầu hết những trường hợp chủ DN bỏ trốn chỉ được phát hiện khi đến thời hạn nộp thuế, báo cáo thường kỳ, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) quá lâu, bị nhắc nhở bằng công văn nhưng không có phản hồi, cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện DN đã dừng hoạt động.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính đến thời điểm này, có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các DN có chủ bỏ trốn, phá sản không thể đòi được, ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 193 nghìn lao động. Trong đó có không ít các doanh nghiệp FDI thường sử dụng lao động không cần bằng cấp và lao động trẻ, khi lao động từ 35 tuổi, DN lách luật, tìm cách để người lao động tự nguyện rời bỏ công ty như: điều chuyển đi công tác xa, giao áp lực công việc lớn, trong khi người lao động đã lớn tuổi nên không thể đáp ứng được đòi hỏi công việc.

Cũng theo ông Chính một hình thức khác để “hợp thức hóa” việc cho người lao động (NLĐ) lớn tuổi nghỉ việc là các công ty sẽ “tư vấn” cho NLĐ những vấn đề liên quan đến chính sách, quyền lợi của NLĐ như chế độ bảo hiểm thay đổi kéo dài, nếu làm đến 55 - 60 tuổi cũng không đủ thời gian để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), do đó NLĐ nên nhận một khoản tiền trợ cấp thôi việc để làm vốn làm ăn, kinh doanh. 

“Khi NLĐ nghe theo, đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) sẽ được công ty chi trả trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc là nửa tháng lương và nếu làm hơn chục năm sẽ được nhận hàng chục triệu đồng. Sau khi nhận tiền, chỉ thời gian ngắn sau khi tiêu hết khoản trợ cấp thôi việc NLĐ mới bắt đầu đi tìm việc làm mới nhưng rất khó vì đã lớn tuổi. Khi về già, NLĐ  càng gặp nhiều khó khăn do không có lương hưu”- ông Chính cho biết.

Cùng với việc thu hút FDI thì XKLĐ hiện được xem là kênh góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và là kênh xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Tuy nhiên trắng tay vì dính bẫy lừa XKLĐ, thậm chí có không ít LĐ bỏ mạng nơi xứ người…là những góc khuất tồn tại của công tác XKLĐ hiện nay.

Thực tế cho thấy hiện các trung tâm tư vấn việc làm, XKLĐ hiện đang mọc lên ngày càng nhiều nhưng ít được kiểm định về khả năng, uy tín nên hoạt động gần như kiểu cò mồi. Nhiều vụ việc đánh vào lòng tham của người dân, các môi giới đưa ra những yêu cầu dễ dãi, không đòi hỏi cao về kỹ năng, ngoại ngữ, thời gian đi ngắn để thu hút NLĐ đến đăng ký. Do đó, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc núp bóng tư vấn việc làm, XKLĐ để thu tiền lệ phí cao hoặc lừa đảo lấy tiền của NLĐ. 

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH từ năm 2007 đến nay, thực hiện Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ LĐTBXH đã cấp giấy phép cho tổng số 345 DN, trong đó có 302 DN đang hoạt động, 43 DN bị thu hồi giấy phép. Ngoài ra, còn có 17 DN đã được cấp phép theo Nghị định số 81/2003/NĐ-CP bị thu hồi giấy phép do không làm hồ sơ hoặc không được đổi giấy phép theo Luật.

Trong số doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, riêng năm 2017 có 4 doanh nghiệp bị rút giấy phép với các lỗi vi phạm: Không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và lợi dụng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của NLĐ; đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định. Mặc dù vậy tình trạng vi phạm pháp luật về đưa người đi làm việc ở nước ngoài vẫn gia tăng, hệ quả là hàng trăm thậm chí hàng nghìn NLĐ rơi vào cảnh khốn cùng, tay trắng vì đi XKLĐ.

Trách nhiệm xã hội 

Làm thế để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và tăng năng suất lao động? Trả lời câu hỏi này một trong những giải pháp quan trọng nhất mà các chuyên gia cùng DN trong khảo sát của Vietnam Report vừa mới công bố mới đây cho rằng,  việc thúc đẩy tăng trưởng năng suất, tạo đà cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng là đẩy mạnh nhận thức toàn diện về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR). Tuy nhiên hiện nay có nhiều  công ty hay tập đoàn vẫn đang coi trách nhiệm xã hội với NLĐ là một “gánh nặng”  và thường tìm cách lẩn trốn các nghĩa vụ đối với NLĐ. 

Trên thực tế, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập toàn diện, việc tuân thủ những cam kết về trách nhiệm xã hội của DN dường như chưa được thúc đẩy và quan tâm đúng mức. Thời gian qua, vẫn còn nhiều báo cáo về những hành vi gian lận, những sai phạm không đảm bảo an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường…

Do đó việc thực hiện trách nhiệm xã hội không nên chỉ đơn thuần là những hoạt động quảng bá, từ thiện mà còn phải xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống của người lao động, tuân thủ luật pháp của DN. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ mang tính chất tài trợ riêng lẻ, mà phải đòi hỏi sự liên tục, cam kết lâu dài và xuyên suốt trong quá trình hoạt động, trong phương hướng và trong tầm nhìn của DN. 

Theo các chuyên gia để tăng cường trách nhiệm xã hội của DN với NLĐ cần có những đột phá mạnh mẽ về tăng cường nhận thức và chỉ đạo, điều hành việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật liên quan đến trách nhiệm xã hội của DN đối với NLĐ. Nhiều khảo sát về sự quan trọng của việc thực hiện CSR cũng chỉ ra rằng, vấn đề thực hiện CSR tại Việt Nam hiện nay còn gặp một số khó khăn nhất định, trong đó nổi lên 3 thách thức chính: đó là nhận thức về CSR mới dừng lại ở các hoạt động tài trợ; thiếu những chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ phía Chính phủ; và đánh giá từ chính doanh nghiệp là các hoạt động CSR không đem lại lợi ích cho DN. Do đó để DN có thể thực hiện các trách nhiệm đối với xã hội một cách toàn diện và bài bản hơn, Nhà nước cũng là nhân tố không thể thiếu, đứng ra làm cầu nối giữa DN và xã hội thông qua các chương trình hỗ trợ DN.

Thực tế cho thấy, những DN thực hiện tốt CSR sẽ không thua thiệt, mà thường đạt được những lợi ích đáng kể, bao gồm giảm chi phí, tăng doanh thu, tăng giá trị thương hiệu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất và thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới. Vòng xoáy phát triển tăng trưởng được hình thành đối với những DN này.

* Hầu hết những trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn chỉ được phát hiện khi đến thời hạn nộp thuế, báo cáo thường kỳ, nợ bảo hiểm xã hội quá lâu, bị nhắc nhở bằng công văn nhưng không có phản hồi, cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện doanh nghiệp đã dừng hoạt động.

* Thực hiện trách nhiệm xã hội không nên chỉ đơn thuần là những hoạt động quảng bá, từ thiện mà còn phải xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống của người lao động, tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ mang tính chất tài trợ riêng lẻ, mà phải đòi hỏi sự liên tục, cam kết lâu dài và xuyên suốt trong quá trình hoạt động, trong phương hướng và trong tầm nhìn của doanh nghiệp. 

Lê Minh Long

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ