A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sớm ban hành khung quy tắc ứng xử học đường

08:33 | 31/05/2018

Cho đến thời điểm này, có gần 1.000 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, nhân viên, phụ huynh của các trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội đã được khảo sát nhằm đánh giá khung quy tắc ứng xử trong nhà trường phổ thông,...

...làm cơ sở thực tiễn cho việc điều chỉnh và hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học.Theo kế hoạch Bộ GDĐT đang cố gắng ban hành bộ khung quy tắc ứng xử trước thềm năm học mới 2018-2019.

Cô và trò.

Gần 70% các trường phổ thông có quy tắc ứng xử học đường 

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2018, Bộ GDĐT đã 7 lần có văn bản chỉ đạo về những sự vụ liên quan tới ứng xử của giáo viên với học sinh và phụ huynh.

Bạo lực học đường và những ứng xử trong môi trường học đường là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm suốt  thời gian qua. Đây cũng chính là lý do để Bộ GDĐT ráo riết xây dựng khung quy tắc ứng xử trong trường học.

Mới đây tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Sở GDĐT, trường phổ thông cùng góp ý cho dự thảo đầu tiên của bộ khung quy tắc này. 

TS Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT)- phó trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, bộ quy tắc ứng xử trong trường học là tập hợp những quy định về các hành vi nên làm và không được làm, thể hiện các chuẩn mực, giá trị văn hóa trong hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập của các chủ thể trong nhà trường và các đối tượng có liên quan.

Quy tắc ứng xử trong trường học có vai trò điều chỉnh cách thức ứng xử của các thành viên trong nhà trường theo văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam, tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường.

Ông Bùi Văn Linh- phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT) cho hay quy tắc ứng xử trong trường học đã được triển khai thực hiện trong toàn ngành giáo dục khi triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” từ năm 2008. Hầu hết các trường phổ thông trên cả nước hiện nay đều đã tổ chức xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử.

Theo báo cáo của 50 Sở GDĐT, 100 trường ĐH,CĐ sư phạm, đến tháng 3-2018, đã có 68,7% các trường phổ thông ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa; trong đó 54,6% trường thực hiện nghiêm túc và có chế tài xử lý vi phạm; 80% cơ sở đào tạo đã ban hành quy tắc ứng xử văn hóa, trong đó có 58% số trường thực hiện và có chế tài xử lý vi phạm.

Bắt đầu từ ngành sư phạm

Trước đó, trong tháng 4, Bộ GDĐT cũng đã công bố lấy ý kiến góp ý Dự thảo đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2018-2025, với mục tiêu hoàn thành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học trước năm học 2018-2019.

Dự thảo đặt ra mục tiêu hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường để nâng cao chất lượng GDĐT, góp phần xây dựng con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, trách nhiệm, trung thực và sáng tạo.

Ba mục tiêu cụ thể được đề ra trong Dự thảo là: Đến năm 2020, 100% trường học xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc thù của lĩnh vực GDĐT; Đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan tới văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa gia đình, nhà trường, cộng đồng và liên tục duy trì, phát huy vào các năm sau; Đến năm 2020 có ít nhất 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ công đoàn giáo dục, đoàn thanh niên, Hội sinh viên, đội thiếu niên trong các nhà trường được bồi dưỡng nâng cao và có năng lực tốt, mẫu mực trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học và đạt 95% vào năm 2025...

Dẫu vậy, theo ý kiến một số chuyên gia, bộ quy tắc ứng xử trong các trường học hiện nay còn mang tính hình thức, định lượng.

Điều đáng lưu tâm là dư luận gần đây cũng đặt ra câu hỏi: Liệu bạo lực và những ứng xử kém văn hóa có liên quan gì  đến việc tuyển sinh, đào tạo và xét tốt nghiệp ra trường ở các trường đào tạo sư phạm hay không?

Bởi trên thực tế có không ít cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử.

Cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, thiếu dân chủ, thành kiến, trù dập, chèn ép buộc học sinh phải học thêm... làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo.

TS Nguyễn Tùng Lâm- chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng không nên kỳ vọng việc đưa ra một bộ quy tắc ứng xử sẽ giải quyết được những vấn đề tiêu cực từng diễn ra liên quan tới ứng xử của các nhà quản lý, giáo viên và học sinh...

Theo đó, để ứng xử trong nhà trường thay đổi tích cực, văn minh hơn, nhà trường đó phải thực sự có dân chủ.

Ngành giáo dục phải từ bỏ tình trạng chạy theo thành tích, thực sự đặt ra những yêu cầu đối với cán bộ, giáo viên để vì học sinh, vì chất lượng giáo dục, chứ không phải để báo cáo thành tích.

Bảo Thoa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ