A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ân tình của cán bộ cơ sở

14:30 | 21/06/2018

Với người làm báo, mỗi chuyến đi thực tế để lấy tư liệu viết tin, bài là những kỷ niệm đáng nhớ. Ở đó, có những cán bộ, người dân cơ sở với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt thành và sự gần gũi như tiếp thêm sức mạnh,...

...năng lượng để chúng tôi hoàn thành công việc của một nhà báo là thông tin, phản ánh về đời sống hay nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Trong nhiều chuyến đi, tôi nhớ mãi về chuyến đi đến xã Ea Đah (huyện Krông Năng) để tìm hiểu về cuộc sống của người dân ở thôn Giang Đông. Biết trước đoạn đường vào thôn không dễ tìm mà đường đi thì nhiều trở ngại, nếu để phóng viên tự đi thì không biết có thể đến được tận nơi hay không, nên hai cán bộ xã đã tình nguyện chở chúng tôi đi. Ngồi sau xe của các anh vượt đoạn đường với nhiều khúc cua ngoằn nghèo, dốc trơn trượt và lổn nhổn đá với những ổ voi, ổ gà, chúng tôi thầm nhủ mình thật may mắn, nếu tự đi chắc phải bỏ cuộc. Không những thế, cả đoạn đường dài vào đến thôn Giang Đông hầu như chạy giữa núi rừng heo hút, vắng ngắt, tưởng như nguy hiểm luôn rình rập đâu đó. Đó là chưa kể đến lúc vào được trong thôn, nếu không có các cán bộ đi cùng thì cũng sẽ rất khó tiếp xúc được với người dân bởi bà con rất dè dặt, ngại tiếp xúc với báo chí. Cũng trong chuyến đi đó, chúng tôi đã phát hiện được rất nhiều những đề tài hay xung quanh cuộc sống của chỉ vài chục hộ dân.

Cộng tác viên tại tòa soạn của Báo Đắk Lắk (bìa trái) trao đổi thông tin với cán bộ và người dân xã Cư San, huyện M'Đrắk . Ảnh: L.Anh

Một lần khác cách đây đã gần 8 năm, khi con đường vào xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) vẫn còn là đường đất, đầy đá sỏi, để vào được trung tâm xã, tôi phải khởi hành từ khi trời còn tờ mờ sáng, vậy mà đến nơi cũng đã gần trưa. Được anh cán bộ xã đưa xuống gặp nhân vật, tôi hối hả phỏng vấn, ghi chép, chụp hình cố gắng làm xong để ra về sớm vì sợ trời mưa. Vậy mà vẫn không kịp, vừa ra khỏi xã, gặp cơn mưa bất chợt thế là cả đoạn đường trở thành vũng sình lầy níu chặt bánh xe, không thể nào lui tới được. Loay hoay mãi vẫn mắc kẹt giữa bùn lầy, tôi đành phải gọi điện cầu cứu anh cán bộ xã đã dẫn đi làm trước đó. Giữa mưa gió bão bùng, anh vẫn sẵn sàng chạy đến, lội xuống giúp tôi đẩy xe qua đoạn đường đầy bùn nhão nhoẹt dài hơn một cây số rồi lại lội bộ ngược về. Mồ hôi hòa lẫn nước mưa đẫm ướt, anh vẫn vui vẻ bày tỏ sự cảm kích "nhà báo đã không nề hà đường sá xa xôi vất vả để đến với cơ sở".

Không chỉ là người dẫn đường đáng tin cậy, những cán bộ, người dân ở cơ sở còn là "phiên dịch viên” hỗ trợ rất đắc lực cho phóng viên khi đi tác nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống chủ yếu của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Phóng viên Báo Đắk Lắk (bên phải) trao đổi thông tin với cán bộ cơ sở.

Một lần tôi đến Tiểu khu 249 (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) để tìm hiểu về đời sống của người dân và công tác giáo dục cho học sinh nghèo vùng khó khăn. Nơi đây đường đất lầy lội, dân cư thưa thớt, sóng điện thoại chập chờn, người dân hầu hết là đồng bào Dao, hễ gặp ai hỏi đường họ cũng chỉ tủm tỉm cười không trả lời, hoặc chỉ nói được vài tiếng phổ thông là “không hiểu gì đâu, không biết đâu” khiến tôi dần cảm thấy nản lòng. Đã hẹn trước, nên lúc đến nơi, tôi được anh Bàn Văn Lâm, một  người dân tại Tiểu khu đang đứng chờ tại điểm trường Tiểu khu 249 dẫn đi tìm hiểu viết bài. Những nhân vật tôi muốn gặp đã có mặt tại điểm trường, họ là đồng bào dân tộc Dao, chỉ nói được tiếng Dao, tôi nói họ không hiểu, họ nói tôi chỉ ngồi nghe như “vịt nghe sấm”. Thấy thế, anh Lâm liền đến ngồi cạnh để dịch những câu hỏi của tôi với mọi người và ngược lại để tôi ghi chép lại. Có nhiều câu hỏi riêng tư về hôn nhân, thu nhập… mọi người đều im lặng nhìn nhau không muốn trả lời. Tôi phải phân tích cho anh Lâm hiểu kỹ vấn đề, rồi nhờ anh giải thích lại cho người dân tại đây hiểu và chia sẻ.

Một chuyến đi nữa khiến tôi có cảm tưởng như “lạc” vào miền đất khác là lần vượt qua hơn 7 cây số đường rừng để ghé thăm làng Mông (buôn Liêng Keh, huyện Lắk). Ngôi làng này chỉ có hơn 81 hộ dân, chủ yếu là đồng bào  Mông di cư từ miền Bắc vào, nằm giữa bốn bề đều là rùng núi cheo leo, không điện, đường, trạm y tế. Ở đây dường như tách biệt với thế giới bên ngoài, muốn gặp người dân địa phương phải chờ đến chiều tối, khi họ đi làm về. Vậy nên đến tối tôi mới hẹn gặp được anh Lồ Seo Sểnh, một công an viên tại làng, để nhờ anh chỉ đường đến viết bài về ông Lầu A Dính, người giữ kỷ vật (chiếc còi và bài thơ chúc Tết) của Bác Hồ tặng. Sáng hôm sau, anh có mặt rất sớm tại điểm hẹn, dù là mùa khô, nhưng xe máy đã được giằng xích sẵn vào bánh. Tôi hiểu đường đi sẽ rất khó khăn! Nơi vợ chồng ông Lầu A Dính sống cách ngôi làng nhỏ 3 ngọn núi, ngôi nhà sàn bé xíu nằm chót vót trên đỉnh đồi dốc đứng. Nhìn lại đoạn đường đi qua chỉ bé như một sợi chỉ giữa bạt ngàn bắp, bo bo, cà phê, cỏ dại… làm tôi thoáng rùng mình. Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, hai ông bà đều là đồng bào dân tộc Mông, đã hơn 80 tuổi, lại ít tiếp xúc với bên ngoài nên không biết tiếng phổ thông. Rút kinh nghiệm từ những chuyến đi trước, tôi mở máy ghi âm và nhờ anh Sểnh phiên dịch lại cả một câu chuyện lịch sử dài do ông Lầu A Dính kể. Để chính xác, anh Sểnh vừa dịch cho tôi ghi chép lại vừa cầm bút ghi lại những mốc lịch sử quan trọng được ông A Dính nhắc đến để tôi đối chiếu lại tránh sai sót không đáng có. Không những thế, sau khi tôi ghi chép lại đầy đủ, anh Sểnh nhờ ông mặc bộ đồ truyền thống để tôi chụp lại hình ảnh của ông Lầu A Dính và kỷ vật Bác tặng một cách trang trọng nhất khiến tôi rất cảm động. Trên đường về làng, anh Sểnh còn dạy cho tôi một số từ giao tiếp của đồng bào Mông, nhờ vậy mà tôi đã biết một số từ cơ bản như nyob zoo (xin chào), mus zoo (tạm biệt)…

Qua nhiều năm làm báo, trong từng chuyến đi, hầu hết tôi đều may mắn gặp được những cán bộ cơ sở nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ để có được những sản phẩm hoàn chỉnh đến tay bạn đọc. Đó có khi chỉ là bữa cơm trưa đạm bạc cùng gia đình khi lỡ đường mà xung quanh không có hàng quán; là việc chạy xe đến đón rồi chờ chúng tôi hằng giờ đồng hồ vì xe gặp trở ngại trên đường đi hay việc cùng trèo đèo, lội suối đưa phóng viên đến từng nơi để tìm hiểu thông tin mà không kể khó khăn, gian khổ…

Quả thực, chính ân tình của các cán bộ cơ sở ở những nơi từng đến làm việc là nguồn động viên rất lớn giúp mỗi phóng viên vượt qua những khó khăn, trở ngại trên những cung đường tác nghiệp. Để rồi sau mỗi chuyến đi, chúng tôi trở nên thân quen, vẫn thường chuyện trò qua điện thoại và mỗi khi có dịp lại sẵn sàng trao đổi thông tin, liên hệ công việc hoặc đơn giản là hàn huyên bên ly cà phê để thấy mình thêm yêu người, yêu nghề...

Thúy Hồng - Thùy Dung

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ