A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bất an với xe hết đát

15:15 | 29/06/2018

Hàng trăm ngàn chiếc ô-tô quá đát (gồm các loại xe hết hạn đăng kiểm, hết hạn sử dụng) nhưng vẫn vô tư lưu thông trên đường không chỉ vi phạm các quy định quản lý của pháp luật mà còn là nguyên nhân trực tiếp của rất nhiều vụ tai nạn giao thông.

Điều đáng nói, đến nay việc quản lý loại xe hết hạn lưu thông này vẫn đang là vấn đề đau đầu của cơ quan chức năng bởi nó liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau.

Tình trạng xe hết hạn đăng kiểm, hết hạn sử dụng vẫn lưu thông không mới.

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì tất cả các xe hết niên hạn sử dụng theo quy định mà vẫn tham gia lưu thông thì sẽ bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng, kèm theo đó là việc tịch thu phương tiện cũng như tước giấy phép lái xe của người điều khiển trong thời gian lên đến 3 tháng. Mặc dù quy định khá rõ ràng, nhưng thực tế, việc các xe quá hạn đăng kiểm, quá hạn sử dụng vẫn lưu hành ở nước ta là khá phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Cần phải nói ngay rằng, với các xe hết hạn sử dụng nhưng do điều kiện sống có khó khăn và nhu cầu sử dụng cao như ở nước ta hiện nay, chúng vẫn tiếp tục được duy tu và sử dụng. Thậm chí, hầu hết các xe chở hàng, xe chở nông thủy sản ở vùng nông thôn đều đã quá niên hạn sử dụng.

Thậm chí ngay ở các thành phố lớn, tình trạng xe hết hạn đăng kiểm, xe hết hạn sử dụng vẫn vô tư lưu thông trong đó có nhiều xe này còn hoán cải, sửa chữa để làm xe đưa rước học sinh, sinh viên!

Theo một cán bộ của Cục Đăng kiểm, tình trạng xe hết hạn đăng kiểm, hết hạn sử dụng vẫn lưu thông không mới, kéo dài nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có phương án xử lý hữu hiệu. Đặc biệt, cứ qua một năm, lượng xe này lại tăng lên đáng kể. Như thống kê mới nhất, cả nước có tới 186.883 phương tiện hết niên hạn sử dụng. Trong đó, xe chở hàng là 138.510 xe, còn lại là các xe chở người. Nếu so với thống kê năm 2017, số lượng xe này có sự tăng mạnh.

Thông thường, mặc dù là nơi quyết định thời gian sử dụng của các phương tiện giao thông nhưng Cục Đăng kiểm lại không phải là cơ quan có thẩm quyền để xử lý, tịch thu hay kiểm tra các loại xe này. Theo đó, Cục Đăng kiểm sẽ gửi thông tin về các phương tiện hết hạn đăng kiểm, hết hạn sử dụng tới đơn vị Cảnh sát giao thông nơi đăng ký xe để đơn vị này rà soát, kiểm tra. Sau đó đơn vị này sẽ gửi thông tin hồ sơ tới địa phương đăng ký của chủ phương tiện (các xã, phường, thị trấn) để phối hợp với chủ phương tiện, thu hồi các phương tiện này.

Ngoài cách làm thông thường như trên, nếu lực lượng chức năng (như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông…) phát hiện các phương tiện hết hạn đăng kiểm, hết hạn sử dụng đang trực tiếp lưu thông trên đường thì có thể lập biên bản xử lý, tịch thu ngay phương tiện.

Có thể nói, nhìn vào quy trình xử lý các xe quá đát như trên có thể thấy rằng, việc loại bỏ các phương tiện này hiện nay là khá khó khăn, phức tạp bởi có quá nhiều các quy trình xử lý, với nhiều cơ quan ở các cấp khác nhau. Chỉ cần chủ phương tiện này cố ý không chấp hành, mua bán, sang nhượng hay đăng ký sai địa chỉ, đưa phương tiện đi nơi khác… là cơ quan chức năng có thể “mất dấu” các phương tiện. Khi ấy, các phương tiện này có thể vô tư lưu thông trên đường cho tới khi nào trực tiếp gặp các lực lượng có trách nhiệm xử lý và thu hồi. Và thực tế, các lực lượng này quá mỏng, không thể bao quát tất cả các khu vực, nhất là vùng nông thôn khiến cho các phương tiện này vẫn còn vô vàn “đất sống”.

Tất nhiên, hậu quả và hệ lụy của các phương tiện quá đát này thì vô cùng nguy hiểm và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính chủ phương tiện. Không những vậy, các phương tiện này, với hệ thống xử lý chất thải cũ kỹ cũng là nguyên nhân gia tăng khí thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.

Hiện nay, một trong các biện pháp xử lý xe quá đát là tuyên truyền, vận động người dân tự động giao nộp các phương tiện, không tham gia lưu thông để hạn chế nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, thực tế lại không hề dễ dàng gì bởi nhiều phương tiện, dù hết niên hạn sử dụng nhưng đó vẫn là một tài sản khá có giá trị và rất khó để người dân giao nộp cho lực lượng chức năng. Thậm chí, nhiều chủ phương tiện này còn tìm cách cải hoán, thay thế hoặc thậm chí tháo dỡ các bộ phận, linh kiện của xe để rao bán cho các đại lý sửa chữa, bảo hành.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về niên hạn sử dụng xe và các quy định đăng kiểm hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể, theo quy định hiện hành, xe ô-tô chở hàng có thời hạn sử dụng 25 năm, xe chở người có thời hạn sử dụng là là 20 năm tính từ thời điểm sản xuất hoặc trong trường hợp đặc biệt, có thể tính từ thời điểm đăng ký sử dụng lần đầu được coi là hết đát.

Về quy định này, nhiều các kỹ sư, chuyên gia cho rằng chưa thực sự hợp lý bởi các nhà sản xuất xe hiện nay đang liên tục thay đổi, đưa nhiều ứng dụng tiên tiến vào công nghệ sản xuất xe. Rất nhiều dòng xe mới có độ bền tốt hơn nên nếu quy định thời gian sử dụng chung cho tất cả các dòng xe, hãng xe như vậy là không khách quan. Đặc biệt, đối với các phương tiện lưu thông, mấu chốt là tổng thời gian lưu thông chứ không phải mốc thời gian sản xuất hay mốc thời gian đăng ký. Như các xe sử dụng cho mục đích công cộng, thời gian sử dụng thường nhiều gấp nhiều lần các loại xe cá nhân.

Vì thế, quy định tất cả các xe có cùng mức thời gian như nhau là không phù hợp sẽ dẫn tới các trường hợp nhiều phương tiện còn giá trị sử dụng nhưng vẫn buộc phải bị tịch thu và tiêu hủy nên dẫn tới lãng phí, tốn kém.

Có thể nói, việc xử lý hàng ngàn xe hết niên hạn sử dụng, xe hết thời hạn đăng kiểm hiện nay khá khó khăn và phức tạp. Điều quan trọng nhất của việc này vẫn là ý thức chấp hành của người dân bởi nếu không tự nguyện thì rất khó để các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý các phương tiện này.    

Đoàn Xá

 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ