A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Miền Trung - Tây Nguyên: Nguy cơ mất an toàn hồ, đập

09:22 | 27/07/2018

Các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận), đang phải chịu áp lực rất lớn từ gần 4.000 hồ đập thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ ở thượng nguồn.

Từ đầu tháng 7 đến nay, mưa lũ dồn dập đã đặt nhiều khu vực dân cư duyên hải miền Trung trước nguy cơ mất an toàn hồ/đập bởi phần lớn trong tổng số 3.551 hồ/đập được xây dựng, đưa vào vận hành từ 30 đến 40 năm trước.

Đập thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị) bị vỡ vào  tháng 7/2012, cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân.         

Nguy cơ hiện hữu

Ngày 24/7 tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2018. Thông tin tại Hội nghị cho biết các tỉnh, TP duyên hải miền Trung hiện có 3.551 hồ/đập, thủy lợi, thủy điện/6.648 hồ/đập thủy lợi, thủy điện của cả nước. Trong vòng 10 năm (từ 2008 đến 2018), sự cố hồ/đập ở miền Trung - Tây Nguyên chiếm đến 76% sự cố hồ/đập trên cả nước. Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cũng đưa ra bức tranh đáng lo ngại về an toàn hồ/đập ở miền Trung - Tây Nguyên.  Nhiều hồ/đập, đặc biệt là các hồ/đập nhỏ ở khu vực này đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Theo thống kê chưa đầy đủ, miền Trung - Tây Nguyên đang có 693 hồ - đập/1.200 hồ/đập của cả nước xuống cấp, hư hỏng.

10 năm qua, các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã xảy ra 38 sự cố hồ/đập trong tổng số 50 sự cố hồ/đập trên cả nước. Chỉ riêng năm 2017, miền Trung - Tây Nguyên đã xảy ra 16 sự cố hộ/đập, chiếm 73% sự cố hồ/đập trên cả nước.  Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, phần lớn hồ đập mất an toàn đều có tuổi thọ cao, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 30 đến hơn 40 năm về trước. Đáng lo ngại là nhiều hồ/đập không còn hồ sơ thiết kế, gây khó khăn cho việc gia cố, khắc phục khi xảy ra sự cố.

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại Hội nghị, cũng đề cập đến thực tế: Nhiều chủ đầu tư cùng xây dựng hồ/đập trên cùng một lưu vực sông nhưng không có sự phối hợp trong quá trình tích nước và xả lũ. Phần lớn hồ/đập thủy lợi, thủy điện chưa lập bản đồ địa hình, phân bố dân cư vùng hạ du nên mỗi khi xảy ra sự cố, rất khó xác định ranh giới vùng ảnh hưởng ở hạ du.

Từ tháng 7/2017, Tổng cục Thủy lợi đã đưa ra các số liệu rất đáng lo ngại về an toàn hồ/đập thủy lợi, thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên với 93 thân hồ/đập có hiện tượng  thấm. “Trong số 702 hồ - đập dung tích từ 3 triệu m3, có 70 hồ đập  xuất hiện tình trạng thấm nhẹ, 23 đập bị thấm nặng,  61 đập bị biến dạng phần mái ở mức độ nhẹ, 21 đập ở mức độ nặng”. Nhiều hồ/đập thủy lợi, thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên như  Đồi Tương, Ba Khe, Khe Sân (Nghệ An), Thanh Niên (Quảng Trị), Cây Khế, Đập Làng (Quảng Ngãi), Kim Sơn, Giao Hội, Hội Khánh, Hố Trạnh, Thạch Bàn (Bình Định), Tân Rai, Đạ Tẻ, Đạ Tô Tôn (Lâm Đồng)  được Tổng cục Thủy lợi cảnh báo mất an toàn  từ tháng 7 năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Mất an toàn hồ/đập thủy lợi, thủy điện, đe dọa vùng hạ du mỗi khi xảy ra mưa lũ  cũng được cảnh báo từ việc lắp thiết bị quan trắc lún, thấm không đảm bảo theo yêu cầu.  Phần lớn hồ/đập nhỏ chưa có thiết bị quan trắc lún, thấm trong khi nguy cơ vỡ đập, ảnh hưởng đến vùng hạ du của các hồ đập này là rất lớn.    

Kết quả rà soát mới đây của Tổng cục Thủy lợi  cũng cho thấy rất nhiều hồ/đập thủy lợi, thủy điện  khu vực miền Trung - Tây Nguyên được đưa vào vận hành từ 10 đến hơn 40 năm, không tìm được kinh phí nên việc khắc phục, sửa chữa luôn trong tình trang chắp vá. Hàng trăm hồ/đập đang phải đối mặt với nguy cơ bị vỡ khi xảy ra mưa lũ. Tổng cục Thủy lợi cũng cảnh báo về tình trạng mất an toàn hồ/đập nhỏ (thân đập bằng đất, dung tích dưới 1 triệu m3) được giao cho các địa phương quản lý. Thiếu kinh phí nên các hồ/đập này cũng ở trong tình trạng mất an toàn. 

Không thể xem thường

Thảm họa vỡ đập  Xe - Pian Xe - Namnoy ở Lào ngày 23/7 mới đây là lời cảnh báo vô cùng đắt giá đối với mọi công trình hồ/đập thủy lợi, thủy điện ở thượng lưu các dòng sông, đặc biệt là hồ/đập thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn các dòng sông miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam. Sự  cố về hồ/đập thủy lợi, thủy điện  ở miền Trung - Tây Nguyên đã xảy ra tại các công trình thủy điện như An Khê - Ka Nak ở thượng nguồn sông Ba (Gia Lai), A Vương, Sông Tranh ở thựơng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam và Đà Nẵng), Đakrông 3  trên sông Đakrông (Quảng Trị), Hố Hô (giáp ranh Hà Tĩnh và Quảng Bình) trong những năm gần đây, cho thấy nguy cơ mất an toàn  trong quá trình thi công, vận hành hồ đập là có thật và không thể xem thường.  

Chuyên gia và các nhà hoạt động môi trường, từ lâu đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng rừng nguyên sinh bị thu hẹp nhường đất cho công trình thủy điện. Việc các diện tích rừng bị thu hẹp là nguyên nhân khiến hồ/đập thủy lợi, thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên trở nên mong manh trước những trận mưa lớn, kéo dài, đe dọa cuộc sống hàng vạn dân cư vùng hạ du. Theo một số liệu được công bố: Diện tích mất đất rừng thực tế do xây dựng thủy điện ở Việt Nam trung bình là 27 ha/MW. Năm 2010, tổng công suất lắp máy là 10.211 MW, trong khi diện tích rừng bị mất là 275.697 ha. Ước tính tổng công suất lắp máy năm 2015 là 19.874 MW thì sẽ mất 536.598 ha rừng và năm 2020 mất khoảng 651.996 ha rừng do tổng công suất lắp máy tăng lên 24.148 MW.    

Mực nước sông Cửu Long gia tăng thêm tối đa khoảng 5 - 10 cm

Theo Bộ TNMT, sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, trong khoảng 4 - 5 ngày tới, lượng nước sẽ tác động đến dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long của nước ta. Mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng thêm tối đa khoảng 5 - 10 cm. Nhận định ban đầu, sự cố vỡ đập thuỷ điện Xe - Pian Xe - Namnoy sẽ không gây tác động đáng kể tới Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên nhanh do lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường. Đến ngày 31/7/2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,2 m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,3 m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,6m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,4 m).    

Minh Quang 

Thanh Tùng

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ