A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tiêm chủng mở rộng tăng cường phòng bệnh cho cộng đồng

08:44 | 05/09/2018

Từ tháng 9 này, vaccine phòng bại liệt tiêm (IPV) sẽ được Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chính thức triển khai trên quy mô toàn quốc cho trẻ dưới 1 tuổi.

Tiêm chủng mở rộng tăng cường phòng bệnh cho cộng đồng.

Triển khai trên toàn quốc

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt trong 18 năm qua, nhưng việc duy trì tỷ lệ uống vaccine bại liệt ở mức cao cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 1 tuổi cần được uống đầy đủ 3 liều vaccine bại liệt trên cả nước là hết sức cần thiết bởi căn bệnh nguy hiểm này có nguy cơ quay trở lại bất cứ lúc nào.

Hiện virus bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành ở một số nước (Afghanistan, Pakistan…). Thực hiện chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch “Bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020”, bao gồm triển khai vaccine bại liệt uống 2 týp (bOPV) và vaccine bại liệt tiêm (IPV) trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch triển khai vaccine bại liệt uống bOPV (gồm virus tuýp 1 và tuýp 3), Việt Nam đã dừng sử dụng vaccine bại liệt uống 3 týp trên toàn quốc và chuyển đổi sử dụng vaccine bại liệt uống bOPV từ tháng 6/2016 cho trẻ em dưới một tuổi vào lúc 2, 3, 4 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên, đạt 95% trên quy mô toàn quốc.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia đang sử dụng vaccine bại liệt uống bOPV thì cần sử dụng thêm 1 liều vaccine bại liệt tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi trong lịch tiêm chủng thường xuyên. Vaccine bại liệt tiêm là vaccine bất hoạt, chứa các tuýp virus bại liệt đã chết, được sử dụng dưới dạng vaccine tiêm.

Tiêm 1 mũi vaccine IPV có chứa cả 3 tuýp kháng nguyên bại liệt tuýp 1, 2 và 3 giúp tăng cường miễn dịch đối với týp 1 và týp 3 đồng thời gây miễn dịch phòng bệnh đối với týp 2 cho trẻ sử dụng 3 liều bOPV.

Vaccine IPV sử dụng trong chương trình TCMR là vaccine của hãng Sanofi, Pháp sản xuất, vaccine đã được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Vaccine do tổ chức Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ và được cung ứng bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Thanh toán bệnh triệt để

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mặc dù Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt và bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt thông qua giám sát tốt các trường hợp mắc liệt mềm cấp (LMC) cùng với duy trì được tỷ lệ uống vaccine bại liệt OPV đủ 3 liều trong tiêm chủng thường xuyên trên 95% ở quy mô toàn quốc. Các vaccine bại liệt sử dụng trong 30 năm qua là vaccine bại liệt 3 týp (týp 1, týp 2, týp 3 - tOPV) và kết quả cho thấy vaccine tOPV là rất an toàn.

Tuy nhiên, trên thế giới có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp uống vaccine bị bại liệt do virus vaccine tái độc lực, chủ yếu là thành phần virus bại liệt týp 2 trong vắc xin tOPV gây ra (với tỷ lệ là dưới 1 trường hợp trong số 10 triệu liều vaccine được sử dụng).

Mặc dù nguy cơ này là rất thấp nhưng để đảm bảo không còn bất cứ trường hợp bại liệt nào, tiến tới thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, WHO yêu cầu tất cả các nước đưa thành phần virus bại liệt týp 2 ra khỏi vaccine tOPV. 

Do đó, Việt Nam đưa vaccine bại liệt tiêm týp 2 (IPV) vào tiêm chủng mở rộng song song với sử dụng vaccine bại liệt uống 2 týp (týp 1, týp 3 - bOPV) cho trẻ nhỏ để thay thế vaccine bại liệt uống 3 týp (tOPV) nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt theo khuyến cáo của WHO.

Theo GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tại Việt Nam, trước khi có vaccine phòng bệnh, bệnh bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 1957-1959 đã xảy ra các vụ dịch bại liệt qui mô lớn. 

Nhờ triển khai uống vaccine phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vaccine ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam năm 1997. Việt Nam đã chính thức công bố thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và từ đó đến nay vẫn đang duy trì được thành quả này.

Được biết, trong tháng 6 và 7/2018, vaccine IPV đã được triển khai trên quy mô nhỏ tại các điểm tiêm chủng thường xuyên (thuộc tiêm chủng mở rộng) của 4 tỉnh: Điện Biên, Phú Yên, Gia Lai, Vĩnh Long với 4.364 trẻ 5 tháng tuổi được tiêm vaccine này. Kết quả không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng và tỷ lệ sốt sau tiêm rất thấp (1,6%).

Lưu ý khi tiêm chủng cho trẻ

PGS.TS Trần Minh Điển- Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, trong quá trình tiêm chủng, gia đình trẻ cùng cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong 30 phút tại điểm tiêm chủng.

Trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng, theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà về các dấu hiệu như tinh thần, ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Quan sát trẻ thường xuyên, chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Được biết, trên một số diễn đàn dành cho các mẹ nuôi con nhỏ, một số bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm giảm đau cho trẻ sau tiêm bằng cách chườm lòng trắng trứng gà, khoai tây... lên vết tiêm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các bà mẹ lưu ý không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Phó Trưởng Ban điều hành dự án Tiêm chủng cho biết, việc đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây... có thể gây nhiễm trùng vết tiêm, thậm chí nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Theo bà Hồng, sau tiêm chủng, trẻ có thể gặp phản ứng tại chỗ như sưng, đau tại chỗ tiêm…Đây là một phần đáp ứng miễn dịch của cơ thể và phản ứng này thường tự khỏi. Nếu vết tiêm có dấu hiệu sưng, đau lan rộng, trẻ quấy khóc nhiều, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cán bộ y tế thăm khám và xử trí kịp thời. 

   Xuân Thủy

    Nguồn: Đại đoàn kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ