A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đuối nước ở trẻ em: S.O.S! (Kỳ 1)

13:36 | 18/06/2019

Nhiều năm trở lại đây, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra những vụ việc trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước thương tâm. Dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu, chính quyền địa phương và các tổ chức,...

... đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng do nhiều nguyên nhân mà tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn tiếp tục gia tăng.

Kỳ 1: Nỗi ám ảnh mang tên “đuối nước”

Mùa hè là thời điểm trẻ em được vui chơi thỏa thích sau một năm học hành vất vả, song đây cũng là thời điểm dễ xảy ra những vụ đuối nước đáng tiếc, khiến bao gia đình thấp thỏm, lo âu.

Nỗi đau không thể gọi tên

Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi cháu trai L.V.T. qua đời vì tai nạn đuối nước, ông Lý Văn Kín (ở thôn 22, xã Cư Bông, huyện Ea Kar) vẫn chưa thể tin đó là sự thật. Cứ nhìn bức di ảnh của cháu nội trên bàn thờ, ông Kín lại rưng rưng nước mắt. Ông kể: “Gia đình tôi đào cái hồ ngay vườn nhà để phục vụ việc của nhà nông. Khi làm đã lường trước nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên dùng cây tre gai rào chắn xung quanh. Ấy vậy mà mọi việc xảy ra quá nhanh, chỉ nhoáng một cái thằng bé vào trong hồ lúc nào mà không ai hay biết rồi xảy ra cớ sự đau lòng. Giờ thương nhớ cháu bao nhiêu thì tôi lại thấy trách mình bất cẩn bấy nhiêu”.

Trẻ học bơi tại hồ bơi Dr.Thanh (TP. Buôn Ma Thuột).

Cũng như ông Kín, gần 3 tháng nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tình (ở thôn 3, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) luôn day dứt khi cậu con trai N.X.T., 13 tuổi bị đuối nước trong một lần theo chúng bạn đi tắm hồ. Anh Tình tâm sự: “Chỉ một chút sơ sểnh mà vợ chồng tôi mất con mãi mãi. Khu vực gần nhà không có hồ bơi, việc nhà nông lại bận rộn, vợ chồng tôi không có điều kiện và thời gian cho con lên phố học bơi, vì thế để phòng trường hợp cháu la cà theo bạn ra sông, suối tôi đã giao hẹn với con sau giờ tan học 20 phút phải có mặt ở nhà, nếu không bố mẹ sẽ đi tìm. Thế nhưng, quản có chặt đến mấy cũng không thắng được tính hiếu kỳ của con trẻ. Hôm ấy, cháu được nghỉ học tiết cuối không về nhà ngay mà về nhà bạn ở xã Hòa Khánh, rồi ra hồ nước gần đó chơi và dẫn đến hậu quả đau lòng ấy”.

Trước đó, tại huyện Krông Năng đã xảy ra vụ việc 2 em nhỏ cùng bà ngoại đi mò cua, bắt ốc ở khu vực đập Đà Lạt (tổ dân phố 7, thị trấn Krông Năng) bị trượt chân xuống vùng nước sâu mà không biết bơi dẫn đến đuối nước. Sự việc đã để lại nỗi ám ảnh cho gia đình họ khi cùng lúc mất đi 3 người thân.

Trẻ bị đuối nước liên tục gia tăng

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, số trẻ tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng. Nếu như, năm 2017, toàn tỉnh có 38 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước, thì năm 2018, con số này đã là 50 trường hợp. Còn từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 14 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, tăng 4 trường hợp so với 6 tháng đầu năm 2018.

Kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước  có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, trong đó 50% là trẻ dưới 5 tuổi. Tình trạng đuối nước ở trẻ em Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 - 10 lần các nước phát triển.

Theo bà Lại Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước trên địa bàn liên tục gia tăng là do môi trường xung quanh luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ rình rập. Bởi Đắk Lắk là địa bàn có nhiều ao, hồ, sông, suối nhưng hầu hết đều không có rào chắn, biển cảnh báo. Trong khi đó, trẻ em lại hay hiếu kỳ với sông nước, thường tập trung đến những khu vực này để chơi, tắm, nhất là vào dịp nghỉ hè nên dễ dẫn đến nguy cơ đuối nước.

Bên cạnh đó, sự chủ quan, lơ là và thiếu sự giám sát của gia đình, để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm dễ dẫn đến tai nạn đuối nước. Còn một nguyên nhân nữa là trẻ không biết bơi, chưa được rèn luyện các kỹ năng tồn tại khi xảy ra đuối nước và nhận thức sự nguy hiểm khi tiếp cận môi trường nước. Đặc biệt, nhiều trường hợp trẻ không biết bơi hoặc không có kỹ năng cứu đuối nhưng thấy bạn bị sa vào chỗ nước sâu vẫn nhảy xuống cứu, dẫn đến hậu quả đau lòng là không cứu được bạn mà bản thân cũng bị đuối theo.

Ngày hè, nhiều trẻ em ở TP. Buôn Ma Thuột hay đến tắm, mò hến tại hồ Ea Kao.

Một thực trạng dễ thấy hiện nay là rất nhiều trẻ em trong độ tuổi tiểu học, THCS không biết bơi, bởi việc dạy bơi trong các trường học trên địa bàn vẫn chưa được thực hiện (trừ một số trường học tư nhân). Ở thành thị, trẻ thường được phụ huynh đưa đến học bơi ở các hồ bơi nhân tạo có huấn luyện viên, còn ở nông thôn - nơi thiếu vắng các hồ bơi nhân tạo, trẻ lại tự học bơi qua việc tiếp xúc với sông, suối mỗi ngày. Song, đi đôi với cơ hội luôn là những hiểm nguy rình rập dưới lòng sông, con suối khi không có người lớn đi kèm. Vì lẽ ấy, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn đang là nỗi ám ảnh cho toàn xã hội. Những lời hối tiếc muộn màng của người lớn sau sự ra đi của con trẻ đều trở nên vô nghĩa khi kỹ năng phòng tránh đuối nước vẫn chưa được trang bị cho trẻ.

(Còn nữa)

Kim Oanh

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ