A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới: Vẫn còn khó trăm bề

12:12 | 11/05/2014

Những năm qua, hạ tầng giao thông có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều tuyến giao thông được đầu tư, mở rộng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên so với tiêu chí giao thông trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (NTM)...

 hiện nay chưa có xã nào trên địa bàn tỉnh đạt được. Để hoàn thành tiêu chí này đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía.

Theo bộ Tiêu chí Giao thông nông thôn (tiêu chí số 2) trong xây dựng NTM, tiêu chuẩn để đạt được tiêu chí này là 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 50% số km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa (trong đó 50% được cứng hóa; 50% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện). Dù thời gian qua, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, tiêu chí về giao thông được các địa phương ưu tiên triển khai sớm.

Thực tế thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã cùng với nhân dân quyết liệt thực hiện tiêu chí này vì đây là một trong những tiêu chí “xương sống”, phục vụ cho việc triển khai và hoàn thành các tiêu chí khác, nhưng xem ra việc hoàn thành tiêu chí này sẽ khó có thể hoàn thành. Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng NTM, tính đến nay các địa phương trong tỉnh đã huy động sức dân hiến 24.000 m2 đất và làm mới được 37 km đường nhựa và bê tông xi măng, sửa chữa trên 48 km đường giao thông thôn, xóm… nhưng vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu. Đặc biệt, mục tiêu xây dựng NTM của các xã điểm là phấn đấu hoàn thành Bộ Tiêu chí vào năm 2015 trong đó có tiêu chí số 2. Tuy nhiên mục tiêu này cũng đang là thách thức không nhỏ với các xã điểm. Theo ông Nguyễn Huy Bài, Chủ tịch UBND xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) - xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, bên cạnh những khó khăn vướng mắc gặp phải có thể nhìn thấy trước như khối lượng công trình giao thông phải thực hiện lớn, trong khi nguồn vốn Nhà nước cấp có hạn… thì nguồn vốn vận động trong dân (vốn đối ứng) sẽ không dễ thực hiện (trung bình mỗi năm khả năng xã vận động nhân dân đóng góp chỉ từ 200-300 triệu đồng), tạo áp lực đáng kể cho xã khi muốn hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM đúng thời hạn. Không riêng xã Ea Kao, những khó khăn trên cũng là tình trạng chung của các 152 xã trên địa bàn tỉnh đang đối mặt. Kết quả điều tra, khảo sát các xã theo Bộ Tiêu chí NTM gần đây cho thấy, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt tiêu chí về giao thông.

Giao thông nông thôn vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Giao thông nông thôn vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 10 nghìn km đường giao thông, trong đó đường xã và đường thôn buôn chiếm đến gần 7.300 km. Trong số đó mới chỉ có 27,68% đường xã và 11,44% đường thôn, buôn được nhựa hóa và bê tông xi măng. Cá biệt có nhiều huyện tỷ lệ đường thôn, buôn được nhựa hóa, bê tông xi măng hóa đạt rất thấp như huyện Krông Năng (3,95%), M'Drak (8,83%), Krông Ana (3,28%), Krông Pak (5,85%)... điều đó đồng nghĩa với khối lượng công trình giao thông cần được nhựa hóa, bê tông xi măng hóa còn lại là rất lớn. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành giao thông nói riêng, của chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh nói chung trong việc thực hiện tiêu chí số 2. Theo Giám đốc Sở GT-VT Y Puắt Tơr, dù công tác triển khai thời gian qua rất thuận lợi do được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhưng do đặc điểm địa bàn rộng lớn, khối lượng công trình giao thông phải thực hiện lớn, trong khi nguồn vốn Nhà nước cấp có hạn  đã gây không ít khó khăn cho tỉnh trong việc thực hiện tiêu chí này. Ông Y Puắt Tơr cho rằng, cần có cơ chế riêng phù hợp với đặc thù địa phương trong xây dựng NTM. Bởi nếu vẫn tiếp tục áp đặt Bộ Tiêu chí Quốc gia về NTM trên địa bàn Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung giống như với các tỉnh đồng bằng phía Bắc thì riêng tiêu chí số 2 ngay tại các xã điểm cũng không thể hoàn thành vào năm 2015. Chia sẻ vấn đề này, theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng NTM Trung ương Lê Huy Ngọ, trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp nhưng nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới giao thông lớn, khi triển khai thực hiện liên quan đến quyền lợi người dân, các địa phương cần có lộ trình đầu tư cụ thể và sự tuyên truyền, vận động tích cực với sự tham gia của cả hệ thống chính trị nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM.
 
Cùng với đó, các địa phương cũng cần linh động trong thực hiện các tiêu chuẩn đặt ra. Chẳng hạn với tiêu chuẩn đặt ra là 50% số km đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT thì việc cứng hóa này không nhất thiết là phải được rải nhựa hay phải được bê tông hóa mà có thể dùng các vật liệu khác, ít tốn kém hơn như đất cấp phối… miễn làm sao bảo đảm tốt nhu cầu đi lại của người dân. Ông Lê Huy Ngọ khẳng định, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng NTM Trung ương cũng sẽ phải điều chỉnh và có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM phù hợp với đặc thù từng địa phương. Với những điều chỉnh như vậy, các địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí số 2.

Giang Nam

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ