A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mùa trái cây rừng

14:10 | 11/05/2020

Đắk Lắk mùa này không chỉ có cái nắng, cái gió của vùng đất đỏ bazan mà còn là mùa trái cây rừng chín mọng. Khác với những loại trái cây được trồng thông thường, trái cây rừng có hương vị lạ, độc đáo và rất riêng.

Những ngày này, đi dọc Tỉnh lộ 8 (đoạn qua xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) không khó để bắt gặp các mẹ, các chị đang bày nhiều loại trái cây rừng chín mọng, màu sắc bắt mắt để bán. Nào xoài rừng vàng ươm, chôm chôm rừng, vải rừng đỏ rực… khiến ai đi ngang qua cũng muốn ghé lại để tìm hiểu những thứ trái cây đặc biệt ấy. Vốn thường xuyên ngồi bán trái cây rừng ở đây, chị H’Wau Adrơng (buôn Sút M’grư, xã Cư Suê) cho biết, trái cây rừng sinh trưởng tự nhiên, mọc rải rác khắp nơi chứ không tập trung một chỗ, cây thường to, cao, có nhiều cây đã thành cổ thụ. Loại trái cây này có mùi thơm đặc trưng, mang đậm hương vị của núi rừng.

Mùa nào thức nấy, hiện tại đang vào mùa nhiều loại trái cây rừng chín rộ như: mít, vải, dâu da, xoài, chôm chôm, gùi, chay… Với ưu điểm có hương vị lạ, lại sinh trưởng tự nhiên nên những loại trái cây này được người tiêu dùng ưa chuộng dù có giá nhỉnh hơn so với trái cây thông thường, dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Trang (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) chia sẻ, vốn “ghiền” trái cây rừng nên vào mùa này, cứ có dịp đi phố là chị lại ghé vào những sạp trái cây ven đường của các chị người Êđê để tìm mua. Những loại trái cây này có vị thanh, lạ nên dù đắt hơn trái cây thông thường thì chị và bạn bè vẫn cố gắng tìm mua bằng được để ăn cho “đã thèm”.

Chị H’Wau Adrơng (buôn Sút M’grư, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar) đang soạn trái cây rừng để bán.

Không chỉ được người dân địa phương biết đến, trái cây rừng Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã nổi tiếng khắp nơi. Do đó vào mùa này, nhiều thương lái cũng săn lùng trái cây rừng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngoại tỉnh. Vốn đã buôn trái cây rừng được ba năm nay nên cứ vào mùa trái cây rừng, chị Chu Thị Thắng (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) lại tất bật tìm nguồn để gom hàng cho khách. Chị cho hay, tùy vào nhu cầu của khách hàng mà chị lại đi tìm mua trái cây rừng của bà con đồng bào Êđê quanh khu vực. Năm nay, ngoài vải rừng, chôm chôm rừng, măng cụt rừng (mỗi ngày nhập từ 50 - 60 kg)… thì mít rừng là một loại quả mới khá “hút” khách. Mỗi quả mít chỉ to bằng hoặc hơn nắm tay một tí, ăn có vị chua chua, mùi thơm đặc trưng của trái cây tự nhiên nên nhiều người thích và tìm mua. Bình thường, ngày ít thì chị đóng tầm trên 80 kg, ngày nhiều đóng cả vài tạ mít rừng để gửi cho khách hàng ngoại tỉnh như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng... Còn chị Nguyễn Thị Phương Thúy (xã Ea Tar, huyện Cư M'gar), một thương lái chuyên mua bán các loại trái cây đặc sản của Đắk Lắk chia sẻ, bình thường chị chỉ bán những loại trái cây như: bơ Booth, bơ 034, sầu riêng, mít Thái… nhưng năm nay nhu cầu mua trái cây rừng của khách hàng ở các tỉnh tăng cao nên chị cũng chịu khó “săn” hàng để gửi cho khách. Tuy vậy, trái cây rừng khá hiếm, đi hái lại vất vả bởi cây thường to, cao, nên dù giá cũng cao hơn trái cây thường nhưng chị vẫn không có đủ hàng để bán.

Khách đi đường ghé mua trái cây rừng tại buôn Sút M'grư (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar).

Trái cây rừng có vị thơm đặc trưng, bởi thế ngoài cách ăn trực tiếp, người thưởng thức có thể biến tấu để tạo nên hương vị lạ, đặc biệt. Chẳng hạn vải, chôm chôm rừng có thể xóc với muối ớt; xoài rừng lúc xanh có thể lắc cùng mắm ớt đường, xóc muối ớt giã nhuyễn; xoài chín có thể ngâm đường làm siro, làm sinh tố, sữa chua; mít rừng có thể dầm cùng đá đường hoặc xay cùng sữa làm sinh tố… tạo nên những món ăn lạ miệng, đầy cuốn hút trong mùa nắng nóng.

Huyền Diệu

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3484/202005/mua-trai-cay-rung-5681524/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ