A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bằng cấp và câu chuyện việc làm (Kỳ I)

08:22 | 17/06/2014

Hàng nghìn cử nhân, thậm chí là thạc sĩ tốt nghiệp vẫn thất nghiệp. Con số những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo có thể sẽ còn cao hơn nữa.

Vậy tình trạng “bằng cấp không song hành với việc làm” bắt nguồn từ đâu?...

Kỳ I: Bằng cấp chưa đủ để... “thông hành”

Học xong đại học, chờ đợi mòn mỏi hàng năm trời vẫn không tìm được việc làm; cử nhân ra trường phải làm công việc của lao động phổ thông để kiếm sống... là tình trạng đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Tốt nghiệp đại học, về đi... giữ xe

Sau 4 năm vất vả đèn sách, N. tốt nghiệp ngành Kinh tế nông lâm của Trường Đại học Tây Nguyên với tấm bằng khá trong tay. Nhà ở Gia Lai, những tưởng sinh sống trong khu vực Tây Nguyên với tiềm năng thế mạnh về rừng, nông nghiệp, cô sẽ nhanh chóng kiếm được một việc làm phù hợp. Nhưng rồi 1 năm, 2 năm trôi qua, dù đã nhờ đủ các kênh thông tin, cô vẫn chưa thể tìm được một việc làm. Cô quyết định lấy chồng, rồi sinh con. Tất nhiên N. vẫn kiên trì đi tìm việc làm kể cả những việc vốn chẳng liên quan gì đến ngành học của mình. Cô xin làm phục vụ trong căn-tin của một trường học nhưng thời gian đòi hỏi phải đi sớm về khuya trong khi con gái còn nhỏ nên N. đành bỏ lỡ và cứ tiếc hùi hụi khi có một cơ hội việc làm dẫu chẳng như mong đợi của mình. N. tâm sự: “Ai chưa có việc làm, suốt ngày loanh quanh ở nhà mới thấy buồn, thậm chí là bi quan đến mức nào”. Đó là chưa kể cảnh túng trước hụt sau do một mình chồng cô với mức lương bậc một khởi điểm mới ra trường phải gồng gánh nuôi cả gia đình, trong đó riêng tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà cũng đã ngót nghét cả triệu bạc. Khi con gái đến tuổi đi học, N. xin trông xe thuê trong ký túc xá của một trường học. Thấy cơ hội kiếm được việc làm khá hơn ngày càng hiếm hoi, cô quyết định đấu thầu bãi giữ xe ở đây. Đến nay, sau 5 năm tốt nghiệp đại học, N. vẫn chưa tìm được một việc làm liên quan đến những gì đã được đào tạo. Với công việc trông xe hiện tại, N. khá vất vả khi phải rời nhà từ tinh mơ và về nhà khi trời đã tối mịt song vẫn còn tốt hơn là ở nhà ngồi không.

Các ứng viên nộp hồ sơ tìm việc làm trong phiên giao dịch việc làm lần I-2014 do Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak tổ chức.
Các ứng viên nộp hồ sơ tìm việc làm trong phiên giao dịch việc làm lần I-2014 do Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak tổ chức.

Trường hợp của P.T.Y. cũng tương tự. Tốt nghiệp Đại học Huế chuyên ngành Sư phạm ngữ văn đã hơn 2 năm song cô vẫn chưa tìm được việc làm. Cơ hội tìm việc càng khó khăn hơn khi cô lập gia đình rồi sinh con. Hiện nay, toàn bộ chi phí trong gia đình đều trông vào khoản thu nhập giáo viên của chồng. Y. tâm sự: “Mỗi lần nhận được điện thoại nơi mình nộp hồ sơ xin tuyển dụng là hồi hộp vô cùng! Song bao nhiêu lần hy vọng rồi lại thất vọng. Nhiều người khuyên nên xin dạy hợp đồng cho trường nào đó để tích lũy kinh nghiệm nhưng khổ nỗi hiện xin dạy hợp đồng cũng đâu phải dễ. Mình chỉ ao ước có việc làm, dù là việc gì cũng được, để chia sẻ gánh nặng gia đình với chồng”.

Mỗi lần nói đến chuyện học hành của các con, niềm tự hào có 3 người con chăm ngoan, học giỏi chẳng đủ để xóa được nỗi lo của bà Dương Thị Thương, một người bán xôi, bánh mì ở đường Lý Thường Kiệt (TP.Buôn Ma Thuột). Tảo tần nuôi 3 đứa con học đại học, bà chỉ mong các con ra trường có việc làm để tự nuôi sống được bản thân. Thế mà cô con gái đầu tốt nghiệp cao đẳng kế toán hơn 2 năm vẫn không có việc làm, ở nhà phụ mẹ bán bánh mì và nhận làm sổ sách theo thời vụ. Giờ đến cậu con trai thứ hai vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh cũng đang mòn mỏi chờ việc...

Những con số... giật mình

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần. Đáng chú ý, nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75%.

a
Những phiên giao dịch việc làm thường xuyên được Trung tâm Giới thiệu việc làm Dak Lak tổ chức

Còn theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Dak Lak, toàn tỉnh hiện có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động; song hằng năm số người được giải quyết việc làm chỉ khoảng 26.000 người, trong đó số lượng người tốt nghiệp đại học tìm được việc làm liên quan đến ngành học không nhiều, phần lớn số lao động được tạo việc làm chủ yếu làm những công việc giản đơn, mức thu nhập thấp, thiếu tính ổn định.

Là một trong những trung tâm đào tạo lớn của tỉnh và khu vực, hiện Trường Đại học Tây Nguyên có 36 ngành đào tạo đại học, 8 ngành đào tạo cao đẳng

với tổng số từ 9.800-10.500 sinh viên chính quy. Số lượng sinh viên ra trường mỗi năm khoảng 2.200 đến 2.500 sinh viên. Theo nghiên cứu điều tra sinh viên tốt nghiệp do nhà trường thực hiện trong các giai đoạn 2003-2007 và 2008-2011 cho thấy trung bình có khoảng 75% sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp; song số lượng cử nhân có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo chưa nhiều, chủ yếu là nhóm ngành Sư phạm, Chăn nuôi thú y... Trên thực tế nhiều sinh viên sau ra trường cũng được coi là có việc làm dù chỉ là những công việc thời vụ, thiếu ổn định như phục vụ, bồi bàn trong các quán cà phê, nhà hàng hay bốc vác, vận chuyển hàng hóa trong các cửa hàng, siêu thị…

(Còn nữa)

Đàm Thuần – Hồng Thủy

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ