A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những kết quả qua 10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

14:10 | 26/11/2020

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) với mục tiêu nâng cao chất lượng,...

....hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn (LĐNT), góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua 10 năm thực hiện Đề án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất là nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động trong tỉnh về đào tạo nghề cho LĐNT thay đổi rõ rệt. Từ chỗ học theo phong trào, học chỉ để biết, người lao động đã chủ động lựa chọn nghề, tham gia học nghề nhằm tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Nhiều LĐNT học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác, từ đó tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nông dân xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar) học nghề trồng và chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Nguyễn Xuân

Thứ hai, sau 10 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 35.629 lượt LĐNT được hỗ trợ học 29 ngành nghề, với tổng kinh phí trên 105 tỷ đồng; trong đó số LĐNT được đào tạo nghề có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng với năng suất, thu nhập tăng trên 82%.

Giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 tỉnh đề ra mục tiêu đào tạo 160.000 lao động với các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và một số nghề nghiệp khác. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, đào tạo nghề cho 20.000 lao động nông thôn với 110 nghề (nông nghiệp 12.000 người, phi nông nghiệp 8.000 người). Sau đào tạo nghề, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Tổng kinh phí dự kiến là 123 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 87 tỷ đồng, ngân sách địa phương 36 tỷ đồng).

Thứ ba, đào tạo nghề cho LĐNT góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ngày càng tăng, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 46%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 37%. Năm 2015, tỷ lệ này là 50% và 40%. Dự kiến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ 19,53%.

Đa phần LĐNT sau khi học nghề đã nhận thức được rằng để sản xuất đạt hiệu quả, cần phải có tay nghề vững, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên đã vận dụng các kiến thức được học vào thực tế cuộc sống; một số lao động mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh theo giá hiện hành đạt khoảng 49,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 9,35%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,5%.

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền giúp người dân nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học nghề. Đồng thời, rà soát nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề. Đặc biệt là triển khai thí điểm một số mô hình đào tạo nghề cho LĐNT như: Trồng và khai thác nấm; trồng nấm dược liệu; chăm sóc da, làm đẹp; may công nghiệp; trồng, chăm sóc cây tiêu; trồng, chăm sóc cây cao su… Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề cho các cơ sở công lập. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót tại các đơn vị trong quá trình đào tạo nghề.

Chị H'Bưr Niê ở buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar (bên trái) chỉ dạy nghề dệt cho chị em trong buôn. Ảnh: Thùy Linh

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 còn một số tồn tại: chỉ tiêu đào tạo nghề chưa đạt kế hoạch đề ra; sự phối hợp giữa thành viên ban chỉ đạo các cấp chưa chặt chẽ; việc chỉ đạo thực hiện Đề án chủ yếu do cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; một số địa phương chưa xác định rõ đối tượng ưu tiên đào tạo nghề; chưa quan tâm đến các yếu tố đặc thù về LĐNT, lao động dân tộc thiểu số; chưa tạo điều kiện về vốn, đất sản xuất cho học viên phát huy nghề được học; cơ sở đào tạo nghề ở các địa phương chưa sử dụng hết công năng; trang thiết bị đầu tư thiếu đồng bộ. Nhiều trung tâm chưa được bố trí giáo viên cơ hữu, chủ yếu là hợp đồng thỉnh giảng nên đôi khi thiếu nhiệt huyết, gắn kết với cơ sở đào tạo, chất lượng giờ dạy khó được kiểm soát. Thậm chí một vài cơ sở đào tạo nghề chưa thật sự chú trọng đến chất lượng đào tạo và cơ hội tìm kiếm việc làm, sử dụng nghề được đào tạo của học viên; vẫn chưa gắn kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp. Những yếu tố trên dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động...

Để phát huy kết quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT 10 năm qua và chuẩn bị cho giai đoạn mới, tỉnh cần phải chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề; huy động sự vào cuộc và tăng cường công tác phối hợp của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội; lồng ghép hoạt động hỗ trợ dạy nghề LĐNT với các chương trình, đề án khác nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác dạy nghề cho LĐNT. Về phía các cơ sở cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào các chương trình đào tạo. Quan trọng hơn hết, việc đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu của người lao động, bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; phải gắn việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Phú Hùng

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3484/202011/nhung-ket-qua-qua-10-nam-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-5711539/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ