A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thăng trầm nghề chụp ảnh dạo

12:21 | 03/08/2014

Người dân và du khách đến thăm Ngã Sáu-Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột dù ngày nắng hay mưa đều dễ dàng bắt gặp một nhóm người chuyên làm nghề chụp ảnh dạo.

Vai đeo máy ảnh lỉnh kỉnh, và cứ có khách tham quan hay dừng xe xung quanh Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, họ lại đến đon đả, mời chào, với hy vọng được chụp vài tấm ảnh cho khách….

Từ một thuở hoàng kim

Theo lời kể của chị Thủy, chủ tiệm ảnh Thanh Thủy, đường Nguyễn Công Trứ thì thời hoàng kim của nghề chụp ảnh dạo đã qua khoảng 15 năm nay. Những năm 2000, khi công nghệ chưa phát triển, máy ảnh chủ yếu là máy cơ, giá 5-7 triệu đồng/chiếc, bằng cả cây vàng, thậm chí có những chiếc máy ảnh mấy chục triệu đồng, trị giá bằng cả căn nhà. Máy đắt tiền nhưng khách chụp ảnh nhiều: khách du lịch, vãng lai, đi thăm họ hàng, bà con tại Dak Lak, thậm chí những người đi xe Bắc Nam, ngang qua Ngã Sáu cũng dừng lại tham quan chụp ảnh lưu niệm… nên chuyện chụp ảnh dạo mua được đất, cất được nhà là chuyện bình thường. Do vậy, nhiều người rất đam mê nghề này, sẵn sàng thế chấp nhà cửa mua máy ảnh, chỉ cần một mùa tết hoặc lễ hội, họ có thể kiếm được dăm ba chỉ vàng một cách dễ dàng. Anh Đông, một người chụp ảnh dạo lâu năm ở Ngã Sáu nhớ lại, ngày trước, người ta cầm sẵn tiền chờ, giá mỗi tấm ảnh 2.000-3.000 đồng, ép bóng phải mất một tuần, thậm chí gần tháng mới có ảnh gửi cho khách. Những người ở các tỉnh khác đôi khi phải mất vài tháng mới nhận được ảnh, nhưng chẳng thấy ai than phiền gì vì muốn có tấm ảnh lưu niệm về một chuyến đi Tây Nguyên. Bởi khách nhiều nên một số thợ chụp ảnh khó tính lại chọn khách để chụp, chỉ săn đón giới trẻ, gia đình-những khách hàng tiềm năng, chụp nhiều, còn khách đi một mình lại không được mặn mà, chào mời.

 Thợ chụp  ảnh dạo  ngóng khách.
Thợ chụp ảnh dạo ngóng khách.

Đến lay lắt kiếm sống!

Bây giờ, đã qua rồi cái thời hoàng kim của những thợ chụp ảnh dạo, bởi sự phát triển của đủ loại máy kỹ thuật số và các thiết bị có chức năng chụp ảnh như điện thoại, máy tính bảng… đủ kiểu dáng, gọn nhẹ, giá cả phải chăng, thích hợp khi mang đi chơi, du lịch nên người dân sẵn sàng sắm cho mình một cái để chụp ảnh cho mình, người thân và dễ dàng chia sẻ với bạn bè qua các trang mạng xã hội. Theo đó, thợ chụp ảnh dạo nay cũng thưa vắng dần, một số người gắng bám nghề thì đứng từ sáng tới đêm mới có một vài khách kêu chụp. Trước đây, khu vực Ngã Sáu có nhiều người hành nghề chụp ảnh dạo thì nay, con số còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi vắng khách, nhiều người còn phải tranh thủ chạy xe ôm, làm thuê theo giờ… để kiếm thêm thu nhập. Anh Thanh, chồng chị Thủy phải bỏ nghề về quê Bắc Ninh chạy xe ôm, một mình chị ngày hai buổi ra Ngã Sáu chụp ảnh dạo kiếm sống. Chị tâm sự, để con ở nhà một mình xót lắm, nhưng ở nhà ôm con, chơi với con lại không có tiền. Những ngày nắng đẹp, khách chụp nhiều cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng/ngày, nhưng mỗi tháng chỉ được vài hôm, còn lại thì ế ẩm. Thậm chí có những tháng trời mưa ròng rã, phải ngồi không ở nhà, không có thu nhập. Vì miếng cơm manh áo, những người chụp ảnh dạo tại Ngã Sáu còn phải tranh giành nhau để kiếm khách, dẫn đến xích mích, cãi cọ nhau.

Còn với những người chụp ảnh dạo tại Công viên Buôn Ma Thuột lại khó khăn hơn khi phải trả tiền thuê địa điểm hàng chục triệu đồng/năm. Chị Bích Liên-chủ hiệu ảnh Huỳnh tại Công viên cho biết, nghề chụp ảnh dạo đòi hỏi người chụp phải nhanh nhạy, nắm bắt được khoảnh khắc đẹp của từng đối tượng, biết tạo dáng cho khách… mới có tấm ảnh đẹp, tạo được uy tín trong khách hàng. Vậy mà từ một cửa hàng ăn nên làm ra, tạo việc làm cho nhiều người nay chỉ còn vài thợ bám nghề. Bản thân chị cũng là một thợ chụp ảnh dạo nay chuyển về làm hậu cảnh-photoshop, in và chụp ảnh thẻ; một số người khác thì chuyển sang chụp ảnh nghệ thuật, ảnh cưới..., nhưng phương tiện, máy móc lại không đầy đủ, không có ê kíp chuyên nghiệp nên rất ít khi được mời. Mặt khác, các nhà hàng, tiệc cưới, cửa hàng áo cưới nay cũng bao thầu trọn gói nên những người chụp ảnh dạo không tiếp cận được đối tượng này. Có lẽ, rồi đây cái nghề một thời hưng thịnh ở Buôn Ma Thuột này cũng sẽ không còn tồn tại nữa!

Thanh Hường

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ