A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Quỹ vắc-xin và giá trị Việt

08:25 | 21/05/2021

Triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 từ ngày 8-3 đến nay cho các nhóm ưu tiên, hiện cả nước ta đã tiêm phòng cho gần 978.000 người.

Con số này sẽ tiếp tục tăng, cố gắng đến hết năm cung cấp đủ liều vắc-xin cho ít nhất 20% dân số.

Tổ chức Y tế thế giới khẳng định vắc-xin là giải pháp tốt nhất hiện nay để giúp các quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19.

Việt Nam đương đầu với Covid-19 hai năm nay và chúng ta từng ngày mong ngóng mua nhiều vắc-xin để tiêm đại trà, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với khoảng 80% dân số được tiêm đủ liều.

Điều đó thể hiện qua nỗ lực của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng các bộ, ngành hữu quan trong hoạt động tìm nguồn bán, đàm phán mua, chuẩn bị kinh phí... Cùng với đó, một số cơ quan, doanh nghiệp chuyên môn trong nước đã sớm vào cuộc nghiên cứu, bào chế và thử nghiệm vắc-xin "made in Việt Nam" với những tín hiệu khả quan ban đầu. Trong lúc chờ mua vắc-xin từ các nguồn, một trong những yếu tố quan trọng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng - đó là tiền.

Ngân sách trung ương phải trang trải rất nhiều khoản chi, trong khi cuộc chiến đánh trả Covid-19 được xác định còn lâu dài, nhu cầu vắc-xin ngày càng lớn và các hoạt động phòng chống dịch theo thời gian sẽ tốn kém thêm nhiều, do vậy phải huy động kinh phí từ các nguồn lực khác. Bên cạnh ngân sách nhà nước là chủ đạo, các nguồn lực khác đó là tài trợ từ nước ngoài và đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong cộng đồng... Để quản lý, sử dụng nguồn tiền này một cách hợp pháp và hiệu quả, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phê duyệt việc thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19. Theo tính toán của Bộ Tài chính, để mua 150 triệu liều vắc-xin cho khoảng 75 triệu người theo dự kiến của Bộ Y tế, cần có khoảng 25.200 tỉ đồng, trong đó 21.000 tỉ đồng dùng mua vắc-xin; 4.200 tỉ đồng là chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Về cơ cấu khoản chi này, dự kiến ngân sách trung ương bố trí 16.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa khoảng 9.200 tỉ đồng.

Rất ủng hộ việc ra đời Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, hoàn toàn phù hợp với tình hình cấp bách hiện nay, nhất là tiến độ tiếp cận mua và nhập khẩu vắc-xin đang được đẩy nhanh. Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 sẽ không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách mà qua đó sẽ minh chứng cho một giá trị khác, rất truyền thống, căn cơ và tốt đẹp của dân tộc ta: Đoàn kết và sẻ chia.

Điều này rất dễ thấy. Trước đó, chưa cần chờ nhà nước kêu gọi, nhiều đơn vị đã đứng ra vận động người dân góp tiền mua vắc-xin hoặc tổ chức quyên góp bằng nhiều hình thức khác nhằm bổ sung nguồn lực hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn, trong số đó có chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" đang được Báo Người Lao Động triển khai.

Nhìn cụ bà bán vé số cầm xấp tiền lẻ đến góp hay danh sách dài những cá nhân gửi tiền qua ví điện tử, thấy thật cảm động! Từ đó tin chắc rằng người dân Việt Nam chúng ta sẽ mở lòng với Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19. Chính tinh thần cố kết và tình nghĩa đồng bào đã làm nên sức mạnh để Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù; và lần này, với kẻ thù vô hình Covid-19, chúng ta cũng vững tin như thế. 

Quang Huy

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/quy-vac-xin-va-gia-tri-viet-20210520221700691.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Tháng 10

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ