A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Qua 11 lần điều chỉnh, lương hưu có đủ sống?

10:16 | 15/07/2023

BHXH Việt Nam khẳng định việc thường xuyên điều chỉnh mức hưởng lương hưu, trợ cấp thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà nước đối với người về hưu

Với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ sẽ giúp người hưởng lương hưu cải thiện cuộc sống.

 Hiện nay, chính sách BHXH đang bảo đảm chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng cho hơn 3,3 triệu người. BHXH bảo đảm chi trả cho hàng triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản…

Với lương hưu, đây được coi là nguồn thu nhập ổn định nhất giúp người lao động (NLĐ) yên tâm dưỡng già, bảo đảm tốt hơn cuộc sống độc lập mà không phải phụ thuộc vào con cháu.

Một chuyên gia an sinh nói rằng nhiều người hay phàn nàn lương hưu không đủ sống. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách toàn diện là trong 16 năm qua, nước ta thường xuyên điều chỉnh tăng lương hưu. Những người có mức lương hưu thấp bao giờ cũng được tăng với tỉ lệ cao nhất nhằm bảo đảm cuộc sống.

Thực tiễn cho thấy tính từ năm 2007 đến nay, cùng với 4 lần tăng lương cơ sở (từ 450.000 đồng lên 1,8 triệu đồng) thì lương hưu được điều chỉnh tăng 11 lần với mức tăng hiện hành gần 4,5 lần so với năm 2006, cao hơn 2,8 lần so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng giai đoạn 2007 - 2023.

Còn tính trong 8 năm qua (từ năm 2016 đến 2023), Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với các mức điều chỉnh 8% vào năm 2016; 7,44% năm 2017; 6,92% năm 2018; 7,19% năm 2019; 7,4% năm 2022. Riêng năm 2023, theo Nghị định 42, từ ngày 1-7, tăng thêm 12,5% đến 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2023.

Với Nghị định 42, có 9 nhóm đối tượng được điều chỉnh tăng thêm lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng như nói ở trên. Trong đó, tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2023 đối với các đối tượng theo quy định tại Nghị định 42 đã được điều chỉnh theo Nghị định 108/NĐ-CP ngày 7-12-2021 của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2023 đối với các đối tượng theo quy định tại Nghị định 42 chưa được điều chỉnh theo Nghị định 108.

Ngoài ra, những người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng theo quy định, bệnh nghề nghiệp hằng tháng theo quy định sau khi điều chỉnh nếu có mức hưởng thấp hơn 2,7 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh thêm 300.000 đồng/người. Những người sau khi điều chỉnh có mức hưởng dưới 2,7 triệu đồng/người/tháng được điều chỉnh tăng lên bằng 3 triệu đồng.

BHXH Việt Nam khẳng định việc thường xuyên điều chỉnh mức hưởng lương hưu, trợ cấp thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà nước đối với NLĐ khi hết tuổi lao động.

Qua 11 lần điều chỉnh, lương hưu có đủ sống? - Ảnh 1.

Điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Đồ họa: CHI PHAN

Lương hưu phải đủ sống

Luật BHXH 2014 quy định từ năm 2018, đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Quy định là vậy nhưng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập, đó là thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH; thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán và thu nhập thực tế chi trả cho NLĐ. Trong đó, thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất, nghĩa là bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 3% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già.

Theo tính toán của các chuyên gia, mức đóng này chỉ chiếm khoảng trên 50%-60% thu nhập so với quy định của pháp luật. Trong khi đó, theo nguyên tắc đóng - hưởng, với mức đóng BHXH thấp thì mức hưởng lương hưu sau này của NLĐ không thể cao được.

Tính đến tháng 4-2023, cả nước có 471 trường hợp nhận lương hưu hưởng từ 20 triệu đồng/tháng trở lên. Trong đó, có 382 trường hợp lương hưu từ 20-30 triệu đồng/tháng, 80 trường hợp nhận lương hưu từ 30-50 triệu đồng/tháng, 9 trường hợp có lương hưu từ 50 triệu đồng/tháng trở lên. Hiện nay người hưởng lương hưu cao nhất cả nước là ông P.P.N.T ở TP HCM với hơn 124 triệu đồng/tháng.

Theo quy định hiện nay, nếu NLĐ tham gia BHXH đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng 75% lương mỗi tháng. Tỉ lệ hưởng này khá cao, song vẫn có nhiều trường hợp NLĐ sẽ có mức hưởng lương thấp khi về hưu. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy hiện có khoảng 2,7 triệu người được chi trả chế độ hưu trí. Trong đó, có tới 1,9 triệu người (chiếm 68,3%) chỉ hưởng lương hưu từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng thời gian đóng BHXH ngắn, mức đóng thấp thì mức lương hưu sẽ thấp. Nếu thấp quá không đủ sống, nhà nước cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để người về hưu bảo đảm cuộc sống tối thiểu.

Để giải quyết vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động, cần đẩy nhanh tốc độ cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chính sách cải cách tiền lương. Tiền lương về đúng giá trị thực, đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập của NLĐ... là một trong những giải pháp nâng tiền lương hưu cho NLĐ sau này

. Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật - Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Mức lương hưu có sự phân hóa lớn

Mức lương hưu phụ thuộc vào thời gian đóng, mức đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu. Ở Việt Nam, tỉ lệ hưởng lương hưu cao nhất 75%, là khá cao so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, hiện nay mức lương đóng BHXH ở nước ta còn thấp. Mức lương hưu có sự phân hóa lớn - có người về hưu hưởng lương rất cao nhưng có người rất thấp.

Việc điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng lần này là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, dù chưa thể đáp ứng được hết những kỳ vọng của người về hưu.

Bà ĐINH THỊ THU HIỀN, Phó trưởng Ban Thực hiện Chính sách - BHXH Việt Nam:

Bảo đảm nguồn lực chi trả

Những năm qua, những người hưởng lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng lương hưu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy việc điều chỉnh quyền lợi của người hưởng lương hưu duy trì tốt nhất.

Đối với việc điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định 42/2023/NĐ-CP, nhà nước đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để cơ quan BHXH chi trả đầy đủ.

. Bà CAO THỊ NHUNG - ngụ quận Gò Vấp, TP HCM:

Lo tăng lương hưu không bù đắp tăng giá hàng hóa

Tôi nghỉ hưu từ năm 2013 với mức lương hưu 3,17 triệu đồng/tháng. Sau lần được Chính phủ điều chỉnh lương hưu gần đây nhất vào tháng 1-2022, mức lương hưu của tôi tăng lên gần 4,5 triệu đồng/tháng. Với mức tăng theo Nghị định 42, lương hưu của tôi sẽ đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh tăng lương hưu lần này cũng cao hơn các lần trước nên tôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, băn khoăn của những người nghỉ hưu như tôi là việc tăng lương hưu có bù đắp tăng giá hàng hóa hay không. Do vậy, cùng với việc tăng lương, tôi mong muốn Chính phủ có giải pháp kìm hãm việc tăng giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhằm bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người về hưu.

Nhóm phóng viên ghi

Ngọc Dung - Văn Duẩn

Bài viết gốc:  https://nld.com.vn/thoi-su/qua-11-lan-dieu-chinh-luong-huu-co-du-song-20230714223929457.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ