Ngày 5-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ… dự hội nghị. Về phía TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi dự hội nghị tại điểm cầu chính ở Hà Nội.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài khi thu hút vốn ngoại tăng hơn 32%, đạt gần 37 tỉ USD. Song nền kinh tế vẫn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực, thế giới song chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5%). Sản xuất và cung ứng điện cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên vẫn còn tình trạng thiếu điện cục bộ trong tháng 5 và tháng 6-2023 chủ yếu do khâu điều độ, truyền tải và phân phối còn bị động. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến do nhu cầu tiêu thụ trong, ngoài nước suy giảm. Trong bối cảnh này, thị trường bất động sản tuy được cải thiện nhưng còn trầm lắng chủ yếu do bất cập về phân khúc và vướng mắc pháp lý. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được tháo gỡ song vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ vào ngày 5-1 Ảnh: NHẬT BẮC
Riêng TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết năm 2023, TP HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lâu năm, khơi thông nguồn lực và kiến tạo những động lực mới cho phát triển TP thông qua triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Tăng trưởng của TP cả năm đạt 5,81%. Bên cạnh đó, TP HCM đã tập trung tháo gỡ, khởi công lại, khởi công mới nhiều dự án quan trọng như Vành đai 3, Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Rạch Xuyên Tâm, Metro 1-2. Thu hút vốn đầu tư xã hội đạt gần 23% GRDP, thu ngân sách đạt gần 447.000 tỉ đồng, vốn FDI đạt 5,9 tỉ USD (tăng gần 50%).
Nhấn mạnh đến điểm sáng trong xuất khẩu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì xu hướng tăng, cả năm đạt 54,7 tỉ USD (tăng 20,9%) trong đó xuất siêu 2,4 tỉ USD (tăng 22,3%). "Trong năm có nhiều công trình giao thông quan trọng hoàn thành, góp phần giải tỏa điểm nghẽn ách tách giao thông trên các tuyến huyết mạch, kết nối với các tỉnh, tạo động lực phát triển mới như dự án xây dựng cầu Như Nguyệt, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31…" - ông Lê Ánh Dương nói.
Tập trung nhiều giải pháp căn cơ
Liên quan đến tăng trưởng tín dụng năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết tín dụng tăng khoảng 13,7%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm trước.
Tín dụng tăng cao vào cuối năm là nhờ kết quả của sự tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. "Năm 2023 cũng là năm NHNN tập trung nhiều vào các nhóm giải pháp căn cơ cho sự bền vững trong trung hạn. Qua các vụ việc đã xảy ra, NHNN đã rút ra được những bài học để có sự lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nâng cao khả năng phát hiện rủi ro, chủ động cảnh báo với các tổ chức tín dụng và tăng cường công tác thanh tra, giám sát" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, trong điều kiện dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao như một số tổ chức quốc tế cảnh báo, năm 2024 và thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần giải quyết về vướng mắc pháp lý để tạo điều kiện cho các dự án hoạt động trở lại và hạn chế nợ xấu phát sinh, tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn.
Đẩy nhanh xây dựng hạ tầng
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2024 được coi là năm bứt phá trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (6%-6,5%), giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 4%-4,5%. Xuất khẩu dự kiến tăng ít nhất 6% so với năm 2023, tức gần 724 tỉ USD.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới gồm liên kết vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen. Quan tâm củng cố các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới (UAE, châu Phi, Mỹ La tinh); đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến vai trò của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. "Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi; hướng tới mục tiêu có 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn từ nay đến năm 2030" - Thủ tướng nêu mục tiêu. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, phấn đấu trong năm hoàn thành ít nhất 130.000 căn. Song song đó, thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27 của Trung ương từ ngày 1-7-2024; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương với khu vực ngoài nhà nước. Đối với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, không né tránh trách nhiệm.
Kiến nghị hỗ trợ cụ thể hóa Nghị quyết 98
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết năm 2024, thành phố xác định tăng trưởng từ 7,5% - 8%; tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phấn đấu kinh tế số đạt 22% GRDP.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 98/2023/QH15 và hỗ trợ thành phố tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là về pháp lý, các vụ khó, tồn đọng lâu, vụ mới phức tạp như SCB/Vạn Thịnh Phát. TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoàn thiện Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM đến năm 2035, các dự án giao thông quan trọng như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành...
Xuất nhập khẩu đạt 683 tỉ USD
Trong năm 2023, GDP tăng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỉ USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng 3,25% (thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%). Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 683 tỉ USD; xuất siêu khoảng 28 tỉ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến đạt gần 676.000 tỉ đồng, tương đương 95% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn khoảng 146.000 tỉ đồng so với năm 2022, cũng là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.
BÌNH LUẬN