A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giới hạn nồng cộ cồn khi lái xe: Cân nhắc sao giữa khoa học và thực tiễn

07:44 | 11/03/2024

Theo thống kê của Bộ Công an, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT đường bộ gây ra.

Từ năm 2018 đến năm 2023, tổng số nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh do TNGT đường bộ là trên 2,7 triệu lượt người, trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người.

Liên quan đến những tranh luận về giới hạn nồng độ cồn, Bộ Y tế vừa lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị chuyên môn để làm cơ sở đề xuất, xác định nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông. Trong khi đó, Bộ Công an vẫn khẳng định quan điểm duy trì quy định nồng độ cồn bằng 0 với lái xe là cần thiết. Chung quanh vấn đề này hiện còn nhiều ý kiến trái chiều giữa quy định duy trì nồng độ cồn bằng 0 và có ngưỡng nồng độ cồn đối với lái xe.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe khách.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 24/11/2023 đã thảo luận về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Trịnh Minh Bình (tỉnh Vĩnh Long) bày tỏ quan điểm không nên quy định một cách tuyệt đối, cứng nhắc, mà nên quy định như trong Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành, nghĩa là có giới hạn nhất định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở, khi vượt qua mốc đó thì mới phạt. Về phía người dân, doanh nghiệp, một số ý kiến cũng đồng tình quan điểm này.

Ông Chữ Giang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Đắk Lắk chia sẻ, những quy định khắt khe về nồng độ cồn đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, mặt trái việc quy định quá khắt khe lại ảnh hưởng rất lớn đến “nền kinh tế ban đêm”, đơn cử như các loại hình kinh doanh, dịch vụ, ăn uống sẽ sụt giảm, từ đó tác động rất nhiều đến nền kinh tế chung của cả nước. Do vậy, quy định mới cần hài hòa, phù hợp với từng lộ trình và điều kiện thực tế của nước ta.

Mới đây, trên Diễn đàn 91, phát sóng trực tiếp trên Kênh VOV Giao thông với chủ đề: “Giới hạn nồng cộ cồn ở lái xe: cân nhắc sao giữa khoa học và yêu cầu thực tiễn?”, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe chia sẻ, chưa nói đến vấn đề an toàn giao thông, trong cuộc sống hằng ngày, việc sử dụng rượu, bia tác động đến nhiều vấn đề xã hội.

Trên thực tế, có người chỉ uống một tí rượu đã say, nhưng cũng có người uống rất nhiều nhưng chưa say, nhưng khi cấm là cấm chung toàn bộ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, về mặt khoa học, nồng độ cồn trong máu chỉ 0,01 miligam cồn/100 ml máu, tương đương với một ngụm rượu mạnh hoặc ¼ lon bia là thần kinh đã bắt đầu có vấn đề như: giảm các chức năng ở não bộ trung tâm, tăng khả năng hưng phấn, thiếu khả năng kiềm chế…

Tại các nước phát triển như Phần Lan, Hoa Kỳ, Thụy Điển, nếu lái xe mà trong cơ thể có nồng độ cồn, họ không phạt tiền mà phạt tù luôn. Cho nên, việc quy định tài xế không có nồng độ cồn khi tham gia giao thông trong giai đoạn hiện nay là hợp lý.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (Công an TP. Buôn Ma Thuột) lập biên bản vi phạm hành chính người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

Thực tế, thời gian qua, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đã, đang phát huy hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Đơn cử năm 2023, lực lượng công an các tỉnh thành trên phạm vi cả nước đã xử lý hơn 770.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 23,04% tổng số vi phạm).

Chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn có hơn 29.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng chức năng xử lý – đây là con số kỷ lục về xử lý đối với hành vi vi phạm này. So với cùng thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tăng 21.373 trường hợp (tăng 277,7%), qua đó đã góp phần kéo giảm số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn.

Rõ ràng, việc cấm sử dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện đã và đang mang lại lợi ích cho người dân, cho cả xã hội. Bởi việc sử dụng rượu, bia, đặc biệt là khi vượt ngưỡng cho phép của mỗi người, thì hậu quả để lại không chỉ đối với việc tham gia giao thông mà còn là hệ lụy của hàng loạt hành vi khác. Mong rằng, việc siết chặt quy định cấm lái xe khi trong cơ thể đã có nồng độ cồn sẽ hình thành thói quen, nét văn hóa giao thông “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” đối với mỗi người.

Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phap-luat/an-toan-giao-thong/202403/gioi-han-nong-co-con-khi-lai-xe-can-nhac-sao-giua-khoa-hoc-va-thuc-tien-d13150f/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ