A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lương tối thiểu thế nào để “đủ sống”?

14:15 | 25/04/2024

Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Người lao động chờ lương tối thiểu vùng tăng để giảm bớt áp lực cuộc sống. Ảnh: Quang Vinh.

Lương thấp, người lao động gửi con về quê đi học

Dự thảo Nghị định đưa ra mức lương tối thiểu áp dụng từ 1/7 tăng 6% so với hiện hành. Với đề xuất này, lương vùng I nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng II là 4,41 triệu đồng; vùng III là 3,86 triệu đồng và vùng IV đạt 3,45 triệu đồng.Cùng với lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu theo giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng I lên 23.800 đồng/giờ; vùng II lên 21.200 đồng/giờ; vùng III là 18.600 đồng/giờ; vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.

Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức điều chỉnh này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu đến hết năm 2024, để cải thiện phần nào cuộc sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu vùng này cũng được cho là cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025, tức là cơ quan xây dựng chính sách đã tính trước một phần CPI của năm 2025 vào mức sống tối thiểu để người lao động được hưởng ngay từ giữa năm 2024.

Mặc dù vậy, chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”, nhiều ý kiến cho biết, đầu năm 2024, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã họp chuyên gia về chính sách tiền lương, và đi đến kết luận các quốc gia cần thúc đẩy mức lương đủ sống. Kết luận của ILO nêu: Thúc đẩy quá trình tăng dần từ mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống. Chính vì vậy, lương tối thiểu của Việt Nam cần phải đảm bảo chi trả đủ nhu cầu học tối thiểu của con em họ, xét theo bối cảnh tình hình nhu cầu trường mầm non, mẫu giáo trên cả nước hiện nay.

“Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu thay đổi cách tính lương tối thiểu phù hợp với kết luận của ILO để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người lao động Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp công nhân” - TS Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đòan Lao động Việt Nam) kiến nghị.

Cũng theo bà Lan, hiện nay đa phần ở các khu công, khu chế xuất đều chưa có các nhà trẻ, trường học cho con công nhân, do đó, đa phần công nhân phải gửi con về quê hoặc cho con học trường tư vì thu nhập của người lao động thấp. “Việc công nhân gửi con em ở các trường học, cơ sở giáo dục tư gần nơi làm việc cũng là giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, để có điều kiện gửi con ở các trường học tư có chất lượng, an toàn, công nhân phải được đảm bảo mức lương đủ sống” - bà Lan chia sẻ.

Cần quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng

Thu nhập eo hẹp trong khi vật giá ngày càng tăng nên cứ ngày 10 đến ngày 15 hàng tháng, chị Hà Thị Hòa, công nhân làm tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) phải "vay nóng" 3 triệu đồng để chi trả các khoản sinh hoạt phí.

“Mỗi tháng vợ chồng tôi phải dành 1,5 triệu đồng để đóng tiền nhà, điện, nước và gửi về quê 4 triệu đồng để lo tiền học cho con, tiền thuốc men cho bố mẹ. Tiền ăn hai vợ chồng tiết kiệm cũng hết 4 triệu đồng. Tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng cũng chỉ được dao động từ 12 -14 triệu đồng. Tằn tiện chi tiêu may ra mỗi tháng dư được 3 - 4 triệu đồng để sau này khi không làm công nhân có được chút vốn để đổi nghề” - chị Hoa giãi bày.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với tăng lương tối thiểu vùng đáp ứng nhu cầu sống cho người lao động, để có thể trang trải chi phí cho người phụ thuộc ở mức đạt chuẩn, tổ chức Công đoàn cần phát huy vai trò thương lượng với người sử dụng lao động về điều kiện gửi trẻ và chi phí gửi trẻ cho công nhân gần nơi làm việc.

Trong giai đoạn trước mắt, khi chưa thể mở rộng hệ thống trường công lập, Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ chi phí giáo dục cho con em công nhân di cư để khắc phục khó khăn, đảm bảo công nhân có đủ chi phí để gửi con tới cơ sở giáo dục, đào tạo có chất lượng và an toàn, đặc biệt ở cấp giáo dục mầm non.

“Việt Nam đã phát triển các khu công nghiệp hơn 30 năm, nên hoàn toàn có thể tính được số lượng tối đa con em của người lao động trên tổng diện tích làm việc của khu công nghiệp. Do vậy, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, cần quy hoạch đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xã hội với công suất đáp ứng tối đa số lượng con mà công nhân có thể sinh ra trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với các dự án đã được phê duyệt hoặc đã xây dựng mà thiếu đồng bộ thì cần rà soát, bổ sung đầu tư kịp thời” - TS Phạm Thu Lan đề xuất.

Ngoài ra cần kêu gọi nguồn xã hội hóa giáo dục, vận động doanh nghiệp tham gia đóng góp nhằm xây dựng đủ cơ sở vật chất và trang bị các thiết bị, điều kiện học tập đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em được trang bị đầy đủ và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, phù hợp với quy mô của trường và các nhóm, lớp.

Lê Bảo

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/luong-toi-thieu-the-nao-de-du-song-10278389.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ