A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo đảm an toàn giao thông: Cần một hệ thống pháp luật hoàn thiện

16:47 | 17/05/2024

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong nhiều năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập.

Đặc biệt, các quy định của luật không theo kịp sự phát triển của xã hội, của hạ tầng giao thông. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng phải ban hành những quy định mới thay thế hoặc điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn giao thông (TTATGT), triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập 3 đoàn công tác trực tiếp tiến hành giám sát tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.

Mới đây, tại chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả về công tác giám sát chuyên đề này.

Báo cáo tại phiên họp nêu rõ: Sau gần 15 năm Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được ban hành và có hiệu lực, công tác bảo đảm TTATGT đường bộ đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời.

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống của người dân được cải thiện từng bước thì sự tăng mạnh về số lượng phương tiện tham gia giao thông và nhu cầu đi lại của người dân là nguyên nhân tạo áp lực đối với công tác bảo đảm TTATGT trên phạm vi cả nước.

Đặc biệt là tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số quá cao ở khu vực trung tâm, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo trong khi các loại hình vận tải công cộng còn hạn chế, dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải còn thiếu gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại, phát sinh chưa được giải quyết triệt để, một số hành vi xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông vẫn còn diễn ra phổ biến, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ…

Những đặc điểm, tình hình trên đã tác động đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ký cam kết chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Thực tiễn sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ trên phạm vi cả nước.

Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.

Đơn cử như tại Đắk Lắk, những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được đầu tư thỏa đáng, tuy nhiên, nhìn từ kết quả thống kê cho thấy tai nạn đã và đang xảy ra trên các tuyến vận tải huyết mạch (quốc lộ, tỉnh lộ và đường chính đô thị), ở đó môi trường giao thông phức tạp, mật độ và lưu lượng giao thông cao.

Điều này cho thấy những nguyên tắc và các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo môi trường giao thông an toàn bền vững chưa được làm rõ và phát huy hiệu quả.

Trên thực tế, hầu hết các vụ tai nạn được cơ quan cảnh sát điều tra ghi nhận và báo cáo thường là do lỗi con người, rất ít trường hợp đánh giá do sự cố hạ tầng giao thông đường bộ.

Sự thiếu đồng nhất và phức tạp trong quy hoạch và thiết kế mạng lưới giao thông đường bộ, nhất là thực trạng đấu nối vào các tuyến quốc lộ đã có từ trước dẫn đến gia tăng những khó khăn trong quá trình tổ chức, điều tiết giao thông.

Điều này tạo ra nhiều nguy cơ nguy hiểm và dẫn đến xảy ra nhiều tai nạn giao thông hơn.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra hành chính tài xế xe khách lưu thông trên đường Hồ Chí Minh

Trong khuôn khổ buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào đầu tháng 4 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.

Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với địa phương có hơn có 1,9 triệu dân, mạng lưới giao thông đường bộ hơn 19.700 km, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư ngân sách và xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội.

Dự thảo Luật TTATGT đường bộ được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, đồng thời xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về quản lý.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTAGT phù hợp với sự phát triển của xã hội thì việc sửa đổi, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật về lĩnh vực này là hết sức cần thiết.

Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202405/bao-dam-an-toan-giao-thong-can-mot-he-thong-phap-luat-hoan-thien-8b2054a/

 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ