Sáng 27-6, với đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).
Quốc hội thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với tỉ lệ tán thành cao. Ảnh: Phạm Thắng
Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết về quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (GTĐB), các ĐBQH đã tham gia ý kiến cụ thể đối với từng nội dung, nhất là về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người lái xe; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép lái xe; thời gian làm việc của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ… Ý kiến của các ĐBQH đã được giải trình, tiếp thu đầy đủ.
Về điểm giấy phép lái xe, có ý kiến cho rằng trừ điểm giấy phép lái xe là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung. Một số ý kiến đề nghị giao Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGTĐB để phục hồi điểm trừ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
UBTVQH thấy rằng quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGTĐB đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Về nội dung kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGTĐB tương tự nội dung sát hạch lý thuyết cấp giấy phép lái xe, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa quy định kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGTĐB theo quy định tại khoản 7 Điều 61 của luật này (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung, quy trình sát hạch để cấp giấy phép lái xe; điều kiện, tiêu chuẩn sát hạch viên, tổ chức tập huấn, cấp thẻ sát hạch viên; tiêu chuẩn kỹ thuật sân tập lái để sát hạch lái xe môtô, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ; đối với sát hạch lái xe cho lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định).
Còn về thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về TTATGTĐB thì giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông là phù hợp vì lực lượng này có trách nhiệm quản lý người sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Về tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Điều 59), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết có ý kiến đề nghị sửa đổi điểm a khoản 1 là "người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy" để phù hợp với Luật Dân sự năm 2015; một số ý kiến đề nghị quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy phải có giấy phép lái xe phù hợp; có ý kiến đề nghị người từ 14-16 tuổi phải có chứng nhận đã qua đào tạo kiến thức cơ bản để tham gia giao thông.
UBTVQH thấy rằng theo quy định của Luật Trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Việc quy định độ tuổi để điều khiển xe gắn máy là từ 16 tuổi trở lên nhằm bảo vệ an toàn tốt nhất cho trẻ em và đây là độ tuổi phù hợp để điều khiển xe gắn máy vì với độ tuổi này mới có đủ kỹ năng, nhận thức pháp luật và thể trạng phù hợp để sử dụng loại xe gắn máy.
Quy định này là kế thừa Luật GTĐB năm 2008, tham khảo luật pháp quốc tế, quy định của Công ước Viên và pháp luật của các nước có liên quan đối với người điều khiển xe dưới 50 cm3. Nếu tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ tác động lớn đến xã hội, chưa được thí điểm, đánh giá tác động kỹ lưỡng và sẽ phát sinh thủ tục hành chính, gây lãng phí thời gian, tốn kém kinh phí.
Tại khoản 2 Điều 6 đã có quy định hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh; tại khoản 1 và khoản 3 Điều 6 đã quy định về việc giáo dục và trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình chính khóa để giáo dục đối với trẻ em mầm non, học sinh. Vì vậy, việc cấp chứng nhận đã qua đào tạo là không cần thiết và sẽ phát sinh thủ tục hành chính, chi phí thực hiện. UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 59 của dự thảo luật.
Điều 6. Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em của cơ sở giáo dục mầm non (sau đây gọi là trẻ em mầm non), học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Lực lượng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chứchướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng cấp học, ngành học.
Điều 59. Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
BÌNH LUẬN