A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chưa hưởng lương hưu không được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

16:13 | 26/08/2024

Nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: LH.

Siết chặt quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp

Luật Việc làm hiện hành quy định 2 trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật và người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức hàng tháng. Lao động đủ điều kiện có thể chọn thôi việc lấy tiền trợ cấp thất nghiệp trước khi nhận lương hưu hàng tháng. Thời gian hưởng tối đa không quá 12 tháng, tương đương 144 tháng (12 năm) đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) bổ sung một số trường hợp không được nhận trợ cấp, gồm: Người đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật; người bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc; người hưởng lương hưu; lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Cơ quan soạn thảo lý giải việc “sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi”.

Góp ý về nội dung này, UBND tỉnh Lạng Sơn, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, Hà Nội, Long An đều đề nghị quy định rõ trường hợp “người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu”. Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đề nghị loại bỏ hẳn điều kiện này.

Phản hồi đề xuất góp ý của các đơn vị, Bộ LĐTBXH đề nghị giữ nguyên như dự thảo, nhằm loại trừ các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, tức điều kiện đủ về số năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng chưa có nhu cầu hưởng chế độ hưu trí.

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung theo hướng quy định “người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.

Tạo điều kiện để người lao động không bị thiệt

Ngoài điều kiện trên, đề xuất trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động, cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

ManpowerGroup Việt Nam (Công ty cung ứng nhân sự, tuyển dụng tại Việt Nam) đề nghị xem xét quy định theo hướng “người thất nghiệp” là được hưởng, không phân biệt lý do. “Dù bất kỳ lý do nào, khoản bảo hiểm này đều mang tính bù đắp cho khoản thu nhập bị mất do mất việc làm” - ManpowerGroup Việt Nam góp ý. Ngoài ra, đơn vị này cho rằng trường hợp quy định cụ thể lý do chấm dứt hơp đồng, ví dụ như sa thải, bị xử lý kỷ luật… sẽ làm hạn chế cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động.

Các Sở LĐTBXH Quảng Ninh, TP Hải Phòng, AmCham Việt Nam, Công ty Canon cũng đề nghị giữ nguyên quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật, vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua tổng hợp ý kiến của các cấp công đoàn, đa số các đơn vị được lấy ý kiến đồng tình với việc người lao động nghỉ việc đúng pháp luật được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho họ khi nghỉ việc, đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động. Chính sách trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động nghỉ việc đúng pháp luật vừa là quyền, vừa là cơ hội để người lao động quan tâm đến công tác an sinh, phát triển việc làm của Nhà nước.

Người lao động bị sa thải được xác định là chấm dứt hợp đồng lao động

theo quy định pháp luật. Mặc dù lý do bị sa thải cơ bản là do người lao động vi phạm kỷ luật lao động, nhưng cần xem xét hậu quả của việc người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động bị sa thải thường khó tiếp cận việc làm mới do đơn vị sử dụng lao động sẽ căn cứ lý do sa thải để từ chối tiếp nhận lao động.

Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động được tiếp tục tham gia vào việc làm chính thức, tiếp tục tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Giải trình về vấn đề trên, Bộ LĐTBXH tiếp tục đề nghị giữ nguyên như đề xuất của dự thảo luật. Cơ quan soạn thảo cho rằng cần phân biệt về lý do chấm dứt hợp đồng lao động nhằm loại trừ được các trường hợp người lao động bị sa thải do vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty (phá hoại, tự ý bỏ việc,…) để thực sự hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro về việc làm, hạn chế việc lạm dụng chính sách.

Cơ quan soạn thảo tiếp thu và dự kiến sửa đổi theo hướng quy định về các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hiện dự thảo Luật Việc làm đang được Bộ Tư pháp thẩm định và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 10 tới.

Lê Bảo

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/chua-huong-luong-huu-khong-duoc-huong-tro-cap-that-nghiep-10288670.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ