A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giáo dục học sinh hư: Đừng khép cánh cửa vào đời - Ai cũng có một thời nông nổi…

15:30 | 28/04/2015

Tôi đang là giáo viên dạy ở một trường miền núi. Khi còn đi học tôi đã từng bị nhiều người gọi là "học sinh hư”, đã từng bị bạn bè bàn tán, chỉ trỏ…

Nhưng tất cả đã qua. Với tôi đó là một thời học trò đầy hồn nhiên, đầy hoài bão, có vấp ngã đầu đời nhưng cũng nỗ lực thay đổi để có được ngày hôm nay. 
 
 
Ảnh minh hoạ
 
Nghịch không thiếu trò gì
 
Học hết cấp 1, tôi thi đỗ vào một trường nổi tiếng của cả vùng dân tộc nơi tôi sống. Trường thu nạp tất cả những học sinh tiêu biểu của 7 xã miền núi huyện Ba Vì (nay thuộc Hà Nội). Đó cũng là ngôi trường mà bất cứ bà mẹ dân tộc nào trong vùng cũng hướng con mình vào đó. Vốn có chút nhan sắc, tôi được nhiều bạn bè cùng khoá và lớp trên để ý nên đâm ra tự kiêu, nghĩ mình là trung tâm của trường học. Không quan tâm đến bài vở, nhiều khi tôi nhảy tường trốn ra ngoài ngồi quán nét, đi đánh bài… cùng các anh chị lớn. Trong khi, đặc thù trường tôi lại là trường nội trú. Bất cứ giờ nào, dù buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối cũng là giờ học. Và tuyệt nhiên, học sinh ở trong trường thì phải chịu sự quản lý của các thầy cô hoặc các bác bảo vệ, quản trường. Tôi làm loạn nội trú lúc nửa đêm. Trốn tập thể dục buổi sáng. Không mặc váy dân tộc lúc chào cờ. Tôi hùa vào với các anh chị lớp trên đánh nhau, khi nhìn thấy đứa nào "ngứa mắt”. Không trực tiếp đánh bạn, nhưng tôi cũng "đồng lõa” đứng đó, thậm chí cổ vũ như xem trò hay. Cộng thêm những giờ bỏ tiết đi chơi, những buổi nói chuyện riêng trên lớp… tôi chính thức bị đuổi học. 
 
Tôi chuyển qua một trường cấp 2 gần nhà. Thành tích dù kém nhưng cũng chưa đến nỗi bị lưu ban nên vẫn trở thành học sinh cấp 3. Lúc này, tôi vẫn không từ bỏ những trò nghịch ngợm bất hủ của mình: nhẹ thì dán giấy vào lưng bạn khi lên bảng để trêu đùa, nặng hơn thì giả chữ ký phụ huynh, nhờ người làm phụ huynh đi họp đối phó với thầy cô giáo, lấy sách vở của các bạn cùng lớp… Tôi nổi tiếng ở trường vì những cái tát cảnh cáo cả "mấy đứa đàn em” khi "sai” đi mua vở, mua đồ ăn vặt mà không được. Hình thức tôi lúc đó rất nổi loạn: tóc tém như con trai, nhuộm xanh đỏ đủ cả, diện đủ thứ "mốt” sành điệu. Bố mẹ tôi lo lắng, đau khổ khi cô con gái ngoan ngày nào trở nên nổi tiếng và tai tiếng khắp cả vùng nhưng khuyên bảo thế nào cũng không được… 
 
Nhưng thực sự, trong tôi chỉ có suy nghĩ, làm sao để mọi người thấy mình là đặc biệt, biết đến mình thật nhiều. Coi mình là một đứa cá tính, xinh đẹp… chứ không hề muốn mình cá biệt. Những trò nghịch ngợm, hỗn láo ấy đến giờ tôi vẫn nhớ.
 
Thay đổi khi chưa quá muộn
 
Tôi lấy chồng năm 17 tuổi, khi ấy tôi đang học học kỳ 2 của lớp 11. Bố chồng biết tôi là một "học sinh hư” nhưng không có ý kiến nhiều. Ông đã khiến cho tôi thay đổi. Ông bảo tôi rằng, "chỉ cần con nhuộm lại tóc đen, và tiếp tục đi học bình thường thì bố sẽ đồng ý cho hai đứa lấy nhau”. Cô giáo chủ nhiệm tôi khi ấy cũng đã đến bên tôi và an ủi, hãy cố đi học cho hết cấp 3. Muốn thành công trước hết em phải thành người. Và tôi đã thật sự thay đổi! 
 
Dù những người bạn "kề vai sát cánh” với tôi khi trước có nói những lời mỉa mai, có rủ rê tôi vào những cuộc chơi không đầu không cuối, tôi đều bỏ ngoài tai hết. Làm một học sinh nghiêm chỉnh không có gì xấu cả. Những người bạn biết thương yêu nhau, là những người bạn phải cùng nhau phấn đấu vì một mục tiêu của tương lai. Chứ không phải cùng rủ nhau "đánh hội đồng” một người yếu thế… Khi ấy tôi mới hiểu được tầm quan trọng của bạn bè, của thầy cô. Họ dạy cho tôi biết nghĩ về bố mẹ mình, nghĩ về tương lai mai sau khi tôi có một gia đình nhỏ. Và chính sự nghiêm túc ấy cho tôi sống đúng với lứa tuổi học trò nhiều ước mơ hoài bão, nhiều kỷ niệm khi phải nói chia xa.
 
Bất cứ ai cũng có một quá khứ, một tuổi học trò đầy ắp sự hồn nhiên. Học sinh của tôi bây giờ nhiều em cũng nghịch đủ trò. Tôi không bao giờ nặng lời hay đánh các em cả. Tôi gần gũi với các em, giúp các em hiểu đâu là giới hạn các em được phép vui đùa, những thứ nào sẽ đánh mất đi sự ngây thơ của các em. 
 
Con trai hay con gái, chỉ cần nghe nói đến đánh nhau, bị đuổi học thôi đã là những vết đen rất lớn trong cuộc đời của bất cứ một người nào. Và thành công có thể sẽ khó đến được, nếu cứ chìm đắm mình trong những giây phút trói buộc cuộc đời ấy. Tôi chỉ muốn các em học sinh đang như tôi ngày ấy hiểu rằng, trò chơi nào cũng có giới hạn, nghịch ngợm nào rồi cũng sẽ để lại dấu ấn khó quên. Hãy làm sao cho tuổi học trò của mình luôn ý nghĩa. 
 
Hãy nghịch vừa đủ, yêu thương vừa đủ… và chắc chắn phải thành công!
 
Nguyễn Ngọc Ánh (Ba Vì - Hà Nội)

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ