A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảm nhận từ "Tiếng trống khuyến học"

09:57 | 11/10/2015

Vừa rồi có dịp về quê, tôi nhận thấy nhiều sự đổi thay ở quê hương mình. Ngoài phát triển về kinh tế - xã hội, về chất lượng cuộc sống của người dân, tôi đặc biệt tâm đắc với mô hình “tiếng trống khuyến học”.

Xưa nay, quê tôi vẫn có truyền thống hiếu học, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, gia đình, dòng họ từ trước đến nay đều rất quan tâm đến việc học của con cái song điều đặc biệt là công tác khuyến học được triển khai ngày càng phong phú về hình thức.

Cứ vào 19 giờ tối hằng ngày, trên loa truyền thanh xã lại phát ra những âm vang quen thuộc: một hiệu lệnh bắt đầu là mấy tiếng trống, rồi đến lời nhắc nhở chậm rãi của lãnh đạo Hội khuyến học xã: “Bây  giờ  đã  đến  giờ  ngồi  vào  bàn  học, đề  nghị  các  bậc  phụ  huynh  tắt  ti  vi, vặn nhỏ  âm  thanh, nhắc  nhở  con  em ngồi  vào bàn  học”…  Sau khi nhận được hiệu lệnh, tất cả học sinh trên địa bàn xã tự giác ngồi vào bàn học tập; người lớn trong gia đình cũng giảm nhỏ âm lượng máy thu thanh, thu hình, nhắc nhở con em học tập nghiêm chỉnh. Cách làm này đã diễn ra nền nếp, trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt hằng ngày của các thôn, xóm, tạo cho các em học sinh có thói quen chuyên tâm học tập, tiến bộ. Trong những ngày ở quê, tiếng trống khuyến học gợi cho tôi cảm giác ấm áp tình người, tinh thần cộng đồng vững chắc ở khu dân cư quê mình.

Lực lượng cốt cán trong hội khuyến học là những cán bộ xã, thôn, các giáo viên, cán bộ đã nghỉ hưu và những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Phong trào khuyến học vì vậy được xây dựng và đi sâu vào các nhà trường, khu dân cư. “Tiếng trống khuyến học” hằng đêm không chỉ nhắc nhở các em học sinh tự giác học tập mà còn góp phần thay đổi nhận thức của nhiều cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc học của con em mình. Từ đó, các hộ gia đình trên địa bàn đã có nhiều hành động thiết thực nhằm chăm lo, quản lý, giáo dục con em học tập, xây dựng được nền nếp học tập, ý thức tự rèn luyện, giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc học đối với tương lai của chính mình, hạn chế tình trạng học sinh ham chơi, đua đòi, vi phạm pháp luật... Tiếng trống đã trở thành hiệu lệnh quen thuộc, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục trên quê hương tôi.

Từ “tiếng trống khuyến học” của quê mình, tôi mong lắm tiếng trống ấy sẽ lan tỏa đến nhiều địa phương, nhiều vùng đất nước…

Hồng Nghĩa

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ