A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Áp lực cuối năm học

15:52 | 21/05/2016

Năm học 2015-2016 chuẩn bị kết thúc. Đây là thời điểm mà các giáo viên tiểu học quay cuồng với hàng loạt các loại sổ sách: Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ chủ nhiệm, sổ công tác cá nhân, sổ sinh hoạt lớp…

Trong đó, để đánh giá được học sinh ở 3 khía cạnh: Kiến thức kĩ năng các môn học, năng lực, phẩm chất như quy định của Thông tư 30 đề ra đòi hỏi rất nhiều thời gian. 
 

Ảnh minh họa.

Gánh nặng càng trở nên khó khăn 

Chị Minh Ngọc (KĐT Tứ Hiệp Hồng Hà, Thanh Trì, Hà Nội) có con trai đang học lớp 2 ở trường Tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, trường của con chị đã thi học kỳ II xong cách đây một tuần. Chương trình chính khoá cũng đã hoàn thành, giờ đến lớp cô chỉ ôn tập các dạng bài cho con. Nhưng như chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm, cô chỉ có thể giao bài tập để các con tự làm còn mình phải tranh thủ ghi nhận xét vào các loại sổ sách để còn kịp nộp về nhà trường trước khi kết thúc năm học. “Lớp con tôi có 50 cháu, khá đông do dân cư của khu đô thị mới chuyển về. Cô giáo hàng ngày phải xem, sửa bài và ghi nhận xét cụ thể cho 50 con như vậy tôi là phụ huynh cũng rất thông cảm. Nay lại làm một loạt sổ sách thực ra là cho xong nghĩa vụ chứ không biết có ai đọc không, tôi nghĩ rất lãng phí. Thời gian ấy để cô dạy trò những kiến thức mới về cuộc sống hoặc củng cố kiến thức đã học có phải đỡ lãng phí hơn không”. 

Giảm việc ghi chép sổ sách là mong mỏi chính đáng của giáo viên đã đề xuất từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thay đổi được là bao. Sau khi Thông tư 30 ra đời, gánh nặng này càng trở nên khó khăn hơn vì bây giờ giáo viên phải đánh giá học sinh theo ba khía cạnh: Kiến thức kĩ năng các môn học, năng lực, phẩm chất. Năng lực như tự học tập, tự phục vụ, tự quản, tự làm việc nhà... Phẩm chất như là có ý thức, đoàn kết, kỷ luật... Còn kiến thức thì chính là thực hiện các môn học như Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Đạo đức, Thể dục... Phẩm chất, năng lực của mỗi em ở các khía cạnh không giống nhau. Thậm chí ở từng môn học cũng có sự chênh lệch lớn. Nếu ghi một cách tỉ mỉ, đầy đủ vào tất cả các loại sổ thì không thể kịp trong khoảng thời gian nhà trường quy định nên chúng tôi dù tranh thủ mọi lúc, mọi nơi cũng chỉ có thể viết cho xong, viết cho đủ. Nhận xét thực sự thì chúng tôi cố gắng tối đa sự trao đổi thường xuyên với phụ huynh để gia đình phối hợp dạy dỗ, quan tâm các em”- một giáo viên trường Tiểu học Tứ Hiệp bày tỏ. 

Viết nhận xét mà giống như đang chép phạt

Vì gấp, vì nhiều và vì làm xong không biết có ai đọc hay không nên khó trách giáo viên chỉ làm cho hết, cho xong mà không kịp đọc lại những dòng nhận xét do chính mình viết ra. Nhất là khi có hàng loạt sổ sách thì việc viết đi viết lại một lời nhận xét cũng gây ra sự nhàm chán cho giáo viên nhưng sẽ là phương án an toàn được nhiều thầy cô lựa chọn. Cách làm này cũng giống như những con dấu in lời nhận xét sẵn do các thầy cô đặt làm để giảm tải việc viết nhận xét cho mấy chục cuốn vở mỗi ngày. 

Không bàn đến chất lượng của những lời nhận xét có sát với thực tế hay không, chỉ tính riêng việc điền đầy những cuốn sổ này đã tốn không ít thời gian, nhất là với những lớp học có sĩ số đông. Đến nỗi, nhiều giáo viên tiểu học nói vui rằng “viết nhận xét mà giống như đang chép phạt” hẳn đáng để những nhà quản lý giáo dục suy ngẫm. 

Nhìn nhận thực trạng này, Ths Hoàng Tùng- Giám đốc điều hành trường Tiểu học song ngữ Brendon cho biết, rất chia sẻ với nỗi khổ của giáo viên ở những lớp có sĩ số học sinh đông. “Ở những nước có nền giáo dục phát triển như Australia, Anh, Thuỵ Điển... giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến hết lớp 6 không có bất cứ kỳ thi và chẳng có điểm số nào, hoặc họ chấm 1 đến 2 môn rất chung chung là A, B, C... để học sinh và phụ huynh không bị áp lực về điểm số, thi đua. Họ đánh giá học sinh toàn diện từ ngôn ngữ, toán, tự nhiên xã hội, thể dục, mỹ thuật và đặc biệt các kỹ năng ứng xử hành động cơ bản của lứa tuổi. Trong khi đó, chúng ta thường đánh giá học sinh tiểu học bằng điểm số, bằng những cuộc thi, bằng những bài toán khó, lời văn phức tạp... Bây giờ thay đổi cách đánh giá để lứa tuổi tiểu học giảm tải áp lực, sống hồn nhiên, đúng lứa tuổi hơn, giống như học sinh điều này rõ ràng có lợi cho học sinh, giảm thiểu được “bệnh” thành tích thì rất nên làm. Bên cạnh việc giảm tải cho học sinh thì cũng cần giảm tải cho giáo viên, nhất là những công việc mang tính hình thức, công thức có thể bớt được như ghi chép các loại sổ sách giống nhau. Giáo viên dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, tăng cường đổi mới phương pháp, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh hoàn thành tốt nội dung chương trình học tập, rèn học sinh phát triển năng lực, phẩm chất, giúp các em ngày càng tiến bộ, phát triển toàn diện như đúng tinh thần của Thông tư 30”.

     Thu Hương 

 

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ