A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đi tìm phương án tuyển sinh

09:44 | 05/01/2017

201 trường Cao đẳng và 303 trường Trung cấp chuyên nghiệp đã được Bộ GD-ĐT chính thức bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về cho Bộ LĐ-TBXH quản lý từ hơn một tháng nay.

Mùa tuyển sinh đang đến gần nhưng hiện các trường vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào về chương trình đào tạo, quy chế tuyển sinh… Thêm việc Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ điểm sàn ĐH khiến lãnh đạo các trường không khỏi lo lắng.
 

Các trường trung cấp nghề đang rất khó khăn trong việc tuyển sinh.

Loay hoay phương án tuyển sinh

Trong buổi họp giao ban lần 1 năm học 2016-2017 khối giáo dục chuyên nghiệp do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, đại diện trường trung cấp Phương Nam cho biết đến thời điểm này nhà trường chưa nhận được văn bản chính thức hướng dẫn trường thuộc cơ quan nào quản lý. Vì vậy, trong phần đăng ký thông tin tuyển sinh vẫn chưa rõ sẽ ghi hệ gì.

Tương tự, trường trung cấp Bách khoa Sài Gòn cũng bày tỏ băn khoăn vì không rõ khi chuyển giao cơ quan quản lý, chương trình có thay đổi? Việc giới thiệu về trường ở các kênh cũng bị lúng túng, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến công tác tuyển sinh vốn đã rất khó khăn những năm qua. 

Đối với trường Cao đẳng Bách Việt (TP HCM), vấn đề chương trình cũng là một nỗi lo lắng vì theo Khung chương trình đào tạo tại các trường CĐ nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH quy định 70% thực hành và 30% lý thuyết. Trong khi của Bộ GD-ĐT là 50-50. “Đó là theo các văn bản đã có, không biết khi có hướng dẫn chính thức có thay đổi gì không nên chúng tôi vẫn chưa có quyết định điều chỉnh nội dung mặc dù nhà trường cũng đang lên phương án chuẩn bị”, đại diện nhà trường cho biết.

Về phía các Sở GD-ĐT khi được hỏi đều cho biết chưa có thông tư hướng dẫn để các sở GD-ĐT tham mưu cho UBND về công tác bàn giao. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cũng thừa nhận đến nay chưa có thông tư hướng dẫn, trong khi mùa tuyển sinh năm 2017 đã đến rất gần nhưng mã ngành, chỉ tiêu… như thế nào thì các trường vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng. 

Bài toán khó

Câu chuyện tuyển sinh khó khăn của các trường CĐ, TCCN lâu nay không phải là vấn đề mới được đặt ra. Theo Dự thảo quy chế tuyển sinh do Bộ LĐTB&XH công bố, các trường cao đẳng có thể tuyển sinh quanh năm tưởng như là một quy định mở cửa cho cao đẳng nhưng thực tế nếu được triển khai, hiệu quả đến đâu thì chưa thể khẳng định. 

Bởi hiện nay, các trường trung cấp thường tuyển sinh cả 4 mùa với nhiều ưu đãi về học phí, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp… nhưng việc thu hút thí sinh vẫn vô cùng khó khăn. Đặc biệt là các trường trung cấp ngoài công lập trong cuộc cạnh tranh về học viên thường không mấy khả quan. 

Báo cáo của trường trung cấp Phương Nam cho thấy cùng thời điểm này ở mùa tuyển sinh năm ngoái, nhà trường nhận được 100 bộ hồ sơ thì nay mới lác đác vài chục hồ sơ. Ít đã đành, ngay cả khi học viên đã nhập học thì việc “giữ chân” các em đến khi hoàn thành khoá học cũng rất gian nan. Bởi so với hệ thống trường trung cấp hệ công lập hoàn toàn không mất học phí, các trường ngoài công lập yêu cầu học viên phải ứng học phí ngay từ khi nhập học, sau đó mới về địa phương hoàn trả. Thủ tục này gây phiền hà cho học viên nên nhiều người không mặn mà. Chưa kể riêng địa bàn TP HCM, việc hoàn lại tiền học phí cho các em học trường trung cấp ngoài công lập chưa được giải quyết khiến cho các trường cứ… rơi rụng dần số học viên ít ỏi!

Trong khi đó, theo hướng dẫn 3841 giữa Sở GD-ĐT, Sở Tài chính và Sở LĐ-TB&XH TP HCM về thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HS-HV từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021, học phí đối với giáo dục nghề nghiệp và ĐH được thực hiện mức trần học phí tương ứng từng ngành, nghề đào tạo tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Cụ thể nếu mức học phí thực tế  thấp hơn hoặc bằng mức trần quy định này thì áp dụng mức học phí thực tế; còn nếu mức học phí cao hơn hoặc bằng mức trần quy định tại nghị định này thì áp dụng mức trần quy định học phí. 

Giải đáp thắc mắc này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiến nghị để việc chi trả học phí thuận lợi nhất cho học viên. Những trường nào gặp khó khăn về vấn đề này cần liên hệ sớm với Sở GD-ĐT để có cách giải quyết kịp thời…

Một lo lắng khác của đại diện nhiều trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là khi chuyển giao cơ quan quản lý, tâm lý xã hội vẫn chưa kịp thay đổi nên không chỉ phụ huynh mà ngay cả học sinh cũng “chê” trường nghề. Tâm lý phải học ĐH, làm thầy hơn làm thợ,… cộng với việc “rộng cửa” vào ĐH nếu bỏ quy định điểm sàn lại càng khiến cho công tác tuyển sinh của các trường rơi vào “thế bí”. 

“Mặc dù khẳng định chất lượng đào tạo vẫn phải được đặt lên hàng đầu nhưng trong bối cảnh hiện nay, các trường lo ngại nếu chỉ vài chục bộ hồ sơ thì làm sao duy trì hoạt động chứ chưa nói đến nâng cao chất lượng cũng là điều đáng phải suy ngẫm” – một chuyên gia giáo dục nêu ý kiến. 

    Bình Dương

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ