A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chú trọng năng lực giáo viên

09:05 | 20/12/2017

Hội thảo “Nâng cao năng lực cho giảng viên các trường sư phạm về chương trình giáo dục phổ thông mới” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo đó, cùng với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, việc nâng cao năng lực các trường sư phạm, trong đó nòng cốt là đội ngũ giảng viên là rất quan trọng.
 

Cô và trò.

Tập trung bồi dưỡng giáo viên 

Song song với các dự án hướng tới đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục như dự án giáo dục trung học cơ sở vùng khó khăn, dự án về chương trình SGK giáo dục phổ thông…

Bộ GD&ĐT đã cho ra đời dự án giáo dục ETEP với mục tiêu nâng cao năng lực các trường sư phạm, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hội thảo lần này nhấn mạnh với vai trò của giáo viên, bởi đây là lực lượng đóng vai trò then chốt trong công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, ngay từ bây giờ, đội ngũ giảng viên các trường sư phạm cần phải được quan tâm bồi dưỡng và phải trực tiếp tham gia vào các hoạt động đổi mới chương trình, SGK, để vừa nâng cao năng lực, vừa bám sát, cập nhật những yêu cầu cũng như nội dung mới nhất của chương trình giáo dục phổ thông.

Trước đó, việc phát triển năng lực cho đội ngũ giảng viên sư phạm đã được giao cho chương trình ETEP. Nhưng không chỉ giới hạn ở 7 trường ĐH sư phạm chủ chốt và Học viện quản lý giáo dục, mà còn mở rộng tới các trường ĐH sư phạm đặc thù và các trường ĐH khác trên cả nước có đào tạo giáo viên.

Trong Chương trình của ETEP, có một nội dung quan trọng là tổ chức các khóa bồi dưỡng, các hội nghị, hội thảo để nâng cao năng lực cho các giảng viên sư phạm chủ chốt – những giảng viên có uy tín chuyên môn, có năng lực phát triển chuyên môn nghề nghiệp và có sức lan tỏa, ảnh hưởng tích cực tới những giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khác. 

PGS TS Nguyễn Thuý Hồng - phó giám đốc chương trình ETEP chia sẻ: Chương trình ETEP được xây dựng từ thực tiễn có bối cảnh Việt Nam khi tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nếu các trường, các giảng viên không thay đổi thì bằng thời điểm này năm tới chúng ta cũng đã lỗi nhịp với công cuộc đổi mới về mọi mặt, từ công nghệ thông tin, kỹ năng giảng dạy… 

Về thực hiện chương trình ETEP, bà Hồng cho biết: Nhóm thực hiện dự án có kế hoạch thực hiện theo các giai đoạn: Bước đầu, từ năm 2017, chương trình hướng tới bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên cốt cán.

Và hội thảo lần này là hội thảo đầu tiên của chương trình, có sự tham gia của 380 giảng viên cốt cán. Những giảng viên này có trách nhiệm nhân lên thành 1.600.

Nghĩa là một giảng viên có sức ảnh hưởng tới 1.600 người giáo viên. Họ được tham gia bồi dưỡng trực tiếp, tiếp cận các mô đun bồi dưỡng khác nhau, có trách nhiệm hỗ trợ đồng nghiệp; Giai đoạn hai (2018-2020), chương trình bồi dưỡng cho 28.000 giáo viên cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cốt cán, bồi dưỡng trực tiếp kết hợp gián tiếp; Giai đoạn ba (2019-2021) sẽ bồi dưỡng giáo viên đại trà, hình thức bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp, gồm 850.000 giáo viên phổ thông toàn quốc, 70.000 cán bộ quản lý. 

Theo Bộ GD&ĐT, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo chương trình môn học,  Bộ tiếp tục để cho các trường, các giáo viên nghiên cứu và góp ý chương trình tổng thể, chương trình môn học. Từ đó tiếp thu để có chương trình sát thực tiễn. 

Vẫn nhiều băn khoăn 

Các giảng viên có mặt tại Hội thảo đã có những đối thoại, góp ý với Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như Ban quản lý dự án ETEP. Giảng viên Âu Vĩnh Anh (ĐHSP Vinh) chia sẻ sự quan tâm đến vấn đề tâm sinh lý trẻ có được đưa ra trong chương trình giáo dục phổ thông mới hay không?

Về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thiết kế phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Bởi đây là yêu cầu được Ban soạn thảo rất chú ý.

Khi đưa chương trình ra sẽ có hỏi ý kiến các thầy cô, học sinh, đặc biệt sẽ cho dạy thử vài bài.

Những hội thảo như thế này chính là dịp để Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hỏi ý kiến các thầy cô, cùng các thầy cô bàn về từng chương trình môn học... 

Giảng viên Nguyễn Thị Minh Vân (ĐH Quy Nhơn) cũng băn khoăn, trong chương trình mới có nói đến việc hình thành các phẩm chất chung như yêu nước, trung thực, trách nhiệm… các phẩm chất này có tính chất ngang hàng không hay ưu tiên…

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nếu nói phẩm chất nào quan trọng hơn thì là vấn đề rất lớn, nên Ban soạn thảo dựa vào thứ tự trong Nghị quyết trung ương đã nêu.

Hay đại diện trường ĐHSP Kỹ thuật Hưng Yên nêu quan điểm, trong quá trình đào tạo nên quan tâm đến mối quan hệ giữa trường phổ thông và đại học, kết nối giữa hai bậc học này ra sao…

Tại hội thảo, những ý kiến đóng góp đều nhằm góp phần hoàn thiện các văn bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới trước khi Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.    

Thủy Anh

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ