A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đối mặt với “tích hợp thi”

14:31 | 12/09/2014

Như một phép thử đắc dụng, kỳ thi quốc gia chung duy nhất áp dụng từ 2015 Bộ GD&ĐT vừa công bố đang làm rõ những vấn đề đặt ra khi tích hợp hai kỳ thi phổ thông và ĐH, ...

... đồng thời báo động tâm lý "học để thi” vẫn tạo áp lực lớn. Soi vào guồng thi mới, nhiều người chỉ chăm chăm mình được lợi hay thiệt gì cho khát vọng điểm cao, đỗ đạt. Một khi các trường ĐH có quyền tự chủ trong tuyển sinh, Bộ vẫn "om” vào kỳ thi chung hai loại cụm thi - cụm do địa phương quản thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT và cụm do trường ĐH quản thí sinh thi cả vào CĐ, ĐH - xã hội tất yếu càng hoang mang. Rất nhiều câu hỏi sát sườn đặt ra bị bỏ lửng…

 
Vững bước thi cử - Ảnh: Hoàng Long
 
Bộ GD&ĐT cho biết ngoài 4 môn thi bắt buộc để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhưng các trường ĐH để chắc chắn chất lượng "đầu vào”, nếu họ bắt thi thêm các môn mà Bộ đã cho thi trong kỳ thi quốc gia thì sẽ ra sao? Áp lực thi cử với thí sinh liệu kém gì phải qua 2 kỳ thi trước đây?
 
Đành rằng các trường ĐH sẽ công bố phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi chung, công bố môn thi thêm để xét tuyển từng ngành. Nhưng nếu để xét tuyển, họ không sử dụng tổ hợp ba môn theo các khối thi như trước (toán, lý, hóa, hay văn, toán, ngoại ngữ…), mà sử dụng nhiều các tổ hợp môn khác, thí sinh biết đằng nào lần. Các trường dựa trên ngưỡng điểm tối thiểu đối với từng môn do Bộ GD&ĐT công bố để tuyển, nghĩa là xét điểm sàn từng môn chứ không phải 3 môn. Cách tính này cũng phức tạp hơn trước. 
 
Đó là chưa kể điểm rất khác, Bộ cho là điểm mới ưu việt, là thí sinh sẽ đăng ký ngành học sau khi thi THPT quốc gia, không đăng ký trước như mọi năm. Mỗi học sinh sẽ có bao nhiêu nguyện vọng? Quan trọng hơn, các trường ĐH công bố điểm xét tuyển trước hay sau khi học sinh nộp hồ sơ đăng ký? 
 
Nếu thí sinh nộp trước để trường lấy làm căn cứ, sau đó công bố điểm xét tuyển, thì làm sao học sinh biết được trường nào có điểm xét tuyển phù hợp với điểm của mình mà ghi nguyện vọng? 
 
Dường như Bộ GD&ĐT đã gắng sức, nỗ lực kịp trả món nợ "chốt phương án thi” gần ngay sau khai giảng, không phụ sự chỉ đạo của lãnh đạo đất nước, sự chờ đợi của công luận. Nhưng có lẽ áp lực chạy đua với thời gian đè nặng, "Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015” được quyết vội còn thiếu chu đáo. Chưa đến nỗi "lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” thì cũng mới thấy phần xương cốt, chưa rõ hình hài, khí sắc, phong vận... 
 
Quá nhiều câu hỏi thiết thân được đặt ra nhưng còn bỏ ngỏ, chưa được lý giải cặn kẽ. Có thể thấy điều này ở cuộc giao lưu trực tuyến hôm qua 11-9, giữa quan chức Bộ GD&ĐT, chuyên gia GD, với độc giả báo điện tử VTC News về kỳ thi quốc gia 2015.
 
"Bộ có phát hành cuốn "Những điều cần biết về kỳ thi THPT quốc gia 2015?”. Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa cho biết: Quy chế tuyển sinh 2015 Cục Khảo thí đang khẩn trương xây dựng trình lãnh đạo Bộ ban hành, dự kiến vào đầu năm 2015. Vậy là lộ trình hiện thực hóa phương án thi mới qua "Quy chế tuyển sinh 2015” chưa rõ ràng. Hàng loạt câu hỏi nóng liên quan đến kỳ thi "đại mới” vẫn treo đấy. 
 
Kế thừa những thành công, ưu điểm của các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, nhất là năm 2014, là rất nên. Nhưng cách tổ chức thi và sử dụng kết quả thi vào xét tốt nghiệp và tuyển sinh đều chưa rành mạch chi tiết về nguyên tắc. Thí sinh như một cổ hai tròng, vừa phải thi theo quy định của kỳ thi chung quốc gia, vừa tùy thuộc vào quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, không thể không mệt mỏi. 
 
Dường như tham vọng Bộ muốn "đoàn kết nhất trí cao” giữa khối phổ thông và khối ĐH, CĐ, ai cũng có phận, có phần trong kỳ thi mới, đã „chia việc" khá hình thức cho cả hai khối. Toàn bộ logic của cải cách GD phản ánh trong "tích hợp thi” chưa cho thấy Bộ đã thật sự vì hàng triệu học sinh.
 
Việc một người có bằng trung học, ĐH và hơn thế, không đồng nghĩa họ có đầy đủ kỹ năng mà thị trường lao động cần. Một lĩnh vực nóng của GD giờ đây chính là trang bị kỹ năng về nhận thức, hành vi, cho học sinh sinh viên, thay vì chỉ các kỹ năng kiến thức, kỹ năng kỹ thuật. Cải cách CT và SGK, đào tạo lại giáo viên, mở rộng quyền tự chủ ĐH… đều hướng tới mục tiêu nâng cao kỹ năng toàn diện cho người học. Đổi mới thi cử không nằm ngoài mục tiêu đó.
 
Đối mặt với "tích hợp thi” áp dụng từ 2015, một mắt xích quan trọng trong hệ thống đánh giá học sinh, phải được coi là cơ hội làm mới về nhận thức thi cử với toàn ngành, toàn xã hội. Đảm bảo để kỳ thi "tích hợp” sẽ không phản ánh những gì học sinh thuộc lòng, mà kiểm tra được khả năng giải quyết vấn đề của học sinh. Họ có thể xử lý các đề bài không quen thuộc không, có áp dụng được nội dung đã học trong bối cảnh khác không.... Tất cả liên quan đến chuyện vận hành của hệ thống học và dạy, quản lý và đánh giá thi cần khác đi, chứ không quẩn quanh với việc thi mấy môn, mấy cụm, mấy nguyện vọng, trường ĐH nào được chọn "chỉ huy” cụm thi…
 
Điều quan trọng nữa, là không thể để mặc các nhà trường giáo dục học sinh các kỹ năng nhận thức, hành vi, nhất là nhận thức về kỳ thi mới. Cha mẹ học sinh và truyền thông phải hòa nhập hơn với tiến trình đổi mới giáo dục, mới mong làm nhạt dần định kiến thâm căn cố đế "học để thi”. 
 
Học sinh tiểu học giờ đây đang tạm biệt câu hỏi "hôm nay con được mấy điểm”. Học sinh bậc trên không thể khác, hãy dứt khoát chia tay lời đe nẹt "không vào ĐH thì khốn nạn cuộc đời con”. Hãy học để chọn con đường vào đời theo cách riêng ý nghĩa. Tự tìm cho mình câu trả lời đích đáng "học để làm gì”, vững bước thi cử, vượt qua sóng gió, vào đời một cách tự tin.
 
Thanh Như

 

    nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ