A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Mở rộng mô hình dạy văn hóa kết hợp dạy nghề

06:00 | 01/12/2014

Cả nước hiện có 45 tỉnh, thành phố thực hiện dạy văn hóa kết hợp dạy nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Ở Dak Lak, mô hình đào tạo này được ngành Giáo dục triển khai từ năm học 2013-2014, bước đầu nhận được sự đồng thuận của học sin

 “Điểm sáng” Krông Năng

Trung tâm GDTX Krông Năng là một trong 3 đơn vị tiên phong triển khai mô hình “dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề” cho học viên (HV). Ông Nguyễn Tài Hùng, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Nhiều năm làm công tác quản lý, tôi thấy HS học bổ túc văn hóa có ít khả năng theo học các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Vì vậy, năm học 2013-2014 ngành có chủ trương mở rộng việc học văn hóa kết hợp với đào tạo nghề, Trung tâm đã liên kết với Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ mở 4 lớp trung cấp nghề: Kế toán, Lâm sinh và Hàn cho HS khối lớp 10”.

Lúc đầu, việc triển khai mô hình gặp nhiều khó khăn, bởi tâm lý của hầu hết phụ huynh đều mong muốn con mình tiếp tục học lên ĐH, CĐ sau khi tốt nghiệp THPT, không muốn cho con học nghề ngay khi hoàn thành chương trình THCS. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, Ban Giám đốc Trung tâm đã phân tích giúp phụ huynh hiểu rõ năng lực của con em, cũng như ưu điểm của việc học đồng thời 2 chương trình. Cùng với đó, Trung tâm còn tư vấn để HS chọn nghề phù hợp năng lực, sở trường. Ông Hùng cho biết thêm, để mô hình lồng ghép dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề đạt hiệu quả cần có sự liên kết chặt chẽ giữa trung tâm với các cơ sở dạy nghề từ khâu tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS. Khi tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh đầu vào lớp 10 nên thực hiện luôn các thủ tục cần thiết như: photocopy học bạ THCS, giấy khai sinh, công chứng các loại giấy tờ liên quan, kể cả phân loại nhóm đối tượng ưu tiên được hưởng trợ cấp xã hội, giảm bớt phiền hà cho phụ huynh, HS. Với những biện pháp trên, từ chỗ dè dặt, băn khoăn, phụ huynh đã đồng thuận cho con học cùng một lúc 2 chương trình. Bằng chứng, năm học đầu tiên (2013-2014) chỉ có 126 HS lớp 10 đăng ký học 3 ngành: Lâm sinh, Cốt thép hàn và Kế toán, thì năm học này có 364 em đăng ký học nghề”.

Tiết học văn hóa tại Trung tâm GDTX thị xã Buôn Hồ.

Tiết học văn hóa tại Trung tâm GDTX thị xã Buôn Hồ.

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Nhiều vấn đề liên quan đến mô hình đào tạo “dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề” đã được “mổ xẻ” tại Hội nghị nâng cao chất lượng GDTX năm học 2014-2015 do Sở GD-ĐT tổ chức tại Trung tâm GDTX thị xã Buôn Hồ vào đầu tháng 11 vừa qua. Đa số các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, đây là mô hình hay, là giải pháp thiết thực góp phần thực hiện tốt chủ trương phân luồng HS sau THCS vào học nghề hoặc trung học chuyên nghiệp. Nếu các HS có học lực trung bình hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn chọn hướng vừa học văn hóa vừa học nghề thì sau 3 năm sẽ có cả hai bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT các em có thể tìm kiếm việc làm để nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình. Cùng với đó, với bằng trung cấp chuyên nghiệp, các em có thể tiếp tục học liên thông lên CĐ (nếu có nhu cầu). Ngoài ra, tùy theo đối tượng, HS còn được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội, đây là nguồn kinh phí tuy không lớn nhưng kịp thời hỗ trợ các em trong quá trình học tập. Với những ưu điểm trên, mô hình này đang được nhiều trung tâm GDTX trong tỉnh triển khai, phụ huynh, HS đồng tình ủng hộ. Năm học 2013-2014, có 3 trung tâm GDTX là Krông Năng, Cư M’gar và Krông Năng tổ chức dạy lồng ghép văn hóa với trung cấp nghề chính quy cho hơn 400 HS, trong đó hơn 60% là HS dân tộc thiểu số, thì năm học 2014-2015, có thêm Trung tâm GDTX tỉnh thực hiện, với tổng số 820 HS. Hiện, trung tâm GDTX Krông Ana, Krông Pak, M’Drak đang lập kế hoạch triển khai hoạt động dạy nghề cho HS trong năm học này.

Tuy nhiên, tại Hội nghị trên, một vài đại biểu quan ngại, vấn đề giải quyết việc làm cho HS sau tốt nghiệp của một số nghề còn hạn chế; chưa có cơ chế phối hợp, đặt hàng giữa các cơ sở  sản xuất, doanh nghiệp với các trung tâm GDTX, đào tạo nghề; việc liên kết đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và xã hội chưa được quan tâm đúng mức… Đặc biệt, chất lượng tuyển sinh đầu vào hệ GDTX thấp, khả năng tiếp thu đồng thời hai chương trình THPT và nghề gặp nhiều khó khăn, chưa kể các em còn học thêm chứng chỉ nghề phổ thông nhằm cộng điểm xét tốt nghiệp. Chia sẻ những khó khăn với các đơn vị trong quá trình thực hiện, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, của ngành Giáo dục nhằm góp phần đẩy mạnh công tác phân luồng HS sau THCS và THPT, đồng thời tạo nguồn nhân lực lao động có chất lượng cao cho xã hội. Để mô hình thành công cần sự vào cuộc của nhiều phía: nỗ lực của học sinh, gia đình, đơn vị dạy văn hóa và cơ sở dạy nghề. Về phía học sinh, cùng một lúc học 2 chương trình là rất nặng, do đó cần phải có thái độ, động cơ học tập rõ ràng; phụ huynh cần quan tâm, tạo điều kiện về thời gian để các em yên tâm học tập; còn các cơ sở dạy văn hóa và dạy nghề cần phối hợp chặt chẽ, linh hoạt trong xây dựng nội dung, chương trình học, sắp xếp thời khóa biểu khoa học, bảo đảm tiến độ chung của 2 chương trình đào tạo, tránh quá tải cho HV; quá trình đào tạo cần có chương trình để HS thâm nhập thực tế tại các đơn vị sản xuất liên quan đến ngành nghề đào tạo; gắn quá trình đào tạo nghề với tổ chức sản xuất, dịch vụ nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề cho HV.

Nguyên Hoa

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ