A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Không thi tuyển vào lớp 6: Giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh

14:13 | 12/12/2014

Chủ trương “không tổ chức khảo sát học sinh (HS) đầu năm học, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6” của Bộ GD-ĐT (Chỉ thị số 5105, ngày 3-11-2014 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm (DTHT) đối với giáo dục tiểu học) ...

... và Hướng dẫn số 1912, ngày 2-12-2014 của Sở GD-ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị 5105 nhận được sự đồng thuận của đông đảo phụ huynh, HS, cán bộ quản lý và giáo viên.

Chỉ thị 5105 nêu rõ: “Trong thời gian vừa qua Bộ GD-ĐT và các địa phương đã ban hành nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh việc DTHT, tuy nhiên, hiện tượng vi phạm quy định về DTHT ở cấp tiểu học vẫn còn tồn tại, gây áp lực với HS và cha mẹ HS, tạo bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của ngành”. Tại tỉnh miền núi như Dak Lak, mà “điểm nóng” là TP. Buôn Ma Thuột, DTHT đã trở thành “vấn nạn”, ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhưng “đâu lại vào đấy”. Nhiều phụ huynh chia sẻ, có nhiều lý do để “không muốn cũng phải học thêm”. Chị X. có con học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột than thở: “Cháu học cả ngày trên trường, nên gia đình không có nhu cầu cho con học thêm. Thế nhưng, mỗi khi đến đón cháu, cô giáo chủ nhiệm cứ than với tôi rằng cháu học chậm lắm, nhất là môn tiếng Việt, mẹ tranh thủ khoảng 17 giờ 30 mỗi tuần 3 buổi chở cháu đến nhà, cô kèm giúp cho”. Hay cách đây không lâu, một đồng nghiệp của tôi kể chuyện: “Chiều qua, anh rể mình bảo với vợ, em không nên đi tập thể dục nữa mà dành toàn bộ thời gian sau giờ tan sở để đưa đón con học thêm. Muốn con thi đỗ vào trường chuyên, lớp chọn thì phải đầu tư từ bây giờ”. Tôi buột miệng hỏi: Cháu em học lớp mấy? “Lớp 3 chị ạ!”.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH, THCS Bùi Thị Xuân, huyện Krông Buk đang làm bài tập tại lớp. (Ảnh minh họa).

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH, THCS Bùi Thị Xuân, huyện Krông Buk đang làm bài tập tại lớp. (Ảnh minh họa).

Tạo điều kiện thuận lợi để con cái có được môi trường học tập tốt là mong muốn chính đáng của phụ huynh, nhất là trong điều kiện kinh tế ngày càng cải thiện, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, tuy nhiên để có một “tấm vé” vào trường có tổ chức kiểm tra chất lượng đầu vào - thực chất là thi tuyển căng thẳng với hai môn Toán, Tiếng Việt là “mảnh đất màu mỡ” cho DTHT (thậm chí cả tiêu cực). Vì vậy mới có câu chuyện, một HS tiểu học phải học thêm cùng lúc 2 cô giáo, một là giáo viên chủ nhiệm ở trường tiểu học để khỏi bị “chiếu cố” hay “bị đì” và học thêm tại một cô giáo của trường có tổ chức thi tuyển, hoặc chí ít cũng là giáo viên uy tín (được đo bằng tỷ lệ HS lớp 5 thi đỗ vào trường có thi tuyển). Nhìn con hết học tại trường, rồi lại đến nhà cô giáo học chỉ kịp ăn vội chiếc bánh mì hay hộp sữa với dáng vẻ mệt mỏi không ít phụ huynh xót xa nhưng tất cả “vì tương lai con em” nên cố gắng động viên con và cũng động viên chính mình để “vượt vũ môn”. Chính vì vậy, trước đây và bây giờ đã có không ít ý kiến cho rằng muốn chấn chỉnh tình trạng DTTH ngoài giải pháp vĩ mô đồng bộ như giảm tải nội dung, chương trình, cải tiến mạnh mẽ phương pháp thi cử, giáo viên có thể sống được bằng lương, thì phải bãi bỏ việc tổ chức thi tuyển vào lớp 6 tại hai trường THCS Phan Chu Trinh và Tân Lợi. Việc kiểm tra đầu vào này không chỉ tạo áp lực căng thẳng cho HS, phụ huynh mà còn tạo bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của ngành. Đơn cử kỳ kiểm tra chất lượng tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2014-2015, có khoảng 2.100 học sinh xếp loại học lực khá, giỏi, đúng 11 tuổi thi vào lớp 6 của hai trường THCS “trọng điểm” hay “chất lượng cao” là Tân Lợi và Phan Chu Trinh với đề thi Toán, Văn khá căng thẳng để kiếm một suất trong số 632 chỉ tiêu.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết, việc quy định không tổ chức khảo sát học sinh (HS) đầu năm học, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 nhằm tạo sự công bằng trong giáo dục, giảm thiểu áp lực thi cử cho HS. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục 2, Điều 27 Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi) “Giáo dục tiểu học nhằm giúp HS hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để HS tiếp tục học trung học cơ sở”. Về phía Sở GD-ĐT, trong quy chế tuyển sinh hằng năm quy định rõ: “đối với lớp 6 chỉ xét tuyển”. Theo vị lãnh đạo này, quản lý giáo dục hiện nay đã được phân cấp, phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng phương án tuyển sinh các lớp đầu cấp của địa phương mình. Tuy nhiên, việc kiểm tra chất lượng đầu vào lớp 6 cho một số trường chất lượng cao (trường trọng điểm) nhằm phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi như hiện nay tại một số địa phương là chưa phù  hợp. Thay vì làm bài thi (kiểm tra) hai môn Toán, Tiếng Việt có thể xét học bạ hoặc là kiểm tra một vài chỉ số cần thiết như:  IQ (chỉ số thông minh), EQ (trí thông minh cảm xúc), CQ (trí thông minh sáng tạo), AQ (chỉ số vượt khó)… qua đó phát hiện những HS có đủ năng lực, tố chất để tuyển vào trường chất lượng cao. Như vậy, vừa tránh áp lực cho HS, phụ huynh đồng thời hạn chế được tình trạng DTHT.

 Gia Nguyên

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ