A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Học ngoại ngữ để dùng

14:44 | 12/01/2015

Đây là yêu cầu được nhấn mạnh trong đổi mới dạy và học ngoại ngữ nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” (gọi tắt là Đề án ngoại ngữ 2020).

 Điều này tiếp tục được các chuyên gia, đại diện nhiều cơ sở đào tạo chia sẻ tại hội thảo "Xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ trong trường ĐH, CĐ” ngày 10 và 11-1, do Ban quản lý Đề  án Ngoại ngữ 2020 tổ chức tại Đại học Thái Nguyên.
 
 
Đổi mới cách học ngoại ngữ
 
Tăng tốc mới kịp lộ trình
 
Tiếng Anh tăng cường là một chương trình hữu hiệu vì nó trau dồi cho sinh viên những kỹ năng ngoại ngữ cần thiết để có thể áp dụng vào thực tế cuộc sống. Các sinh viên sẽ rất dễ tìm việc làm nếu có tiếng Anh tăng cường cộng thêm chuẩn đầu ra B1. Giảng viên cũng sẽ nâng cao trình độ chuyên môn hơn khi Bộ GD&ĐT đã yêu cầu chuẩn của giảng viên được giảng dạy  chương trình này phải đạt mức C1. Vả lại hiện nay chương trình cũng mang tính chất mềm dẻo hơn.
 
Theo lộ trình của Đề án thì vào năm 2020, 100% sinh viên các trường ĐH, CĐ trên cả nước sẽ được tham gia chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ. 
 
Kế hoạch là vậy nhưng sau 3 năm triển khai, chương trình ngoại ngữ mới vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, do các trường gặp không ít khó khăn. Cái khó lớn nhất là đội ngũ giảng hạn chế cả năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Chương trình được viết theo cách tiếp cận ngôn ngữ nhiều hơn là tiếp cận giao tiếp. Thiếu môi trường để sinh viên học tập khi các trang thiết bị dạy học không đáp ứng yêu cầu.
 
Với tình hình đó, các trường phải chủ động vượt khó, tích cực tăng tốc mới kịp lộ trình. TS Hà Văn Sinh (Khoa Ngoại ngữ - Trường ĐH Phú Yên) cho rằng căn cứ Khung năng lực giáo viên tiếng Anh mà Đề án ngoại ngữ 2020 ban hành, giáo viên ngoại ngữ không chỉ là người có khả năng sử dụng ngoại ngữ đang dạy mà còn phải có các kỹ năng giảng dạy hiệu quả thông qua quá trình đào tạo và được tiếp tục bồi dưỡng trong môi trường giảng dạy.
 
Ngoại ngữ - học để dùng 
 
Theo TS Vũ Thị Tú Anh (Phó Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020), việc dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam trong các cấp học với các đối tượng học khác nhau đang chuyển dần từ sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống (phương pháp ngữ pháp - dịch) sang đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp. Ngoại ngữ cũng sẽ không dạy như một môn khoa học mà chuyển sang dạy như một môn kỹ năng, với tiêu: Học ngoại ngữ không phải chỉ để hiểu, để biết mà học là để dùng ngoại ngữ.
 
Với mục tiêu học ngoại ngữ không chỉ để biết mà để dùng - chủ trương "Xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học Ngoại ngữ trong trường đại học và cao đẳng” không định giới thiệu một mô hình mới đúng nhất, xuất sắc nhất áp dụng chung cho tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo trên mọi vùng miền, mà là xây dựng mô hình thích hợp nhất. Vì vậy mỗi nhà trường, tùy mục tiêu và điều kiện cụ thể, đặc thù cũng như các nguồn lực sẵn có, có thể học những cách làm hay, kinh nghiệm tốt được Đề án giới thiệu. Tiến tới hình thành và kết nối mạng lưới rộng rãi các đơn vị có cách làm hay, kinh nghiệm tốt.
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng xây dựng điển hình không phải là những đơn vị có điều kiện thuận lợi nhất mà là những đơn vị có những giải pháp phù hợp nhất để nhanh tiến tới đích theo mục tiêu của Đề án. "Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển giải pháp xây dựng các đơn vị  điển hình về đổi mới dạy và học Ngoại ngữ  để từ đó phổ biến, chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh tại hội thảo. 
 
Rõ ràng ngay từ bây giờ các trường cần phải từng bước tháo gỡ khó khăn và tự lên kế hoạch, song ngành giáo dục cũng nên sớm đưa ra những chính sách hỗ trợ kịp thời nhằm giúp các trường duy trì và phát triển một đề án hay, tiến tới xây dựng một phong trào xã hội học tập ngoại ngữ.
 
Phương Anh
 
TS Nguyễn Thị Ngọc Bích – Khoa Sư phạm, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia HN):
Cần tư duy bằng chính ngoại ngữ được học
 
Bản chất của dạy và học ngoại ngữ là học giao tiếp - biết sử dụng ngoại ngữ được học như một công cụ giao tiếp hiệu quả. Vì vậy, các giáo viên dạy ngoại ngữ cần "thoát” ra khỏi cách dạy ngoại ngữ truyền thống và chưa thể hiện chính xác bản chất của môn học này: Đó là không nên chỉ chủ yếu sử dụng phương pháp ngữ pháp -dịch để rèn 4 kỹ năng nói - nghe - đọc - viết một cách khuôn mẫu, thiếu sự sống động của ngữ cảnh hay "môi trường giao tiếp tự nhiên”. Cần chú ý thực hiện phương pháp dạy học giao tiếp theo cách tiếp cận giao tiếp.
 
Đặc biệt, ngoài 4 kỹ năng nói - nghe - đọc - viết, cần phát triển kỹ năng tư duy bằng chính ngôn ngữ (môn ngoại ngữ) được học. Ví dụ thay vì việc người dạy yêu cầu người học học thuộc nghĩa 5 từ mới (người học được kiểm tra qua việc viết lại từ mới và dịch nghĩa, và có thể cao hơn là đặt 5 câu với 5 từ mới này), người dạy nên yêu cầu người học viết một câu chuyện có sử dụng 5 từ mới học. Điều này khiến việc học từ mới nói riêng hay học ngoại ngữ nói chung trở nên hấp dẫn và không bị rời rạc, cắt khúc. Và người dạy cũng dễ dàng đánh giá được mức độ hiểu và vận dụng được ngoại ngữ (từ/ngữ pháp và câu văn… qua ví dụ này), để có thể giúp người học điều chỉnh có hệ thống hơn. Khi các thầy cô dạy ngoại ngữ tạo được các "môi trường giao tiếp tự nhiên” và các cách để người học phải suy nghĩ và thực hiện các "thao tác tư duy” ở các cấp độ cao hơn, qua các bước rèn kỹ năng nói-nghe-đọc-viết, thì hiển nhiên năng lực tư duy bằng ngôn ngữ đang được học sẽ phát triển và người học sẽ dần sử dụng được ngoại ngữ đó y như người bản xứ.
 
Thanh Lê (ghi)

 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ