A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều tồn tại, vướng mắc ở công trình thủy điện Srêpốk 4A chưa được giải quyết

14:18 | 24/07/2015

Được đưa vào vận hành từ năm 2014, Dự án Thủy điện Srêpốk 4A góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của đất nước; song đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết.

Nhiều bất cập...

Hiện vẫn còn một số hộ dân trên địa bàn 3 xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na (huyện Buôn Đôn) – nơi có dự án thủy điện Srêpốk 4A đi qua đang chịu ảnh hưởng về đất đai, tài sản, vật kiến trúc và quá trình sản xuất... do chưa được giải quyết triệt để về công tác bồi thường GPMB. Theo thống kê xã Ea Wer có 67 hộ đề nghị hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại do nổ mìn trong quá trình thi công công trình. Đơn cử anh Đàm Thế Ngọc, một người dân thôn 5 phản ánh, quá trình thi công công trình thủy điện Srêpốk 4A đã làm ảnh hưởng lớn đến vật kiến trúc của gia đình anh, do rung chấn mạnh, kính cửa sổ từ tầng 2 bị rơi vỡ, phải làm lại kính mới, nhiều vết nứt trong các phòng, khi mùa mưa đến nước mưa thấm chảy vào nhà, làm ẩm mốc các vật dụng, anh đã có đơn kiến nghị đến các đơn vị liên quan, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Tương tự, tại xã Ea Huar, có hàng chục hộ dân cũng làm đơn đề nghị bồi thường thiệt hại do nhà nứt, ruộng đồng ngập úng, tình trạng đổ thải chồng lấn trong quá trình thi công công trình. Anh Nguyễn Văn Đông, buôn Jang Pông bức xúc, nhà anh được xây từ năm 2009, trước đây không hề có hiện tượng nứt, thấm nước, nhưng từ khi đơn vị thi công cho nổ mìn thi công thủy điện (khoảng năm 2013), nhà bị rung chuyển mạnh, tường và nền đều xuất hiện nhiều vết nứt…

Diện tích đất của hộ anh Nguyễn Văn Đông, buôn Jang Pông, xã Ea Huar  bị ngập úng không sản xuất được.

Diện tích đất của hộ anh Nguyễn Văn Đông, buôn Jang Pông, xã Ea Huar bị ngập úng không sản xuất được.

Một thực tế đáng chú ý, việc chi tiền hỗ trợ đã được thực hiện, song do thiếu sót trong việc khảo sát dẫn đến tình trạng những hộ ở xa thì được hỗ trợ, còn hộ ở gần phạm vi công trình vẫn phải mòn mỏi chờ đợi. Đơn cử, hộ ông Đinh Ngọc Việt tại thôn 9 (xã Ea Wer) khoảng cách từ nhà ở đến vị trí nổ mìn gần nhất là 147 mét; hộ ông Lê Bá Lệnh, buôn N’đrếch A (xã Ea Huar) cách kênh thủy điện 191 mét; hộ Trương Đình Sơn, Lê Văn Tĩnh, buôn Ea Mar (xã Krông Na) cách kênh thủy điện lần lượt là 230 mét, 220 mét…, những trường hợp này đều nằm trong phạm vi được bồi thường thiệt hại, nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại để nhận tiền hỗ trợ. Ngoài tình trạng nổ mìn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, việc thi công công trình cũng tác động lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Theo báo cáo của UBND huyện Buôn Đôn, năm 2012-2013, tại xã Krông Na, khi thi công kênh thủy điện đã cắt đứt kênh mương thủy lợi cấp nước cho cánh đồng Ama Phương, nhưng đến nay vẫn chưa bồi thường thiệt hại cho người dân. Cụ thể, đơn vị thi công đã phá bỏ đoạn kênh thủy lợi dẫn nước từ hồ Đắk Minh, sau đó chủ đầu tư thay thế bằng đường ống xi phông làm tổn thất cột dẫn nước dẫn đến lưu lượng nước qua kênh không được như ban đầu, gây ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất của bà con trên địa bàn xã Krông Na trong những năm qua. Không chỉ tại cánh đồng Ama Phương, tại khu vực cầu 19 Ea Mar thuộc địa phận xã Krông Na cũng cùng chung tình trạng không đủ nước sản xuất. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân là do đường ống xi phông cấp nước tưới cho cánh đồng này quá nhỏ.

Cần giải quyết dứt điểm

Theo đánh giá của Đoàn liên ngành số 1156 của tỉnh, qua kiểm tra, xác minh và làm việc với 3 xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na cho thấy, việc phối hợp giải quyết giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư chưa chặt chẽ, sự thống nhất chưa cao nên dẫn đến việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc kéo dài, gây bức xúc cho người dân. Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Đình Trọng, Trưởng phòng tổng hợp, Công ty Cổ phần thủy điện Buôn Đôn thừa nhận, công trình đã được đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay, nhưng những tồn tại trong công tác GPMB vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đặc biệt đối với các kiến nghị của người dân liên quan đến những hư hỏng của vật kiến trúc, nhà cửa do quá trình nổ mìn, qua kiểm tra của đoàn liên ngành cho thấy, đa số nằm ngoài phạm vi từ 600 mét đến 2 km nên chủ đầu tư sẽ không bồi thường, hỗ trợ. Sau khi nhận được đơn thư khiếu nại của người dân 3 xã liên quan đến bồi thường, trước mắt, chủ đầu tư sẽ lập phương án, thuê tư vấn khảo sát, kiểm tra thực tế các vấn đề người dân phản ánh để đưa ra giải pháp phù hợp, kịp thời bồi thường hỗ trợ cho họ. Riêng tác động do nổ mìn, chủ đầu tư chỉ hỗ trợ thiệt hại tài sản cho các hộ dân nằm trong phạm vi từ bán kính an toàn đến 600 mét, những hộ nằm ngoài phạm vi này sẽ không được hỗ trợ theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Đối với diện tích ngập úng, chủ đầu tư sẽ tiến hành đo đạc, thu hồi và bồi thường phù hợp cho người dân…

Để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trên, đầu tháng 7-2015, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan cần sớm giải quyết dứt điểm để ổn định đời sống người dân, trật tự an ninh trên địa bàn – nơi có dự án đi qua. Việc xem xét kiến nghị, khiếu nại của công dân phải được thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của Nhà nước, đơn thư phải rà soát kỹ để phân loại xử lý đúng thẩm quyền, trách nhiệm. Riêng đối với các tồn tại liên quan đến tác động do nổ mìn thi công công trình, UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hỗ trợ thiệt hại tài sản trong phạm vi từ bán kính an toàn đến 600 mét; về thời gian nghỉ lao động do tránh nổ mìn, tỉnh yêu cầu rà soát, xác định đầy đủ số hộ, khẩu nằm trong bán kính an toàn theo Giấy phép sử dụng vật liệu nổ được cấp, và số lần chạy mìn để hỗ trợ ngày công lao động cho người dân. Việc đổ thải chồng lấn lên đất của người dân, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm dọn dẹp, hoàn trả phần đất chồng lấn và bồi thường thiệt hại trong thời gian đổ thải, trường hợp không thể giải phóng bãi thải, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về đất đai, tài sản theo quy định…

Dự án Thủy điện Srêpốk 4A do Công ty Cổ phần Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 10-2010, đưa vào vận hành từ tháng 1-2014, có công suất thiết kế là 64 MW; nguồn nước thủy điện này được lấy trực tiếp từ cửa xả của Thủy điện Srêpốk 4 thông qua tuyến kênh dẫn dòng dài khoảng 15 km chảy qua các xã Ea Huar, Ea Wer và Krông Na (huyện Buôn Đôn). Sau khi công trình được đưa vào vận hành phát điện, hằng năm đóng góp cho hệ thống điện Quốc gia sản lượng khoảng 250 triệu kWh, nộp vào ngân sách tỉnh khoảng 47,5 tỷ đồng.

Hoàng Tuyết

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ