A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vấn nạn xe dù, cò khách: Đâu là nguyên nhân?

13:48 | 26/10/2015

Hiện nay tình trạng xe dù, cò khách trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây mất an toàn giao thông.

Ngoài lý do thiếu kiên quyết của lực lượng chức năng, thì việc các bến xe “tiếp tay” cho các đối tượng này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xe dù, cò khách gia tăng.

Xe đón khách trước khu vực Trung tâm Siêu thị Co.op mart Buôn Ma Thuột.

Xe đón khách trước khu vực Trung tâm Siêu thị Co.op mart Buôn Ma Thuột.

Đến cây xăng trước khu vực Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk không khó bắt gặp cảnh tượng một số thanh niên, phụ nữ bám đuôi “săn khách” để lấy tiền hoa hồng từ các nhà xe. Chỉ cần một người đi bộ gần khu vực này, không cần biết có phải khách có nhu cầu đi xe hay không, lập tức một nhóm người lại lôi kéo, hỏi han “anh, chị đi tuyến nào, về đâu…?”. Nếu khách chịu lên xe thì cò vui vẻ cười nói, còn không thì nhăn nhó, thậm chí văng tục khó chịu. Một trong những “mánh” mà các cò xe thường làm là cầm giùm khách túi đồ, vừa đi vừa gạ gẫm khách lên xe… Điều này không những gây phiền hà mà đôi khi còn khiến khách hoảng sợ vì tưởng mình bị giật túi! Chị Nguyễn Thị Lê (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, trong chuyến về quê năm 2014, khi người nhà vừa chở đến cổng bến xe thì có 2 thanh niên xáp lại tự nguyện cầm giúp hành lý vào bến khiến chị cứ tưởng nhân viên bến xe, đến khi biết chị đã mua vé, chúng lập tức quẳng túi đồ lại cho chị và bỏ đi. Anh Mạnh (một hành khách quê ở Hà Tĩnh) vào Đắk Lắk thăm bà con suýt nữa anh bị mất oan 500 ngàn đồng vì cò khách. Anh kể, hôm bắt xe từ Buôn Ma Thuột về quê, do không chủ động mua vé trước nên anh gọi điện cho một nhà xe tuyến huyện, nhà xe bảo chờ ở cây xăng trước Bến xe liên tỉnh, với giá vé thỏa thuận 500 ngàn đồng. Mặc dù chủ xe hẹn 6 giờ, nhưng mãi đến 7 giờ xe mới tới. Trước đó, đã có một nhóm cò xe đến hỏi anh về đâu, anh trả lời đã điện thoại đặt vé với nhà xe rồi; nhưng khi lên xe vẫn bị một cò lại bảo với nhà xe anh là khách của cò. Nhà xe bảo anh đưa tiền vé cho cò 500 ngàn đồng, nhưng cò gian dối nói anh chỉ đưa 20 ngàn, anh phải dùng biện pháp cứng gọi công an, cò mới chịu đưa đủ tiền vé cho nhà xe và được nhà xe trả 20 ngàn đồng tiền hoa hồng “săn khách”!

Cò chèo kéo khách trước cổng Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.

Cò chèo kéo khách trước cổng Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.

Việc đi xe dù cũng đã không ít lần gây họa cho khách. Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Thảo (huyện Cư Kuin) trong một lần đi xe không vé, không phiếu hành lý, chị đã mất toàn bộ áo quần, trái cây gửi trên xe. Tuy nhiên, khi trình bày với nhà xe thì nhận được câu trả lời dửng dưng, đồ của ai thì người đó tự giữ, không có cơ sở để nhà xe đền lại số hàng đã mất. Với chị, đó là chuyến đi nhớ đời, từ đó mỗi lần đi xe chị đều ra bến mua vé và yêu cầu phòng vé ghi phiếu gửi hàng hóa để tránh mất mát như trường hợp nói trên. Không phải như các xe thương hiệu, các xe dù đều không bán vé, không có phiếu gửi hàng hóa, trong khi trong hành trình chạy xe từ Nam ra Bắc, các nhà xe dừng đỗ nhiều lần và nhiều nơi để đón, trả khách. Với các xe khách có ghi phiếu gửi hàng hóa thì khách muốn lấy hàng phải có phiếu, còn xe dù thì của ai người đó tự giữ lấy, mất nhà xe không chịu trách nhiệm. Chính vì vậy nên việc mất, thất lạc hàng hóa trên xe diễn ra thường xuyên, nhất là những lần nhà xe trả khách vào ban đêm hoặc rạng sáng.

Vấn nạn xe dù, bến cóc và cò khách diễn ra trong thời gian dài, có nhiều phản ánh từ phía người dân, cơ quan báo chí, nhưng theo lý giải của các đơn vị liên quan thì do lực lượng mỏng nên không thể xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, việc các bến xe, vì lợi nhuận trước mắt cũng tiếp tay cho các xe không đủ điều kiện vào hoạt động tại bến. Vào tháng 5-2015, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt Bến xe TP. Buôn Ma Thuột vì để xe không đủ điều kiện vào hoạt động tại bến, dù trước đó, cơ quan quản lý đã thông báo với bến, trong thời gian xe khách bị đình chỉ hoạt động, bến xe không được cho vào bến đón, trả khách, nhưng bến vẫn cho vào để thu phí 80.000 đồng/ngày. Trong khi đó, tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk, mặc dù xe không đăng ký hoạt động đón, trả khách tại bến nhưng đơn vị vẫn cho một số xe vào để thu phí dịch vụ 30.000 đồng/lượt. Theo lý giải của bến xe, đây là phí dịch vụ dừng xe để khách ăn uống, nhưng qua kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng thì vẫn còn để lọt xe vào bến để đón, trả khách… Theo ông Lê Công Chức, Trưởng phòng pháp chế Thanh tra Sở GTVT, nếu xe không đăng ký hoạt động vào bến sử dụng các dịch vụ thì bến xe được thu phí dịch vụ, ngược lại nếu không đăng ký tại bến mà đón, trả khách trong bến là sai quy định.

Để hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, ngay cả đối với các trường hợp tiếp tay cho xe không đủ điều kiện vào hoạt động trong các bến xe. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra công tác quản lý, hoạt động tại các bến xe, đặc biệt là tình hình thu phí… nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai phạm nếu có.

Phạm Hoàng

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ