A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ngành Thanh tra tỉnh: Nỗ lực phấn đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

13:47 | 23/11/2015

Ngày 23-11-2015 đánh dấu chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của ngành Thanh tra Việt Nam. Nhân dịp này, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí Y QUANG SIU, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh ...

... về những dấu ấn trong quá trình phát triển của ngành Thanh tra Việt Nam nói chung và Thanh tra tỉnh Đắk Lắk nói riêng cũng như những yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới.

°Ông có thể điểm lại những dấu ấn lịch sử của ngành Thanh tra Việt Nam trong 70 năm qua?

Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, tổ chức tiền thân của hệ thống Thanh tra Nhà nước ngày nay. Ban Thanh tra đặc biệt được Đảng và Chính phủ trao cho những quyền hạn rất lớn và nặng nề là giám sát tất cả các công việc, các nhân viên của Ủy ban nhân dân, các cơ quan của Chính phủ, có quyền hạn đặc biệt “tiền trảm - hậu tấu”.

Đồng chí Y Quang Siu, Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo công tác của Ngành thời gian tới. Ảnh: D.T

Đồng chí Y Quang Siu, Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo công tác của Ngành thời gian tới. Ảnh: D.T

Sau năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra trong hệ thống bộ máy Nhà nước công nông kiểu mới, ngày 28-3-1956, Hồ Chủ tịch ra Sắc lệnh 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Từ đây, hoạt động thanh tra có sự phối hợp chỉ đạo từ trên xuống dưới, phạm vi và đối tượng thanh tra được mở rộng. Năm 1961, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đẩy mạnh công tác thanh tra, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 136/CP ngày 29-9-1961 quyết định thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Từ tháng 10-1965 đến tháng 8-1969, công tác thanh tra được giao cho thủ trưởng các cơ quan, các cấp ngành phụ trách để gắn liền công tác thanh tra với việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước. Ngày 11-8-1969, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 780/NQ-TVQH thành lập lại Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Từ thời điểm này, hệ thống tổ chức của ngành Thanh tra Việt Nam mới tiếp tục được xây dựng và đi vào ổn định. Hoạt động thanh tra của ngành được mở rộng và thống nhất từ Trung ương đến các cấp địa phương.

Sau ngày đất nước thống nhất, đến cuối năm 1976, hệ thống tổ chức ngành Thanh tra được thành lập ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngày 15-2-1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết 26-HĐBT về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ được đổi tên là Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Ngày 1-4-1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã công bố Pháp lệnh Thanh tra. Tiếp tục thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính Nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, ngày 15-6-2004, Luật Thanh tra được ban hành. Luật Thanh tra ra đời một lần nữa khẳng định thanh tra là chức năng thiết yếu của các cơ quan quản lý Nhà nước, là một khâu quan trọng trong chu trình quản lý Nhà nước; là phương tiện phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.

°Xin ông cho biết những  kết quả nổi bật mà ngành Thanh tra Đắk Lắk đã đạt được thời gian qua?

Trong những năm qua, ngành Thanh tra Đắk Lắk đã chuyển từ thanh tra vụ việc bị động sang thanh tra có chương trình mục tiêu tương đối chủ động; từ tập trung vào thanh tra kinh tế - xã hội sang thanh tra trách nhiệm hành chính công vụ; từ thanh tra phân tán theo cấp hành chính sang thanh tra chuyên đề diện rộng, chuyên ngành, phối hợp thống nhất giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành; gắn công tác thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo, với công tác phòng chống tham nhũng. Nhờ vậy, tác dụng của công tác thanh tra ngày càng rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về các mặt. Chỉ trong 10 năm (2005-2015), ngành Thanh tra Đắk Lắk đã triển khai 1.849 cuộc thanh tra hành chính và 20.539 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 174 tỷ đồng, thu hồi 10.692.764 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý hành chính đối với 207 tập thể, 441 cá nhân và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 23 vụ 16 đối tượng.

Bên cạnh đó, ngành thanh tra đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ năm 2005 đến nay, các cấp ngành trong tỉnh đã tiếp 45.703 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận, xử lý 44.621 đơn thư; xem xét giải quyết 11.594 đơn khiếu nại, tố cáo. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể và cá nhân trên 26,7 tỷ đồng, 751.801 m2đất và 94.388 m3 gỗ các loại. Trong đó, riêng ngành thanh tra đã tiếp 9.192 lượt người; tiếp nhận, xử lý 11.018 đơn thư, giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan cùng cấp giải quyết 3.296 đơn khiếu nại, tố cáo.

Ngành Thanh tra Đắk Lắk đã thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để xây dựng ngành Thanh tra thực sự trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong thời gian qua, nhiều tập thể và cán bộ, công chức ngành Thanh tra Đắk Lắk đã được Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra và Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng. Ngành Thanh tra Đắk Lắk 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua (1999, 2004), Thanh tra Chính phủ tặng 12 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, UBND tỉnh tặng 5 Cờ đơn vị thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân xuất sắc. Thanh tra tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2014.

°Tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, đối với Thanh tra tỉnh sẽ làm như thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, thưa ông ?

Phấn khởi, tự hào với truyền thống vẻ vang qua 39 năm phấn đấu, xây dựng, trưởng thành của ngành, trách nhiệm của ngành Thanh tra tỉnh trong thời gian tới là rất nặng nề và nhiều khó khăn, thử thách; đòi hỏi  cán bộ, công chức ngành Thanh tra phải sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập trong tổ chức và hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo đó, cần xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ thanh tra có tâm, có tầm và tinh thông nghiệp vụ, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không ngừng đổi mới tư duy, phong cách, lề lối làm việc và phương pháp hoạt động thanh tra nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại và phòng, chống tham nhũng. Công tác thanh tra phải bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tăng cường thanh tra trách nhiệm, thanh tra kinh tế, xã hội nhằm phát hiện kịp thời, chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước... Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, không để các vụ việc tồn đọng kéo dài. Chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng; gắn công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

P.V

 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ