A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

13% dân số Việt Nam đang phải sống trong khu vực có bệnh sốt rét

08:54 | 27/04/2015

Thông tin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra nhân ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4).

Ông Jeffery Kobza, Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, cho biết theo Báo cáo sốt rét thế giới năm 2014 của WHO, số ca xác nhận sốt rét tại Việt Nam đã giảm trên 75% trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2013. Đặc biệt, số ca tử vong do sốt rét giảm trên 90%.

Ở Việt Nam, sốt rét hiện nay lây truyền chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax là những ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất. Bệnh xảy ra chủ yếu ở người dân tộc thiểu số, dân di biến động và những người đi rừng, ngủ rẫy.

Trên toàn cầu, ước khoảng 3,2 tỷ người vẫn còn nguy cơ mắc sốt rét, trong đó 1,2 tỷ người có nguy cơ cao. Ở Khu vực Tây Thái Bình Dương, 712 triệu người, tức khoảng 40% dân số Khu vực đang sống trong những vùng có nguy cơ sốt rét. Ở Việt Nam, khoảng 11,7 triệu người (khoảng 13% dân số) đang phải sống trong các khu vực có bệnh sốt rét.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Năm 2015 là một năm quan trọng đối với bệnh sốt rét. WHO, cùng với các bên liên quan, đã xây dựng dự thảo đầy tham vọng Chiến lược Kỹ thuật toàn cầu đối với bệnh sốt rét giai đoạn 2016 -2030. Chiến lược này sẽ giúp các quốc gia có bệnh sốt rét giảm 90% gánh nặng sốt rét vào năm 2030. Chiến lược tiếp cận tầm xa này dự kiến sẽ được thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5 tới.

Để giải quyết sốt rét kháng đa thuốc tại Việt Nam và tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương cùng với các nước vùng GMS và các bên liên quan khác đã dự thảo Chiến lược Loại trừ bệnh sốt rét cho tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2015 - 2030.

"Nếu tình hình sốt rét kháng đa thuốc, kể cả kháng các liệu pháp kết hợp artemisinin, tồi tệ hơn và lan tràn ra ngoài các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, nó có thể là một thảm họa. Các loại thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất hiện có có thể không còn tác dụng." - Tiến sĩ Eva Christophel, Điều phối viên chương trình Bệnh sốt rét, các Bệnh lây truyền qua Vec-tơ và Bệnh Ký sinh trùng của Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, cảnh báo.

"Tuy nhiên, với các chiến lược mới, cam kết chính trị cấp cao và quan hệ đối tác chiến lược hiện có, chúng ta có một cơ hội lịch sử để thúc đẩy nỗ lực của chúng ta trong việc loại trừ bệnh sốt rét ở các nước như Việt Nam. Tăng cường hệ thống y tế nhằm cải thiện số liệu báo cáo và sự sẵn có của các loại thuốc an toàn và hiệu quả trong bối cảnh của Bảo hiểm y tế toàn dân là những thành phần quan trọng” - Tiến sĩ Christophel nói.

Ở Việt Nam, Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đang phối hợp chặt chẽ với Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam và các đối tác khác nhằm hỗ trợ kỹ thuật và đưa các nội dung của chiến lược khu vực và toàn cầu vào kế hoạch hành động phù hợp với Việt Nam.

Hoàng Nguyên

    nguồn: langvietonline.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ