A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giải pháp nào bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa?

09:10 | 19/07/2015

Đắk Lắk là một trong những tỉnh có hệ thống thủy lợi khá phát triển trong vùng Tây Nguyên, tuy nhiên, do có nhiều công trình được xây dựng từ khá lâu,...

... cùng với việc quản lý còn nhiều bất cập nên an toàn hồ chứa trở thành vấn đề cấp bách cần được quan tâm và có giải pháp phù hợp về lâu dài.

Hành lang an toàn bị lấn chiếm

Hiện Đắk Lắk có 737 công trình thủy lợi, gồm: 575 hồ chứa, 103 đập dâng, 59 trạm bơm tưới và 1 hệ thống đê bao đã góp phần đắc lực vào quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp, đáp ứng được gần 76% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới…Tuy nhiên, những tồn tại trong thiết kế, thi công và quản lý hồ chứa… dẫn đến nguy cơ làm mất an toàn, nhất là những hồ chứa vừa và nhỏ. Theo kết quả kiểm tra của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk sau khi tiếp nhận quản lý 557 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thì chất lượng đập không cao, những công trình đã xây dựng trên 20 năm đa phần có biểu hiện xuống cấp ở nhiều mức độ khác nhau, cụ thể: hầu hết mái thượng lưu đã bị xói lở, biến dạng, xô lệch…, thậm chí nhiều đập mái thượng lưu bị xói thẳng đứng gần sát đỉnh đập; mái hạ lưu có hiện tượng thấm nhiều và mạnh, thiết bị thoát nước mái, thoát nước thân đập bị hỏng hoàn toàn đe dọa đến ổn định mái hạ lưu cũng như tổng thể công trình; đỉnh đập chủ yếu làm bằng đất, một số đỉnh kết hợp với giao thông nên bị xói lở, lồi lõm và xuống cấp nhanh chóng… Đánh giá về an toàn lũ cho thấy, một số đập trong quá trình khai thác, vận hành đã từng bị lũ tràn qua đỉnh đập hoặc mấp mé đập (Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk) gây nguy hiểm đến an toàn đập. Các công trình được xây dựng từ những năm 90, tài liệu tính toán thiết kế còn nhiều hạn chế… Điều đáng nói là hầu hết lòng hồ đều chưa được cắm mốc ranh giới bảo vệ công trình, vì vậy vùng phụ cận bảo vệ công trình đã bị dân lấn chiếm trồng cây, canh tác nông nghiệp. Đặc biệt, vùng hạ lưu đập đất của một số hồ bị dân đào ao nuôi cá sát chân đập, trồng cây lấy gỗ trên mái đập, làm nhà trong lòng hồ, trên đỉnh đập… Chính sự xâm hại này đã đe dọa nghiêm trọng đến an toàn cho công trình, nhất là vào mùa mưa lũ khi mực nước trong hồ dâng cao, đây cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng của các công trình. Đơn cử tại hồ Vườn ươm (xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) người dân đã trồng cây trên thân đập, làm nhà trong lòng hồ, lấp gần hết tràn xả lũ…, điều này trực tiếp đe dọa đến an toàn đập và tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa, thực tế đã minh chứng trong lịch sử đập này đã 2 lần nước tràn qua đỉnh đập. Hay trường hợp hồ Ea Kmiên 3 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng), người dân làm nhà, làm chuồng trại nuôi gia súc trong lòng hồ, sát ngay tràn xả lũ, đồng thời thải luôn phân và rác xuống cống xả lũ gây bồi đắp ngay cửa tràn…

Cán bộ của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk kiểm tra công trình hồ Ea Nao 2 (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo cán bộ của công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, rất khó xử lý tình trạng trên bởi trước tiên là khi xây dựng, nhiều hồ, đập đã không cắm mốc hành lang an toàn, thứ hai là do công tác quản lý của địa phương chưa được chặt chẽ, việc xử lý chưa nghiêm, công tác tuyên truyền chưa được chú ý... Phía công ty cũng đã yêu cầu các chi nhánh trực thuộc đứng chân trên địa bàn báo cáo với huyện để có giải pháp xử lý những trường hợp vi phạm.

Đẩy nhanh công tác sửa chữa các công trình cấp bách

Lòng hồ Vườn ươm (huyện Krông Búk) bị người dân lấn chiếm làm nhà.

Ngay sau khi tiếp nhận 557 công trình theo Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đã thành lập các chi nhánh quản lý công trình thủy lợi tại các huyện, thị xã, đồng thời chỉ đạo các phòng ban chuyên môn khảo sát, đánh giá và phân loại những hư hỏng của các công trình, triển khai việc lập hồ sơ sửa chữa, ưu tiên cho những công trình cấp bách nhằm bảo đảm kịp thời cho sản xuất. Đến nay, về cơ bản đã giải quyết xong toàn bộ các hư hỏng của thiết bị cơ khí cống, tràn, sửa chữa các đoạn kênh bị vỡ hoàn toàn, nạo vét luồng lạch, cửa vào cống lấy nước và tràn xả lũ, bảo đảm cấp nước tưới cho sản xuất và cũng như sẵn sàng xả lũ trong mùa mưa lũ năn 2015. Tại thời điểm tiếp nhận, đầu mối các công trình đã bị cây rừng hoặc cây trồng lấn chiếm trên cả mái, đỉnh đập, cỏ dại mọc dày đặc. Để đánh giá được hiện trạng và quản lý tốt, công ty đã tổ chức phát dọn và chặt toàn bộ cây trên các công trình, đến nay 100% công trình được phát dọn bảo đảm theo yêu cầu. Bên cạnh đó, trước tình hình diễn biến khí hậu bất thường, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, công ty đã phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức kiểm tra một số công trình cấp bách để trình UBND tỉnh bố trí kinh phí sửa chữa 5 công trình là hồ Vườn ươm (xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) tràn xả lũ bị lấp gần hết, hành lang an toàn bị xâm hại nghiêm trọng; hồ Ea Kmiên 3 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đập đất bị thấm mạnh, mái thượng lưu bị xói thẳng đứng sát vào mép thượng lưu đập; đập Ea Mrông (xã Ea Drông, TX. Buôn Hồ) đập đất bị lún nứt, thấm rất mạnh; hồ Ea Nao 2 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột), cống lấy nước bị xói lở nghiêm trọng; hồ Cư Pơng (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) thân đập bị lún và thấm rất mạnh. Theo đánh giá của ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty, hiện tại mức an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp, UBND tỉnh cần có lộ trình cụ thể từ việc bố trí kinh phí sửa chữa hằng năm và sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương với công ty trong duy tu, sửa chữa các công trình hồ đập để bảo đảm an toàn. Trong năm 2015, dự kiến cần đến 15-16 tỷ đồng để khắc phục sự cố của các công trình cấp bách.

Minh Thuận

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ