A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khi bảo vệ lâm trường cũng là lâm tặc

07:58 | 17/08/2013

Cách lâm trường 1km, trạm bảo vệ rừng chưa đầy 1km, 3 cây gỗ Kơ nia có đường kính trên 60 cm bị đốn hạ ngay bên đường lớn. Đang có nghi vấn, cán bộ trạm bảo vệ cưa gỗ làm...thớt.

Vào khoảng 8h ngày 14/8/2013, tại địa bàn thuộc thôn 2, xã Eakiết, huyện CưMgar (Đắc Lắc), cách Lâm trường Buôn Ja Wầm khoảng 1km, người dân đã ghi lại hình ảnh 2 cây Kơ Nia có đường kính trên 60cm đang bị lâm tặc đốn hạ nằm ngang trên đường lớn. Nhận được nguồn tin, PV Nguoiduatin.vn đã có mặt tại hiện trường để nắm sự việc. Theo quan sát của chúng tôi, phần ngọn chắn ngang đường đã được cắt rời và vận chuyển đi chỗ khác. Trước đó khoảng 3 ngày, một cây tương tự đã bị đốn, vẫn chưa vận chuyển.

Cây Kơ nia bị cắt gần trạm bảo vệ, cách trụ sở Lâm trường chưa đầy 1km.

Điều đáng bàn là địa điểm xảy ra vụ việc chỉ cách trụ sở Lâm trường 1km, trạm bảo vệ rừng chưa đầy 1km. Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã vào trạm để hẹn làm việc, thì phát hiện 2 thớt gỗ dày 5cm, đường kính từ 45-50cm, gỗ còn tươi nguyên trùng với phần thân của một trong số 3 cây bị cắt trước đó. Khi phát hiện phóng viên vào trạm, một nhân viên đã vội vàng lấy bao tải đắp lên thớt.

Khi được hỏi 3 cây gỗ bị cắt gần trạm, cán bộ trạm có biết không? Mọi người đã báo với giám đốc Lâm trường chưa? Thì người này trả lời là đã báo với lâm trường rồi và đơn vị đang làm việc.

Nhưng khi hỏi ông Phan Đình Tường - giám đốc Lâm trường thì ông lại bảo là không biết, không thấy ai thông báo gì, đồng thời cũng hứa hẹn là sẽ vào kiểm tra vụ việc. Đến 18h cùng ngày, sau vài tiếng đồng hồ chờ đợi, chúng tôi vẫn chưa thấy ông này vào hiện trường như đã hứa, hỏi thì được ông cho biết, đang bận đi có việc.

  3 cây gỗ bị đốn có đường kính trên 60cm.

Mang sự việc đến thông báo cho ông Vinh, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cư Mgar, thì ông này bảo trách nhiệm thuộc về lâm trường. Khi PV hỏi lại: Rừng thuộc lâm trường quản lý, nhưng Lâm sản phải chịu sự quản lý của kiểm lâm chứ? Thì ông Vinh lại bảo là ngày mai sẽ cho người vào kiểm tra, ban đêm anh em không đi làm(?!).

Anh Đinh Văn Giáp, Công an viên thôn 2 cùng nhiều người dân cho biết: Ở đây chỉ có một đường, tất cả gỗ ở rừng Buôn Ja Wầm ra đều phải qua đường này, cán bộ lâm trường và các trạm bảo vệ không bảo kê thì lâm tặc làm sao đưa gỗ ra được. Từ sáng tới giờ cán bộ lâm trường qua lại đây hàng chục lần, sao mấy cây gỗ bị đốn ngay bên đường thậm chí còn chắn cả đường đi, họ không có ý kiến gì?

Cán bộ trạm bảo vệ vội vàng lấy bao tải che thớt nhưng không kịp.

Anh Đinh Văn Lân, trưởng thôn 2 còn đưa hình ảnh những xe gỗ mà anh cho rằng đã được cán bộ lâm trường bảo kê với giá 3 triệu đồng một chuyến.

Không chỉ có người dân phản ánh cán bộ lâm trường bảo kê cho lâm tặc, mà ngay như việc xuất hiện những chiếc thớt mới từ gỗ Kơ nia cũng khiến dư luận đang đặt ra những nghi vấn khác.

Liên quan đến việc phá hoại rừng và bảo kê cho lâm tặc, trước đó chúng tôi đã nhận được đơn tố cáo và file hình ảnh của người dân về một cán bộ xã Ea Kiết trong đội kiểm lâm liên ngành tên Phan Duy Tương có hành vi nhận hối lộ. Sau khi bị tố cáo lấy 15 triệu đồng, ông Tương đã đến nhà người này để thương lượng rút đơn tố cáo và hứa trả gấp nhiều lần, còn số tiền ông ta nhận hối lộ kia để ăn nhậu xả láng. Ông Phan Duy Tương cũng đã thừa nhận là có bảo kê cho lâm tặc.

Ngày 14/8/2013, sau khi phát hiện 3 cây gỗ Kơ nia ngay sát trạm bảo vệ và cách Lâm trường chưa đến 1km đang bị lâm tặc đốn hạ, PV đã thông báo cho lãnh đạo Lâm trường, lãnh đạo tổng Cty Lâm nghiệp, tổng giám đốc, giám đốc Lâm trường đều nói sẽ vào kiểm tra. Tuy nhiên, cuối ngày hôm đó vẫn không thấy các “sếp” này ghé hiện trường để làm việc.

Sáng ngày 15/8, cán bộ Công ty Lâm trường BJW vẫn đang tụ tập đánh bida

Sáng ngày 15/8/2013, tại quán cà phê trong câu lạc bộ thể thao của Lâm trường, toàn bộ lãnh đạo của tổng Cty Lâm nghiệp BJW và lãnh đạo Lâm trường BJW (công ty con) đều có mặt đông đủ ở đây. Người thì uống cà phê tán phét, người thì đánh bi da...Cuộc vui kéo dài đến 10 giờ vẫn đang rất sôi nổi. Trên khuôn mặt và tác phong của các vị lãnh đạo không có gì là vội vàng, lo lắng hay quan tâm đến việc 3 cây gỗ lớn bị cắt ngay gần trụ sở.

Theo phản ánh của người dân, việc uống cà phê và chơi bi da của những vị này có khi kéo dài đến cuối ngày. Cùng với việc “thu tiền” của lâm tặc, thì đây là 2 công việc thường ngày của họ.

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk xử lý nghiêm hành vi bảo kê và phá hoại rừng của những cán bộ, nhân viên kiểm lâm, bảo vệ rừng nói trên.

    Nguồn: nguoiduatin.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ