A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghe kể sử thi ở Buôn Phơng

09:29 | 22/08/2015

Buôn Phơng, thuộc xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) hiện có gần 70 hộ, với gần 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Êđê Kpah. Những năm gần đây, tuy bị ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, của văn hóa đương đại,...

...của đô thị hóa nông thôn nhưng đồng bào buôn Phơng vẫn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có sinh hoạt hát kể Khan (sử thi).

Để làm “sống” lại hình ảnh những đêm kể khan bên bếp lửa nhà dài, nhân lễ cúng sức khỏe của gia đình, bà Yă Nghi Niê đã mời nghệ nhân Y Wang H’Wing đến nhà mình kể khan.

Một đêm hát kể sử thi tại huyện Cư M'gar. Ảnh: Minh Đức

Nghe tin bà Yă Nghi Niê tổ chức kể khan vào đêm trăng rằm, già trẻ, gái trai trong buôn vô cùng phấn khởi. Mọi người, ai cũng tranh thủ đi rẫy, làm cỏ cà phê, chăn bò về sớm để được nghe kể khan. Ăn cơm tối xong là bà con lũ lượt kéo đến nhà bà Yă Nghi Niê. Mọi người ngồi chật cả gian gah của căn nhà dài háo hức đón chờ. Trước khi vào kể khan, bà Yă Nghi Niê sai con cháu buộc một ché rượu và mang ra một con gà trống choai làm lễ cúng báo với các vị thần linh, tổ tiên, ông bà xin phép được kể khan cho bà con buôn làng nghe. Khấn xong, chủ nhà lấy ra một bát rượu cần pha tiết gà vào rồi bôi lên bếp lửa, bôi lên nghế K’pan, bôi lên cột nhà, chiêng, ché trong nhà (với ý nghĩa mời các vị thần linh cùng hưởng). Sau đó, chủ nhà trao cần rượu mời nghệ nhân Y Wang H’Wing cùng uống. Nghệ nhân Y Wang H’Wing cầm cần rượu hút một hơi dài rồi trao lại cho chủ nhà và nói: “Hôm nay, mình kể cho bà con nghe khan “Dăm Bhu-Dăm Bha”. Nói xong, ông Y Wang bắt đầu kể.

Giọng nghệ nhân trầm ấm ngân vang dẫn dắt người nghe vào những tình tiết của câu chuyện. Bài khan kể về tình bạn giữa Dăm Bhu và Dăm Bha trong những năm còn trai trẻ diễn ra  rất tốt đẹp. Họ coi nhau như anh em một nhà, vui buồn có nhau, no đói cùng nhau chia sẻ. Nhưng rồi, Dăm Bha nghe lời của kẻ xấu nên đã phản bội lại bạn mình. Dăm Bha kéo quân đến đánh cướp buôn làng của chàng Dăm Bhu với ý đồ cướp tài sản, cướp vợ Dăm Bhu, bắt dân buôn về làm nô lệ, để trở thành người giàu mạnh nhất trong vùng. Chiến tranh kéo dài suốt ba mùa rẫy liền, cuối cùng chiến thắng thuộc về chàng Dăm Bhu. Vì chàng Dăm Bhu sống thật thà, chất phác, một lòng giúp đỡ, che chở bà con dân buôn trong những lúc khó khăn hoạn nạn nên được dân làng ủng hộ. Họ nhất tề đứng lên cùng chàng đánh lại kẻ thù, như rào lại buôn làng, làm chông tre, chông đá, bẫy sắt, bẫy đá, bẫy cây, bẫy lửa… giúp cho  Dăm Bhu có thêm sức mạnh để đánh thắng kẻ thù. Nội dung sử thi mang tính giáo dục cao về tình bạn, tình anh em, tình làng buôn; đồng thời lên án chiến tranh, lên án những kẻ chỉ biết của cải, vật chất, muốn giàu có hơn người mà bất chấp cả tình anh em bè bạn. Sử thi “Dăm Bhu-Dăm Pha” được nghệ nhân Y Wang H’Wing kể suốt 5 đêm liền. Trong những đêm ấy, ngôi nhà dài của bà Yă Nghi Niê đầy chật người nghe và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.

Nghệ nhân Y Wang H’wing đang hát kể sử thi. Ảnh: Minh Đức

Tiếp sau những đêm kể sử thi của nghệ nhân Y Wang H’Wing, cũng tại nhà bà Yă Nghi Niê, hai nghệ nhân nhỏ tuổi là Y Phin Niê (25 tuổi) và H’Nheh Niê (24 tuổi) - là học trò của nghệ nhân Y Wang H’Wing, hiện đã biết kể 3-4 sử thi của dân tộc mình - đã thay nhau kể sử thi mà mình yêu thích nhất, như: Y Phin Niê kể sử thi “Sing Nhã”; H’Nheh Niê kể sử thi “Bhu-Klơng”. Với giọng kể trẻ trung, đầy tâm huyết, hai nghệ nhân trẻ đã đưa người nghe vào những tình tiết ly kỳ của các nhân vật trong sử thi, giúp họ có những ước mơ, hoài bão cao đẹp về một cuộc sống no đủ, đầm ấm. Cứ thế, 5 đêm liền người nghe kể sử thi vẫn ngồi chật gian gah nhà dài của bà Yă Nghi Niê từ đầu hôm đến sáng ngày hôm sau để nghe hai nghệ nhân trẻ tuổi kể khan. Nghe kể xong, nhiều người già nói rằng: ước sao cứ mỗi mùa trăng, dân buôn Phơng được nghe kể khan như thế này thì hay biết mấy.

Nghệ nhân Y Wang H’Wing năm nay đã 75 tuổi, biết kể khan nhờ được ông nội và cha truyền dạy cho từ lúc 5-6 tuổi, hiện nay nghệ nhân Y Wang còn thuộc gần 20 khan Êđê, như khan Dăm San, Dăm Ji, Sing Nhã, M’Hiêng… Ông trăn trở: “Mình già rồi, không thể sống mãi để hát kể khan cho mọi người nghe nên muốn truyền lại việc kể khan này cho lớp trẻ. Do đó, vừa rồi mình truyền dạy cho 5 cháu ở trong buôn nhưng chỉ có hai cháu là Y Phin và H’Nheh biết kể khan mà thôi, ba cháu còn lại tuy có học nhưng không theo được vì bận việc gia đình. Sắp đến mình sẽ truyền dạy tiếp cho 5, 7 cháu nữa để các cháu thay già này giữ gìn kho báu klei khan của tổ tiên ông bà để lại. Nếu không trong tương lai kho báu này nó sẽ theo người già đi về với tổ tiên ông bà mất thôi”.

Tâm sự đầy tâm huyết của nghệ nhân Y Wang đặt ra cho những người làm công tác văn hóa cần có những kế hoạch và giải pháp cụ thể để gìn giữ, phát huy kho báu và không gian diễn xướng sử thi Êđê trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trương Bi

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ