A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đồng hành cùng nông dân nâng cao chất lượng cuộc sống

14:03 | 06/06/2015

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, những năm qua, ...

... Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột đã tích cực hỗ trợ, khích lệ hội viên, nông dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng hộ gia đình để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bà Tống Thị Điệp, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: “Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, để đẩy mạnh phát triển kinh tế và từng bước nâng cao đời sống, những năm qua, Thành Hội đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phát động phong trào thi đua đến từng chi hội, thôn, buôn, tổ dân phố, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Các cấp hội trên địa bàn đã triển khai thực hiện  các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân vay vốn, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn sử dụng các giống mới, đầu tư mở rộng và cơ giới hóa sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”.

Ông Nguyễn Văn Minh bên trang trại chăn nuôi heo rừng.

Ông Nguyễn Văn Minh bên trang trại chăn nuôi heo rừng.

Là một trong những hộ đầu tiên phát triển mô hình nuôi chim công, đến nay, gia đình ông Trần Văn Phương (phường Thành Nhất) đã sở hữu một cơ ngơi khang trang với thu nhập bình quân mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Trong một lần tình cờ xem tivi thấy mô hình nuôi chim công Ấn Độ cho hiệu quả kinh tế cao, ông Phương về bàn bạc với gia đình và quyết định xây chuồng trại để chăn nuôi. Thời gian đầu, do vốn ít và cũng chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên ông Phương chỉ mua 3 con (20 triệu đồng/con). Sau 2 năm chăn nuôi, nhận thấy chim công sinh trưởng và phát triển tốt nên ông quyết tâm vay mượn thêm vốn để đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại. Đến nay, trang trại của gia đình ông luôn duy trì số lượng trên 20 con chim mẹ, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Phương tâm sự: “Chim công nuôi khoảng 2 năm thì bắt đầu sinh sản, tính bình quân mỗi chim mẹ đẻ từ 30-35 trứng/năm, nếu ấp cho ra đời chim con được bán với giá từ 2,5-4 triệu đồng/con. Nuôi chim công không tốn nhiều chi phí xây dựng chuồng trại, việc chăm sóc lại mất ít thời gian nên gia đình vẫn có thể phát triển thêm trồng trọt để nâng cao thu nhập”. Riêng ông Nguyễn Văn Minh (phường Tân Hòa) quyết định tìm cho gia đình mình hướng sản xuất mới. Với 1,5 ha cà phê lâu năm đã cằn cỗi, vốn đầu tư nhiều lại cho năng suất thấp, để chọn được cách làm thực sự mang lại hiệu quả, ông đã dành thời gian để học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công trước đó, đồng thời tìm hiểu về đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng của địa phương và tự xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho gia đình. Sau khi tham quan trang trại nuôi heo rừng ở Ea Kar, ông mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác để đầu tư chăn nuôi. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi nên 4 con heo giống ông mua về không cho hiệu quả như mong đợi. Không nản lòng, ông tiếp tục học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi qua sách báo và các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức và mua thêm heo mẹ về gây giống. Có kiến thức, đàn heo rừng của gia đình ông ngày càng phát triển. Công việc chăn nuôi đi vào ổn định, trên diện tích 1,5 ha, ông Minh đã trồng xen sầu riêng và bơ. Hai giống bơ Booth và bơ sáp cho ra trái muộn, thu hoạch vào giữa tháng 10 đến hết tháng 11, bán với giá trên 40 nghìn đồng/kg. Hiện nay, trang trại của ông có hơn 60 con heo nái, mỗi năm sinh sản trên 400 con heo giống, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông Minh tâm sự: “Trong quá trình làm trang trại tổng hợp tôi cũng từng gặp nhiều thất bại trong chăn nuôi, thiệt hại về kinh tế nhưng cũng chính nhờ đó mà tích lũy thêm được kinh nghiệm. Để nâng cao thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi thì phải biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với từng loại cây trồng vật nuôi. Riêng chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh, thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông, thường xuyên theo dõi, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc và kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra”.

Nhằm vận động và khuyến khích hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, những năm qua, Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và đã được nhiều hội viên hưởng ứng. Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, Hội còn chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả cao để nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã tổ chức được 933 lớp tập huấn, 1.144 buổi hội thảo thu hút trên 141.000 lượt nông dân tham gia; xây dựng và nhân rộng 994 mô hình khuyến nông, lâm, ngư; mở 79 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 2.569 người. Bên cạnh đó, Hội  tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 18 tỷ đồng cho 396 hộ vay; tín chấp với các công ty, doanh nghiệp mua trên 2.000 tấn phân bón theo hình thức trả chậm giúp hội viên phát triển sản xuất. Đến nay, toàn thành phố có 8.958 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp.

Có thể thấy rằng, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột đã tạo được động lực giúp hội viên cải thiện và ổn định cuộc sống, từng bước khẳng định vai trò của nông dân trong việc thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Vân Anh

 

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ