A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phòng chống dịch MERS-CoV: Không chủ quan, không thái quá

09:21 | 12/06/2015

Không được chủ quan lơ là để dịch xâm nhập vào. Nhưng cũng không nên làm quá lên, gây hoang mang, lo lắng cho người dân và lãng phí ngân sách.

 
Kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS
Ảnh: CTV
 
Truyền thông phòng dịch – con dao 2 lưỡi
 
Trái với không khí mô tả trên báo chí Việt Nam, nhiều người vừa đi Hàn Quốc về đều chia sẻ, mọi sinh hoạt ở đất nước đang có dịch MERS - CoV này vẫn diễn ra bình thường, khách du lịch vẫn tới và không có bất kỳ xáo trộn gì. Có thể nói, trong trường hợp như Hàn Quốc đang gặp phải, là có những bệnh nhân nhiễm MERS - CoV, nếu xử lý không tốt, hoặc dịch sẽ bùng phát ghê gớm, hoặc nếu nghiêng về phía truyền thông thái quá, ngành du lịch sẽ rơi vào thảm họa mà nhiều năm sau chắc chưa vực dậy được.
Nói về họ, để có chút so sánh với mình. Có vài trường hợp nghi ngờ, đi xét nghiệm không phải, thì mừng quá, nhưng thế thôi có gì mà mà các trang báo đưa tin đi tin lại, giật tít đùng đùng. Hay có tờ báo mạng đưa tin về người Việt sinh sống ở Hàn Quốc vào thời điểm này giật tít rất ghê nhưng trong nội dung thì lại cho thấy hầu như những người Việt được dẫn ra trong bài báo đều phát biểu là họ đang yên tâm, lạc quan vì tin tưởng vào sự hiện đại và điều kiện của dịch vụ y tế Hàn Quốc nên cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, họ vẫn đón khách du lịch bình thường và khách du lịch vẫn đến Hàn Quốc khá đông. Cách trả lời của những người Việt được dẫn trong bài báo cho thấy người dân ở đất nước Hàn Quốc đã được trang bị kiến thức đầy đủ để có các biện pháp phòng tránh mà không hề hoang mang dao động. Họ cũng cho biết: Những ngày qua, mọi người dân Hàn Quốc vẫn giữ thói quen sinh hoạt hàng ngày, đi học, đi làm, chỉ hạn chế đến những nơi gần vùng cảnh báo lây nhiễm và các nơi công cộng như chợ, siêu thị.
 
Từ đó, để thấy phòng dịch cũng giống như bất kỳ việc gì cũng vậy, quyết định thành công có phần quan trọng của truyền thông. Nhưng trách nhiệm của truyền thông là tuyên truyền để người dân hiểu rõ về tình hình dịch, về các biện pháp phòng tránh chứ không phải là làm giật gân, thổi phồng. Nếu truyền thông làm thái quá thì nó là con dao 2 lưỡi, tác động tiêu cực đến xã hội và nền kinh tế.
 
Té nước theo mưa
 
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng chống dịch lại càng phải là ưu tiên số một. Tiền bỏ ra phòng bệnh dù thế nào cũng rẻ hơn tiền chữa bệnh bởi vì nếu để dịch xảy ra thì không phải chỉ tốn phí tiền chữa bệnh, tiền dập dịch mà còn có thể phải mất cả tính mạng con người. Nhưng việc phòng dịch phải được làm thực chất, hiệu quả và đặc biệt không nên lợi dụng tình hình "nước sôi lửa bỏng” để gây thất thoát và lãng phí ngân sách. 
 
Trong thực tế phòng chống dịch của thế giới những năm qua, không phải không có lúc ngay cả Tổ chức Y tế thế giới cũng đứng trước cáo buộc "bắt tay với các hãng dược để thổi phồng đại dịch”. Hậu quả của việc tuyên bố H1N1 đã trở thành đại dịch của tổ chức này là khoản tiền rất lớn nhiều quốc gia bỏ ra để dự trữ Tamiflu trong các năm 2004 – 2005. Ở Việt Nam thời điểm đó cũng tốn khoảng 500 tỉ đồng cho việc dự trữ Tamiflu. Kết quả sau đó trên toàn thế giới cho thấy, H1N1 không phải ở mức đại dịch, bằng chứng là số người chết vì H1N1 còn thấp hơn tỉ lệ tử vong của bệnh cúm mùa thông thường.
 
Trở lại với việc phòng dịch MERS - CoV ở Việt Nam hiện nay, ngành y tế và các cơ quan liên quan đã triển khai những biện pháp khẩn trương, quyết liệt. Nhưng đã xuất hiện tâm lý "ăn theo” dịch như đề xuất những khoản kinh phí lớn cho chống dịch. Trong đó có cả đề xuất mua những loại máy móc đã được trang bị trong những lần chống dịch trước đây. Hoặc xuất hiện những việc khá hình thức. Ví dụ vừa trước đó vài ngày, lãnh đạo ngành y tế đã kiểm tra việc kiểm soát dịch ở sân bay Nội Bài, vài ngày sau lại thấy lãnh đạo Hà Nội đi theo một lịch trình y như vậy. Những hình ảnh trên báo chí cho thấy khung cảnh của những bức ảnh đi kiểm tra công tác phòng dịch không khác nhau là mấy. Cũng như những số liệu, thông tin báo cáo của Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế Hà Nội ở cả 2 buổi kiểm tra này cũng giống nhau bởi vì 2 cuộc kiểm tra chỉ cách nhau vài ngày chắc chắn không thể có thêm gì mới.
 
Quyết liệt ngăn ngừa không để ca bệnh nào xâm nhập vào Việt Nam đang là nỗ lực của ngành y tế. Đồng tình với quan điểm của ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: "Trước mắt sử dụng kinh phí, nhân lực, vật lực tại chỗ, khi có bệnh nhân MERS - CoV mới chuyển sang giai đoạn cần thêm trang thiết bị, thuốc men và hóa chất chống dịch”. Chúng ta không tiếc tiền cho phòng dịch nhưng cũng tránh tình trạng "té nước theo mưa”, lãng phí tiền ngân sách cho những sự "thổi phồng” và hình thức. Tiền đổ ra cho phòng dịch là để đạt hiệu quả, không phải chỉ để tuyên truyền hình ảnh trên mặt báo.
 
Hoàng Oanh
 
Trả lời trực tuyến người dân về dịch bệnh MERS-CoV
 
Rất nhiều câu hỏi của người dân đã được gửi đến GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế và nhiều chuyên gia y tế khác tại cuộc trả lời trực tuyến trên báo Sức khỏe và đời sống diễn ra sáng qua, 10-6.  Thứ trưởng Long một lần nữa nhấn mạnh: Mặc dù cho đến nay MERS chưa được ghi nhận xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ dịch bệnh này ở nước ta là rất lớn, không ai có thể lơ là trong công tác phòng chống dịch. "Việc phát hiện và điều trị cách ly từ ca bệnh đầu tiên rất quan trọng. Qua bài học về dịch SARS năm 2003 và dịch MERS-CoV ở Hàn Quốc hiện nay, nếu phát hiện muộn thì người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong cao và lây lan ra cộng đồng. Chỉ có hiểu biết đầy đủ thì chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh. Chúng ta tự tin sẽ kiểm soát được dịch bệnh MERS-CoV” - Thứ trưởng Long nhấn mạnh. 
Ngọc Kha

 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ