A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh báo dịch đau mắt đỏ khi nắng nóng kéo dài

08:15 | 09/07/2015

Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Năm nay dịch đau mắt đỏ đến sớm, tiến triển cũng như tốc độ lây lan của bệnh nhanh hơn bình thường.

Thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, từ đầu tháng 6 đến nay lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vì các bệnh lý về mắt gia tăng một cách nhanh chóng. Trong đó 50% bệnh nhân khám đau mắt đỏ, trẻ em chiếm số đông. Đây là điều khá bất thường, vì hằng năm, dịch đau mắt đỏ xuất hiện vào tháng 9, tháng 10, nhưng năm nay dịch đến sớm. Không những thế, tiến triển của bệnh cũng rất nhanh, buổi sáng mắt chỉ có cảm giác cộm nhưng đến chiều đã sưng đỏ; tốc độ lây lan cũng nhanh hơn.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt trong thời gian gần đây nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương xuất hiện bệnh đau mắt đỏ, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân (lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…); vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

Ảnh minh họa

Khi gia đình có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ, cần thực hiện: lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, bông, không sử dụng lại; trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn; tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt; người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác, cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng; người bị đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng; đặc biệt, bệnh nhân không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác, không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu...

Được biết, bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao… Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát. Biểu hiện chính của bệnh là mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát; mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt.

Bệnh lây lan bằng việc tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt (nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi rút), nước bọt, bắt tay; cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh; sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi; thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng…

K.O (nguồn chinhphu.vn)

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ