A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Căng thẳng tình trạng quá tải ở bệnh viện đa khoa tỉnh

08:01 | 11/10/2014

Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK), bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, mỗi ngày đón tiếp trên 1.000 lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh.

Mặc dù BV đã triển khai nhiều biện pháp để giảm tải bệnh nhân nhưng hầu như khoa, phòng nào cũng luôn trong tình trạng kín người bệnh. Tình trạng quá tải kéo dài khiến cho cả lãnh đạo bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ lẫn bệnh nhân và thân nhân người bệnh đều căng thẳng…

Quá tải  tại Khoa Nhi tổng hợp.  Ảnh: H.G

Quá tải tại Khoa Nhi tổng hợp. Ảnh: H.G

Bác sĩ Bùi Trường Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Theo quy định giường bệnh được UBND tỉnh phê chuẩn là 900 giường thì ngay con số này đã là quá tải bởi cơ sở hạ tầng của BV được xây dựng với quy mô ban đầu là 500 giường bệnh, sau đó vì bệnh nhân tăng nên cơi nới kê lên 900 giường. Nhưng thực tế, trong 2-3 tuần gần đây số bệnh nhân điều trị nội trú lên đến trên 1.200 giường, vượt trên 30% so với chỉ tiêu giường bệnh được giao. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng kê thêm giường bệnh, nhưng tình trạng quá tải vẫn rất nặng nề. Bệnh nhân vẫn phải nằm ghép, thậm chí tại nhiều khoa, người bệnh phải nằm điều trị cả ở ngoài hành lang, dẫn tới việc nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, hay công tác vệ sinh của bệnh nhân hết sức khó khăn”. Theo thống kê của BVĐK tỉnh, năm 2013, BV đã điều trị nội trú cho trên 59 nghìn lượt bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh là 108%. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2014, lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại BV đã đạt gần 42 nghìn lượt và công suất sử dụng giường bệnh của BV đã lên tới trên 112%. Tình trạng quá tải diễn ra nghiêm trọng nhất ở Khoa Nhi tổng hợp và Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh. Trong 8 tháng đầu năm 2014, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh tiếp nhận điều trị cho 2.072 trường hợp, đạt tỷ lệ trên 310% so với kế hoạch và tăng gần gấp đôi so với số bệnh vào điều trị tại khoa năm 2013 (cả năm 2013, khoa điều trị cho 1.068 lượt bệnh nhi). Còn với Khoa Nhi tổng hợp, trong 8 tháng đầu năm 2014, khoa tiếp nhận và điều trị 8.543 lượt bệnh nhân, đạt tỷ lệ trên 231% so với kế hoạch. Hiện tại, Khoa Nhi tổng hợp đang điều trị cho gần 300 bệnh nhi, trong khi cả khoa mới có 120 giường bệnh. 

Do không đủ giường bệnh, bệnh nhân phải nằm điều trị ở bên ngoài hành lang.

Do không đủ giường bệnh, bệnh nhân phải nằm điều trị ở bên ngoài hành lang.

Ghi nhận tại Khoa Nhi tổng hợp cho thấy, các phòng bệnh lúc nào cũng chật kín người, mỗi giường bệnh đều có từ 2-3 trẻ nằm điều trị. Thậm chí, có những thời điểm lượng bệnh vào khoa tăng đột biến, nhiều trẻ phải nằm điều trị trên băng ca hoặc giường xếp bên ngoài hành lang phòng bệnh. Thời tiết nóng nực cộng với tiếng trẻ con khóc khiến cho không khí ở các phòng bệnh vô cùng ngột ngạt. Chia sẻ về tình trạng quá tải của khoa, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết: “Hai năm trở lại đây tình trạng quá tải bệnh nhi ở khoa luôn ở mức cao với tỷ lệ trên 150%, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, lượng bệnh vào khoa thường xuyên nằm ở tỷ lệ từ 200-300%. Để đáp ứng công tác điều trị, Ban Giám đốc Bệnh viện đã triển khai nhiều phương án để cải thiện tình hình. Nếu trước kia thời gian làm việc của bác sĩ là 8 tiếng/ngày, thì hiện nay đã tăng đến 200%, thậm chí nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu công việc. Song việc cán bộ y bác sĩ phải làm thêm giờ kéo dài dẫn đến nhiều bác sĩ có biểu hiện đuối sức…”. Còn bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh chia sẻ: “Áp lực quá tải cộng với việc điều trị bệnh nhân nặng luôn là vấn đề nan giải đối với đội ngũ y bác sĩ của khoa, bởi dù đã đưa bàn làm việc của cán bộ y bác sĩ ra kê ngoài hành lang, trưng dụng phòng làm việc để kê giường bệnh nhưng vẫn không đủ giường cho bệnh nhi và kéo theo đó là không đủ trang thiết bị để phục vụ, rồi nguy cơ lây nhiễm chéo lại tăng lên khi bệnh nhân thường xuyên phải nằm ghép. Không những thế, bệnh đông thì lại đòi hỏi đội ngũ phục vụ cũng phải tăng theo, trong khi đó nhân lực của khoa chỉ có giới hạn. Đến thời điểm này, ngoài định biên 25 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên, BV đã hợp đồng thêm 34 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý vào làm việc tại khoa nâng tổng số cán bộ y bác sĩ và nhân viên của khoa lên 59 người. Thế nhưng, con số này vẫn chưa đủ so với nhu cầu thực tế của khoa hiện nay”.

Có thể thấy, tình trạng quá tải nghiêm trọng và kéo dài ở BVĐK tỉnh nói chung và 2 khoa Nhi nói riêng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần làm việc của cán bộ y bác sĩ mà còn khiến cho người bệnh thấy mệt mỏi, căng thẳng. Đưa con gái bị bệnh viêm phổi vào điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp đã hơn 10 ngày, thì hầu như ngày nào chị Nguyễn Thị Bích Nga ( trú tại km 110, huyện Ea H’leo) cũng phải vất vả để tìm cho con một chỗ nằm tạm chấp nhận được, bởi theo chị: “Trẻ bị ốm thường hay quấy nên lúc cháu ngủ tôi chỉ mong cháu có một chỗ nằm thoải mái một tí để ngủ được lâu cho lại sức. Thế nhưng, bây giờ mỗi giường bệnh đều có từ 3-5 cháu cùng nằm điều trị thì biết sắp xếp thế nào để các cháu có chỗ nằm thoải mái”. Còn chị Bế Thu Hường, cũng ở huyện Ea H’leo thì cho hay: “Con tôi bị viêm phổi và nhiễm trùng máu vào khoa điều trị được 2 tuần rồi. Từ khi vào đây, giường bệnh của cháu luôn có từ 3 đến 4 trẻ khác cùng nằm điều trị. Ban ngày, những cháu bị bệnh nhẹ thì ra nằm võng ở ngoài hành lang cho bớt chật chội, còn tối đến thì tất cả cùng chen chúc trên một giường bệnh. Bệnh viện quá tải, nằm điều trị trong điều kiện chật chội đã đủ mệt mỏi, nhưng điều khiến tôi lo hơn cả là sợ cháu bị lây bệnh của những trẻ khác…”.

Trên thực tế, để điều tiết được mọi hoạt động trong tình trạng quá tải ở mức báo động nói trên, “kế sách” được BVĐK tỉnh áp dụng là tăng cường điều động thêm nhân lực ở các khoa, phòng quá tải ít sang hỗ trợ cho những khoa quá tải với cường độ cao. Song, rõ ràng đây chỉ là những “kế sách” tạm thời, về lâu dài đòi hỏi phải có những biện pháp mang tầm vĩ mô. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện cho rằng: “Để giải quyết được gốc rễ của vấn đề, điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng, khả năng điều trị của tuyến dưới để giảm tình trạng bệnh nhân từ tuyến dưới dồn lên tuyến tỉnh quá nhiều như hiện nay. Bên cạnh đó, việc BVĐK vùng Tây Nguyên được xây dựng với quy mô 800 giường bệnh cũng giúp ngành Y tế có thêm một biện pháp để giải quyết vấn đề quá tải. Do đó, chúng tôi cũng rất mong muốn công trình này được đẩy nhanh tiến độ, sớm đi vào hoạt động để người dân được điều trị trong điều kiện tốt hơn”. 

Kim Oanh

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ