A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trắng đêm cùng cửu vạn chợ đầu mối

08:06 | 11/10/2014

Giữa tiết trời se lạnh của TP. Buôn Ma Thuột về đêm, khi mọi người đang ngon giấc trong chăn ấm thì ở chợ đầu mối Tân An (phường Tân An), ...

... những người cửu vạn vẫn đang thức trắng, gò lưng kéo từng thùng hàng nặng trĩu, tất bật với công việc thường ngày của mình…

Chợ đêm Tân An thường hoạt động từ khoảng 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh hoạt động từ nhiều năm nay, cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy - hải sản đến các chợ nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh. Nơi đây cũng tạo điều kiện cho khoảng gần 100 người hành nghề cửu vạn với công việc hằng ngày là chờ những chuyến xe tải chở hàng từ một số tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng… đưa về để khuân vác, kéo vào sạp, ki-ốt của các hộ kinh doanh trong chợ.

Các cửu vạn bốc hàng từ xe tải xuống để đưa vào chợ.

Các cửu vạn bốc hàng từ xe tải xuống để đưa vào chợ.

Có mặt tại chợ đầu mối Tân An lúc nửa đêm mới thấy thấm thía được nỗi cơ cực của những người lao động vất vả vì cuộc mưu sinh lấy đêm làm ngày. Giữa trời đêm đang lất phất mưa, hai chiếc xe tải lớn nối đuôi nhau chở hoa quả từ miền Nam dừng trước chợ Tân An. Tiếng động cơ xe đã nhanh chóng đánh thức những người làm cửu vạn đang ngủ vội ở mái hiên lề chợ. Từng tốp người gọi nhau í ới ngồi dậy choàng vội tấm áo, mang theo xe kéo, bao tay... tất bật chạy tới. Xe vừa dừng hẳn, ba người đàn ông khỏe mạnh nhảy lên thùng xe tháo tấm bạt che và đẩy hàng ra phía sau. Bên dưới đã có hơn 10 người ghé vai vác từng bao tải hàng củ quả và những thùng cá, mực… đặt lên xe kéo để vận chuyển đến từng ki-ốt nằm trong chợ. Chừng một tiếng đồng hồ sau, 2 chiếc xe tải đã sạch hàng. Những người cửu vạn còn chưa kịp nghỉ ngơi thì chiếc xe thứ 3 lừ lừ tiến vào chợ... Mỗi đêm, ở đây có trên 20 lượt xe tải lớn nhỏ chở hàng về, mỗi lần dừng bỏ hàng chỉ khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ lại đi, và công việc của những cửu vạn cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến tận sáng hôm sau. Khoảng thời gian từ  0 giờ đến 4 giờ sáng, các chuyến xe đổ về đây đông nhất nên dường như họ phải làm việc luôn tay.

Trong ánh sáng lờ mờ, một người đàn ông dáng vẻ nhỏ thó với mái tóc bạc trắng, chân không đi dép, đang cố lấy đà đưa một bao tải to gấp đôi cơ thể của mình lên vai. Sức nặng của chiếc bao tải khiến ông phải khom lưng, lò dò đi từng bước một vì trời mưa đường dễ trơn trượt. Đó là ông Trần Văn Cao (65 tuổi) trú ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, hành nghề cửu vạn ở đây đã ngót 10 năm. Ông Cao cho biết, do phải làm việc vào buổi đêm nên không tránh khỏi những cơn buồn ngủ, có người vừa kéo xe vừa ngáp, lại có người ngủ gục trên những chiếc xe kéo trong khi đứng chờ chất hàng. Những lúc như thế, cà phê và thuốc lá là bạn giúp họ chống chọi với cơn buồn ngủ. Bên góc chợ cách đó chừng 10 mét, một chiếc xe ba gác cao chất ngất những sọt bằng nhựa, đựng bên trong là cá và đá lạnh đã xay nhỏ, lừng lững từ phía ngoài cổng đẩy vào chợ. Khuất sau chồng hàng đó là anh Nguyễn Thanh Nam (35 tuổi) đang oằn người đẩy chiếc xe vào trong sạp hàng của chị Oanh. Đêm nay mưa nhẹ, không khí mát mẻ dễ chịu nhưng chỉ trong phút chốc, chiếc áo của anh Nam đã ướt đẫm mồ hôi. Anh Nam tâm sự: Những ngày đầu vào nghề tay ai cũng phồng rộp. Khổ nhất là lúc kéo xe qua các đường nhỏ luồn lách qua các sạp hàng trong chợ, chỉ cần lệch tay là có thể làm đổ hàng hóa của người khác. Nhiều lúc kiệt sức, xe lùi lại hoặc bung càng, nếu không khéo léo sẽ bị quật ngã cả người, rất dễ gãy chân, tay. Vất vả nặng nhọc, đổ mồ hôi nước mắt vậy mà mỗi đêm, thu nhập của họ nhiều nhất cũng chỉ kiếm được khoảng hơn 200 nghìn đồng. Những dịp lễ, Tết hay ngày rằm, mùng một, hoa quả về chợ nhiều, nếu cố hết sức cả đêm thì có thể kiếm được 300.000-500.000 đồng.

Một người làm bốc vác tranh thủ ăn trước khi  chuyến xe hàng khác đến.

Một người làm bốc vác tranh thủ ăn trước khi chuyến xe hàng khác đến.

Tuy cuộc sống kham khổ song hầu hết những người làm nghề cửu vạn ở đây ai nấy đều thương yêu, chia sẻ buồn vui, gian khó cùng nhau. Đêm dần tàn, nhưng cơn mưa chưa dứt, ngồi đếm lại những đồng tiền kiếm được trong đêm, khuôn mặt của anh Tào Văn Sanh người dân tộc Mông ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) hằn lên nỗi mệt nhọc, hốc hác sau nhiều đêm mất ngủ. Anh Sanh cho hay, những người làm thuê ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt và đa số là nghèo khó. Những ngày đầu đặt chân lên TP. Buôn Ma Thuột chỉ với hai bàn tay trắng, anh được những người cửu vạn ở đây giúp đỡ giới thiệu chỗ ở trọ gần chợ và xin việc làm bốc vác hàng cho một số hộ kinh doanh nơi đây. Nghề này tuy vất vả, cực nhọc nhưng nếu không quản mưa gió thì vẫn có việc đều quanh năm. Được mọi người động viên, anh Sanh đã gọi cả vợ lên để cùng làm nghề bốc vác để nuôi 3 con ăn học…

Sáu giờ sáng, chợ đầu mối bắt đầu vãn xe tải chở hàng cũng là lúc đội ngũ cửu vạn ra về. Một ngày mới lại bắt đầu với nhiều người lao động khác, nhưng với những người làm nghề cửu vạn thì lại bắt đầu với giấc ngủ sau một đêm dài làm việc. Trên mỗi gương mặt của những người cửu vạn, niềm vui khi nhận được những đồng tiền công ít ỏi sau một đêm lao động cật lực không lấn át được những cái ngáp dài...

Lê Thành

    nguồn: Baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ