A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khóc cùng bầy chồn “quý tộc”

01:35 | 24/04/2013

Nhằm đánh tan nỗi hoài nghi cà- phê chồn chỉ là huyền thoại, một anh nông dân sinh trưởng giữa thủ phủ cà-phê đã dành hàng chục năm tuổi trẻ mày mò gây dựng cho được trang trại sản xuất ra loại cà- phê đắt nhất thế giới.

Thử nghiệm cho chồn ăn quả chín trên cây

ĐỐI THỦ CỦA KOPI LUWAK

Sau Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai 2009, Công ty Cà phê Trung Nguyên đã trình làng những hộp cà-phê chồn thiết kế sang trọng, tinh xảo mang tên Weasel, giá 3.000 USD mỗi ký, quảng bá đây là loại quà dành tặng cỡ nguyên thủ quốc gia đắt không kém cà-phê chồn Kopi Luwak của Indonesia từ lâu đã nổi tiếng trên thị trường thế giới.

Tới Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ Tư tháng 3-2013 thì cà-phê chồn đã thành mặt hàng trăm hoa đua nở. Hàng chục gian hàng trong Hội chợ chuyên ngành giới thiệu sản phẩm càphê chồn, có quầy còn bày cả lồng nhốt đôi chồn hương cạnh cái hộp nhựa đựng những lọn cà-phê chồn hạt thô trông khá phản cảm. Nếu bị truy hỏi về nguồn gốc sản phẩm, địa chỉ trại nuôi chồn ở đâu, chủ quầy thường lúng túng vòng vo, tránh né.

Riêng mỗi ông Hoàng Mạnh Cường - chủ quầy cà-phê chồn mang tên công ty TNHH Kiên Cường là thừa nhiệt tình đón khách về trang trại, bởi ông luôn muốn chứng minh thứ báu vật đất trời này có thật một trăm phần trăm. Giữa ồn ào huyên náo, quầy uống cà-phê chồn miễn phí của ông Cường được ban Tổ chức Lễ hội ưu tiên bố trí ngay gần cổng vào Hội chợ. Tuy nhiên, hiếm người dám móc ví ra mua mặt hàng duy nhất được ông “trình làng”, là cà-phê chồn rang xay gói nhỏ đóng hộp đẹp mắt cỡ 200gr giá hai triệu đồng, tức mỗi ký 10 triệu, dù khá rẻ so với loại cà-phê chồn “tặng nguyên thủ” nhưng vẫn đắt gấp một trăm lần so với nhiều loại cà-phê bột thông thường.

Cùng ông về trang trại nuôi động vật hoang dã rộng trên nửa hecta ở số 5 đường Hoàng Hoa Thám, không ít quan khách kinh ngạc vì cả quy trình sản xuất ra mặt hàng độc đáo rất chặt chẽ, chuyên nghiệp, khép kín này hóa ra hoàn toàn là sự nghiệp sáng tạo thấm đầy mồ hôi và cả nước mắt của một nông dân. Trang trại nuôi nhiều loại động vật hoang dã, có cả rắn, trăn, dúi, nhím đá, chim trĩ, kỳ đà, tổng cộng lên đến hàng nghìn con trong nhiều dãy chuồng thoáng đãng tinh tươm. Song được chủ nhân đầu tư nhiều công sức nhất, là đàn cầy vòi hương, gọi theo cách quen thuộc là chồn hương gần hai trăm con được chăm chút kỹ lưỡng trong từng “căn hộ”, ăn tầng dưới, ngủ tầng trên, có sân chơi rộng cửa khi đêm về. Chúng được nuôi bằng thịt và trái cây để sản xuất ra cà-phê chồn bằng cách ăn những quả cà-phê đỏ mọng ngon nhất rồi thải ra những lọn phân ken đặc hạt cà-phê lên men sau quá trình tiêu hóa. Chủ trại nhặt lấy đặt vào khay, xếp lên kệ hong ráo, sấy khô, xát vỏ, rửa sạch, rang xay, đóng gói. Toàn bộ quy trình được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, vô số chứng nhận, bằng khen, giải thưởng ấy đã ngốn của vợ chồng ông Cường gần chục tỷ đồng, lấy từ tiền bán đất đai nương rẫy và đủ kiểu kinh doanh khác, trong suốt quá trình thử nghiệm, nghiên cứu, xây dựng ròng rã hơn mười ba năm.

DỐC CẠN VỐN CHO THƯƠNG HIỆU CÀ-PHÊ CHỒN VIỆT NAM

Chào đời năm 1962 tại Buôn Ma Thuột giữa bạt ngàn cà-phê nên từ thời thơ ấu, đi mót cà-phê cuối mùa trong rẫy cùng bạn bè trang lứa, ông Cường đã sớm nghe dân đồn điền kể về giá trị và sự hiếm quý của những lọn cà-phê chồn rơi vãi. Khi nền kinh tế thị trường rộng cửa, đại gia ăn nhậu liên miên, cầy vòi hương trở thành đặc sản trong các quán nhậu, cũng là lúc cà-phê chồn lùi dần vào cổ tích.

Năm 2000, mua được hai đôi cầy vòi hương ở góc phố bán chim trời, ông Cường mày mò tìm cách nuôi. Mất rất nhiều công lao, thậm chí nhiều đêm bật khóc vì lo lắng khi chồn ốm, chồn bỏ ăn, hoang mang không biết phải chăm nó bằng những loại thức ăn gì, dần dà ông mới thông thuộc được từng tập tính ăn, ngủ, sở thích của nó. Sau lần thử nghiệm vây lưới thả chồn vào vườn cho tự ăn cà-phê chín trên cây, bị chồn cắn đứt lưới sổng gần hết, ông rút kinh nghiệm tổ chức thu mua cà-phê tuyển với giá đắt gấp đôi ba lần, về rửa sạch cho chồn ăn. Ông kể: Cầy vòi hương là loài thú quý tộc, cực kỳ khó tính. Cà-phê tươi mọng đỏ hái khỏi cành không quá một buổi, dù không một vết trầy xước sâu rầy bầm dập nó cũng chỉ lựa ăn chừng 20%. Ngoài ra, nó chỉ ăn thịt và trái cây chín. Chăm bẵm quanh năm cho chồn mạnh khỏe chỉ để chúng xuất ra cà-phê chồn trong hơn hai tháng vào mùa thu hoạch cà-phê.

Vô số lần gõ cửa các cơ quan chức năng và xuôi ngược ra bắc vào nam, ông mới hoàn tất thủ tục được cấp phép nuôi động vật hoang dã. Năm 2004, cà-phê chồn lọn thô phơi trên sân nhà ông Cường được du khách Pháp đặc biệt chú ý, họ hào hứng hỏi mua và gợi ý ông Cường nên làm thế nào để biến nó thành loại hàng hóa có thể đọ với thương hiệu Kopi Luwak đang có giá hàng nghìn USD mỗi ký của Indonesia.

Ít ai biết đa phần nguyên liệu làm nên các hộp cà-phê chồn giá nghìn đô làm quà cao cấp bày bán ở một số cửa hàng sang trọng tại các thành phố lớn được mua từ trại ông Cường. Năm 2007, sau khi thành lập Công ty TNHH MTV Kiên Cường, giám đốc Cường phải tự trau dồi tin học, mở website giới thiệu công ty. Được dự án Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu của Đan Mạch tạo điều kiện, ông Cường nhờ chuyên gia Trung tâm phát triển cộng đồng đến dạy cách rang xay chế biến, đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật để được cấp chứng chỉ sản phẩm an toàn. Tiếp đó, ông mở nhiều lớp tập huấn ngay tại trang trại cho hàng trăm nông dân khác nhằm tạo mạng lưới cộng sự. Ông cũng cẩn thận gửi các mẫu hàng cà-phê chồn đến các trung tâm kiểm nghiệm chất lượng và chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm để được phân chất, xác nhận tiêu chuẩn. Cậu con trai đầu được ông cho sang New Zealand du học, vừa về nước chuẩn bị bảo vệ thạc sĩ thú y để hỗ trợ bố. Một doanh nghiệp Đài Loan đặt vấn đề bao tiêu hết cà-phê chồn lọn thô với giá thỏa thuận, lo mất thương hiệu, ông Cường từ chối.

Pha mời khách phin cà-phê đen đặc thoảng vị ẩm nồng hoang dã, ông Cường trầm tư: Còn gian nan nhiều nữa với mục tiêu đưa cà-phê chồn Việt Nam tới tay khách hàng cao cấp toàn cầu. Nhưng thời nào và ở đâu cũng có dòng khách thượng lưu cần hưởng thụ những mặt hàng đắt giá nhất. Indonesia đã gây dựng được thương hiệu cà-phê chồn trên thị trường thế giới, sao mình lại không?

Bà Tống Thị Điệp-Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Buôn Ma Thuột: Mỗi phin cà-phê chồn thứ thiệt của ông Cường giá tới 200 nghìn trong khi phin cà-phê bình thường chỉ trên dưới 10 nghìn. Tất nhiên khó về đầu ra nhưng Hội đánh giá rất cao tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tự tìm hướng đi mới của ông Cường để nâng cao giá trị cho cà-phê chế biến sâu. Ông đã năng động mời giảng viên Đại học Tây Nguyên phối hợp hướng dẫn cho nông dân về nghề nuôi chồn và sản xuất cà-phê chồn, cung cấp giống, giúp họ cùng tạo sản phẩm giá trị cao, chẳng giấu nghề gì hết...

    Theo Nhân dân

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ